Doanh nghiệp 07/12/2013 10:03

Doanh nghiệp cao su không còn thêm đất khai thác ở Việt Nam

FICA - Theo chứng khoán Bản Việt, tăng trưởng doanh thu của các công ty cao su gần như phụ thuộc vào biến động của giá cao su, do không còn đất khai thác thêm ở Việt Nam. Trong khi đó, biên lợi nhuận ổn định ngay cả khi giá cao su biến động mạnh do sự chi phối của VRG.

Giá cao su đã giảm 20% trong 2013

Báo cáo cập nhật các doanh nghiệp cao su niêm yết của chứng khoán Bản Việt dẫn số liệu từ Tổ chức Nghiên cứu Cao su thế giới (IRSG) cho biết, thặng dư cao su tự nhiên được cho là sẽ giảm từ 322.000 tấn trong năm 2012 xuống 240.000 tấn trong năm 2013 nhưng sẽ tăng lên 450.000 tấn trong năm 2014. Mức thặng dư giảm trong năm nay có thể hỗ trợ giá cao su, cho đến nay giá mặt hàng này đã giảm gần 20% tính từ đầu năm 2013.

Theo IRSG, trong năm nay lượng tiêu thụ cao su tự nhiên có khả năng sẽ tăng nhẹ 3,9% so với cùng kỳ năm trước và sẽ tiếp tục giữ nguyên tốc độ này cho đến năm 2014, phần lớn là nhờ các thị trường mới nổi chiếm 70% lượng tiêu thụ toàn cầu. Triển vọng đối với nhu cầu thế giới được cải thiện có thể khiến lượng thặng dư giảm nhẹ trong năm nay.



Nguồn: Bản Việt, IRSG

 

Về giá cao su, giá dầu ảnh hưởng mạnh và biến động cùng chiều đến giá cao su tự nhiên do dầu thô là nguyên liệu chủ yếu dùng để sản xuất cao su tổng hợp, vật liệu thay thế cao su tự nhiên. Tuy nhiên, mối tương quan này dường như bắt đầu yếu dần do hiện nay cao su tự nhiên đang có thặng dư lớn. Ngoài ra, mối tương quan này còn bị ảnh hưởng bởi mức độ thay thế lẫn nhau giữa cao su tự nhiên và cao su tổng hợp

Thường thì, khoảng cách giữa hai mặt hàng này sẽ thu hẹp lại khi giá cao su có khuynh hướng tăng theo giá dầu. Tuy nhiên, do hiện nay cao su đang thặng dư 322.000 tấn trong năm 2013 và 450.000 tấn trong năm 2014, Bản Việt cho rằng rất khó dự báo chính xác xu hướng giá cao su sắp tới. Tổ chức IRSG có đưa ra dự báo cung-cầu thế giới nhưng cũng không dự báo xu hướng giá cả.

Doanh thu phụ thuộc giá cao su do các công ty hết đất khai thác ở Việt Nam

5 công ty cao su niêm yết trên sàn đều có cấu trúc tài chính tương tự nhau với chỉ số đòn bẩy thấp và khả năng sinh lời cao. Trong số 5 công ty này, ba công ty dẫn đầu là CTCP Cao su Phước Hòa (PHR), CTCP Cao su Đồng Phú (DPR), và CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) với giá trị vốn hóa lớn, diện tích canh tác lớn và các chỉ số tài chính lành mạnh.

Về phần CTCP Cao su Hòa Bình (HRC), công ty đã có đến 50% diện tích cao su quá thời hạn khai thác (trên 24 năm so với mức trung bình trong ngành cao su là 20 năm). Các cây cao su già có năng suất khai thác thấp khiến công ty có biên lợi nhuận gộp, ROA và ROE thấp hơn so với các công ty cao su được niêm yết khác.

Trong khi đó, CTCP Cao su Thống Nhất (TNC) lại có quy mô rất khiêm tốn với diện tích đất canh tác chỉ rộng 2.000ha. Công ty cũng hoạt động kém hiệu quả hơn so với ba công ty dẫn đầu.

Tăng trưởng doanh thu của các công ty cao su gần như phụ thuộc vào biến động của giá cao su, do các công ty không còn đất khai thác ở Việt Nam. Theo quy định của Quyết định số 750/QĐ-TTG và 124/QĐ-TTG của Thủ tướng, tổng diện tích trồng cao su trong nước sẽ được giữ ở mức 800.000 ha. Tuy nhiên, mục tiêu được Chính phủ đặt ra thấp hơn số liệu thực tế. Cuối năm 2012, tổng diện tích trồng cao su đạt 910.500 ha và đang tiếp tục được mở rộng.

Theo kế hoạch đầu tư mở rộng của VRG, các công ty cao su con ở Việt Nam cũng đầu tư sang Campuchia. Trong số 3 công ty dẫn đầu, PHR sẽ có tăng trưởng nhanh nhất do công ty sở hữu 100% công ty con đầu tư tại Campuchia và bắt đầu khai thác sớm nhất là vào năm 2016.

 
Biên lợi nhuận của các công ty cao su ổn định do sự chi phối của VRG

Tập Đoàn Công Nghiệp Cao Su Việt Nam (VRG) được Chính phủ thành lập để quản lý thị trường cao su trong nước cũng như thực hiện mục tiêu sản xuất của cả nước. VRG quản lý khoản 44% diện tích canh tác còn 56% còn lại thuộc về khối tư nhân.

4 trong 5 công ty cao su niêm yết trên sàn là công ty con của VRG, trừ CTCP Cao su Thống Nhất (mã TNC). VRG đặt giá bán mục tiêu (dựa trên giá trên thị trường toàn cầu) và dự toán chi phí sản xuất (bằng cách điều chỉnh chính sách tiền lương cho người lao động) cho toàn tập đoàn, nhờ vậy ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của 4 công ty cao su niêm yết. Do vậy, các công ty cao su có biên lợi nhuận gộp ổn định và luôn tạo lợi nhuận bất chấp sự biến động của giá cao su thế giới.

Cụ thể, vào đầu năm, VRG đề ra giá bán mục tiêu và quỹ lương cho từng công ty. Do quỹ lương phụ thuộc giá cao su nên các công ty cao su không thể hưởng lợi nhuận lớn khi giá cao su tăng.

Khi giá cao su giảm mạnh, VRG đặt mức giá bán sàn cho giá bán của các công ty con cũng như điều chỉnh lại cơ chế lương bổng để giúp cho các công ty cao su không bị thua lỗ. Vì vậy, các công ty cao su đều có biên lợi nhuận ổn định ngay cả khi giá cao su thế giới biến động mạnh.



Tỷ lệ tiền lương được xét theo doanh thu khoản 40% hàng năm, hạn chế lợi nhuận tăng mạnh khi giá cao su tăng. Tuy nhiên, khi giá cao su giảm trong năm nay, tỷ lệ này bị cắt xuống 36-38%.

Cổ phiếu cao su ít biến động, kênh đầu tư lợi suất cao trong dài hạn



Diễn biến giá cổ phiếu từ trước đến nay ít tương quan với giá cao su. Dù giá cao su thế giới biến động mạnh, giá cổ phiếu cao su có xu hướng đi ngang trong biên độ khoản +/-10% trong trung-dài hạn. Giá các mã cao su tự nhiên thường giảm vào tháng 11 và 12, khi giá cổ phiếu được điều chỉnh giảm theo giá trị cổ tức được thanh toán. Vì vậy, các mã cao su trên thực tế rất ít biến động theo thay đổi của các yếu tố bên ngoài (biến động của giá cao su, biến động thị trường, v.v.)/ Vì vậy, trong đầu tư, vấn đề cổ tức trở nên đáng chú ý hơn.

Dù giá cao su đã giảm 26% kể từ khi đạt đỉnh trong năm 2010, các công ty cao su vẫn có thể duy trì được biên lợi nhuận bằng cách cắt giảm chi phí sản xuất (chủ yếu là quỹ lương). Ngoài ra do không nợ, các công ty này cũng không chịu áp lực trả lãi.

Với tỉ lệ nợ thấp và chu kỳ vốn lưu động hiệu quả, các công ty cao su trên sàn luôn có chính sách trả cổ tức hấp dẫn, lợi suất 6-10% kể cả khi giá cao su giảm sâu như năm nay. Nhiều khả năng tỷ lệ trả cổ tức sẽ tăng khi giá cao su phục hồi.

Nợ thấp và vòng quay vốn lưu động hiệu quả nên các công ty cao su có lượng tiền mặt lớn. Ngay cả khi các công ty đầu tư phát triển tại Campuchia, Bản Việt dự báo cân bằng tiền mặt khả quan trong những năm tới, đủ để duy trì mức cổ tức hiện tại. Tỷ lệ trả cổ tức cao cũng đồng nghĩa với việc VRG luôn có được phần lợi nhuận của mình.

Với giả định các công ty cao su sẽ tiếp tục trả cổ tức tại mức 3.000 đồng/cổ phiếu trong tương lai, dự báo các công ty cao su tự nhiên không hề có rủi ro thiếu tiền mặt.


Bản Việt cho rằng, nhà đầu tư nhận thấy rõ tiềm năng cơ bản của các mã cao su Việt Nam như là kênh đầu tư lợi suất cao dài hạn.


Lam Thanh

Theo VCSC

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *