Doanh nghiệp 16/10/2014 22:59

Doanh nghiệp dầu khí chịu ảnh hưởng gì khi giá dầu thế giới giảm?

FICA - Ngoài Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam thì các doanh nghiệp khác trong họ dầu khí hầu hết sẽ không chịu ảnh hưởng lớn bởi giá dầu thế giới giảm.

Giá dầu thô giảm mạnh trong vài ngày qua xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012 được cho là do tiêu thụ dầu thô giảm. Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu cả năm 2014 xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. 

Trong khi đó, hoạt động khai thác dầu thô toàn thế giới vẫn duy trì tại mức cao. Các nước thành viên OPEC, chiếm 1/3 nguồn cung dầu thế giới, không có ý định hạ sản lượng, trong khi lượng dầu khai thác tại các nước khác đang gia tăng và vượt nhu cầu. Vì vậy, IEA điều chỉnh giảm dự báo giá dầu Brent còn trung bình 104,42USD/thùng trong năm 2014, và 101,67USD/thùng trong năm 2015, từ mức dự báo trước đó là 106USD/thùng và 103USD/thùng. Hiện giá dầu Brent đạt 83USD, thấp hơn 20% so với mức cao nhất 52 tuần qua. 

Trong bản tin gửi tới nhà đầu tư ngày 16/10, công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) có xem xét tác động của việc giá dầu giảm đối với các doanh nghiệp trong ngành dầu khí Việt Nam.

Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), VCSC cho rằng, giá dầu thô giảm không có tác động đáng kể đối với triển vọng lợi nhuận của PVD. Thứ nhất, các giàn khoan do công ty sở hữu (đóng góp 30% doanh thu) đã có hợp đồng dài hạn (kéo dài từ 1,5 năm đến 2 năm đối với JU 1 và 2, lần lượt đến năm 2015 và 2016 đối với giàn khoan trên đất liền và giàn khoan TAD) với giá thuê ngày cố định. 

Thứ hai, các giàn khoan công ty thuê lại (từ 3 tháng đến 1 năm) vẫn mang về lợi nhuận gộp cố định cho PVD. Cuối cùng, nhu cầu dịch vụ khoan kỹ thuật (chiếm tổng cộng 61%) và dịch vụ hỗ trợ khai thác tại mỏ dầu 


(33% doanh thu) tại Việt Nam phụ thuộc vào hoạt động đầu tư thăm dò và khai thác của các công ty dầu khí. Vì hoạt động thăm dò và khai thác chủ yếu được thực hiện tại các vùng nước cạn, chi phí có thể ở mức thấp, chỉ bằng 1/2 giá dầu hiện tại, nên các công ty dầu khí vẫn có thể tiếp tục hoạt động này, và duy trì nhu cầu dịch vụ dầu khí.

Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX:PVS) Tàu dịch vụ dầu khí là lĩnh vực duy nhất có thể bị ảnh hưởng từ việc giá dầu giảm vì hợp đồng trong lĩnh vực này đều là hợp đồng ngắn hạn, có thể được gia hạn với giá thuê ngày thấp hơn. Nhưng bù lại, nhu cầu tàu dịch vụ dầu khí của Việt Nam sẽ tăng từ 80 đến 90 tàu trong năm 2015, đồng thời PVS còn cung cấp hai tàu khác cho Myanmar. 

Vì một số công ty lớn thâm nhập vào lĩnh vực thăm dò và khai thác, nhu cầu cảng dịch vụ dầu khí, thăm dò địa chấn sẽ tăng trong khi số lượng dự án dầu khí lớn hơn (cả thượng nguồn và hạ nguồn) sẽ đòi hỏi dịch vụ cơ khí dầu khí (M&C) và vận hành và bảo dưỡng (O&M). Cuối cùng, dịch vụ kho nổi FSO/FPSO có hợp đồng dài hạn (15-20 năm) vì vậy sẽ không bị ảnh hưởng bởi giá dầu.

Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (HSX:GAS), VCSC cho rằng việc giá dầu giảm không ảnh hưởng nhiều đến GAS vì 2 lý do chính. Thứ nhất, mỗi năm, GAS chỉ thu được phí vận chuyển đối với 67% sản lượng tiêu thụ khí khô (sản lượng bao tiêu bán cho các nhà máy điện và sản lượng khí bán cho DPM), do đó GAS không bị ảnh hưởng bởi sự biến động của giá dầu.

Thứ hai, mặc dù giá dầu FO được dự báo sẽ giảm, tuy nhiên, trong năm 2015, giá khí đối với sản lượng trên bao tiêu (chiếm 22% tổng sản lượng) bán cho các nhà máy điện ước tính sẽ tăng 19,9% so với năm 2014, do theo cơ chế định giá được áp dụng trong năm 2014, giá bán khí sẽ tăng từ mức 70%-90% giá thị trường lên bằng với giá thị trường.

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (HSX: DPM), từ ngày 01/04/2014, giá khí đầu vào của DPM được tính dựa trên 46% giá MFO, do đó, giá dầu FO (thường sẽ giảm nếu giá dầu giảm) sẽ khiến chi phí nguyên liệu giảm và giúp cải thiện khả năng sinh lời của DPM.

Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (HSX: PVT): Việc giá dầu giảm không ảnh hưởng đến PVT. Các hợp đồng chạy theo chuyến của PVT có thể hưởng lợi từ việc chi phí nhiên liệu giảm. Ngược lại, đối với hợp đồng vận chuyển dầu định hạn ký với PVN, PVN có thể điều chỉnh cước thuê tàu của PVT dựa trên chi phí đầu tư phát triển đội tàu, chi phí hoạt động và mức cước tàu quốc tế, do đó sẽ hạn chế phần lợi nhuận phát sinh do giá nhiên liệu giảm của PVT.

Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), giống như PVD, mặc dù giá dầu giảm, sự phát triển của các hoạt động thăm dò-khai thác dầu khí tại Việt Nam là động lực giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dung dịch khoan và hóa chất do PVC cung cấp. 

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *