Doanh nghiệp 24/11/2014 13:43

30% GDP tới từ các doanh nghiệp do các "bóng hồng" làm chủ

FICA - Trong những năm gần đây, tỷ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam gia tăng một cách đáng kể với hơn 25%, và mục tiêu giai đoạn 2011 - 2020 đạt ít nhất 35% vào năm 2020.

Báo cáo tại "Diễn đàn nữ doanh nhân Việt Nam" do Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội (HNEW) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức mới đây, bà Hà Thị Thu Thanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch HNEW cho biết, hiện nay các doanh nghiệp nữ Việt Nam đóng góp khoảng 30% GDP, tạo việc làm cho 30% người lao động. 

Trong những năm gần đây, tỷ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam gia tăng một cách đáng kể với hơn 25%, và một trong những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 là tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ đạt ít nhất 35% vào năm 2020. 

"Có cả những doanh nhân thuộc thế hệ 8x, giữ những vị trí ngày càng quan trọng trong lực lượng lao động xã hội và trong doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều nữ doanh nghiệp đã đưa sản phẩm, dịch vụ của mình vươn ra thị trường thế giới, tạo dấu ấn quan trọng", bà Thanh nói.

Tuy nhiên, theo bà Thu Thanh, các doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với những hạn chế thường dễ nhận thấy như hoạt động chưa có tính chiến lược lâu dài dưới tư duy lãnh đạo theo kiểu “truyền thống”, chiến lược hoạt động theo “phong trào”. Trong đó, nhiều yếu tố hướng tới sự phát triển dài hạn một cách bền vững như quản trị rủi ro, quản trị nhân sự, tính tuân thủ, phát triển thương hiệu, xây dựng các mối quan hệ hợp tác chiến lược,… chưa được quan tâm đầu tư. 

Dưới góc độ một nữ doanh nhân có nhiều năm trên thương trường, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng, doanh nghiệp hiện nay đã giàu có và sung túc hơn xưa rất nhiều nhưng vẫn thiếu đi tư duy mới. Thế hệ lãnh đạo là nữ doanh nhân trẻ cần phải rạch ròi trong quản trị, sống tích cực và quan tâm tới đời sống của nhân viên. 

"Tôi chọn quan hệ gia đình làm nền tảng cho sự phát triển của mình, để tạo sự gắn kết, coi tổ chức là gia đình lớn bên cạnh gia đình nhỏ thực sự chúng ta đang sống. Sự quản trị với tôi rất rạch ròi. Người ta quản trị phải đảm bảo các ngtac của Nhà nước nhưng giữa con người phải xác định trên nền tảng gia đình, bà Dung chia sẻ.

Trong khi đó, bà Trần Thị Hồng Minh – Cục trưởng Cục đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì lại cho rằng, nhìn ra thực tiễn quốc tế, ý chí kinh doanh là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nữ nói riêng. 

Mặt khác, khả năng đối phó với khủng hoảng của doanh nghiệp cũng là yêu cầu thiết yếu với các doanh nghiệp có định hướng cụ thể và tầm nhìn dài hạn. "Các nhà nghiên cứu kinh tế đã khẳng định, khủng hoảng kinh tế có tính chu kỳ và sẽ xảy ra sau một giai đoạn phát triển nóng của nền kinh tế. Vượt qua khủng hoảng không còn là một phạm trù mới mẻ đối với các doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là tăng trưởng sau khủng hoảng và tận dụng những cơ hội kinh doanh mới chính là thước đo chất lượng của doanh nghiệp", bà Minh cho biết.

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *