Doanh nghiệp 26/03/2020 07:16

DN vận tải nói gì về việc không giảm giá cước, dù giá xăng dầu giảm mạnh?

“Xăng giảm với thời điểm có khách thì còn tính được. Chứ xăng dầu giờ có giảm xuống 1.000 đồng/lít mà không có khách thì chúng tôi cũng khó mà giảm được", lãnh đạo Hiệp hội Taxi Hà Nội nói.

DN vận tải nói gì về việc không giảm giá cước, dù giá xăng dầu giảm mạnh? - 1

Giá cước vận tải vẫn sẽ khó giảm theo giá xăng dầu. 

Giá xăng dầu thế giới liên tiếp lao dốc không phanh. Theo đó giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh giảm mạnh tại kỳ điều chỉnh hôm 15/3.

Giá dầu giảm khiến nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam giảm, gây khó khăn lên các doanh nghiệp xăng dầu.

Tuy nhiên ở góc nhìn tích cực, giá dầu nhập khẩu giảm giúp giảm chi phí đầu vào đối với sản xuất trong nước, hạ chi phí vận tải…

Tuy nhiên thực tế theo tìm hiểu của PV, giá cước vận tải vẫn sẽ khó giảm theo giá xăng dầu. Các doanh nghiệp đều cho biết họ đang “vùng vẫy" trong khó khăn, trong khi chi phí xăng dầu chỉ chiếm một phần.

“Dù xăng dầu giảm nhưng các chi phí khác vẫn vậy, thậm chí còn vô số những chi phí phát sinh mùa dịch, chúng tôi không thể giảm cước dù rất muốn", một doanh nghiệp taxi trên địa bàn Hà Nội nói.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, đồng thời là chủ một hãng taxi trên địa bàn Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp vận tải đang vô cùng khổ sở vì đại dịch Covid-19.

“Lượng khách sụt giảm từ 60-70% lượng khách 2 tháng trở lại đây. Đại dịch khiến nhu cầu người dân, doanh nghiệp hạn chế đi lại đến mức thấp nhất. Bất đắc dĩ lắm mới nên ra đường. Giá xăng dầu có giảm nữa cũng làm gì có ai đi mà chúng tôi giảm được giá cước được", ông Hùng than vãn.

Theo ông Hùng, hiện tại chỉ có mỗi giá xăng dầu giảm khiến doanh nghiệp “đỡ" một phần, còn lại mọi chi phí khác vẫn phải “è cổ" lo trong bối cảnh sụt giảm nguồn thu. Có doanh nghiệp 30% số xe dừng hoạt động, xe “đắp chiếu" nằm đó, lái xe nghỉ về quê.

Ngoài ra có những khoản chi phí khác phát sinh mùa dịch như phí bảo hộ lao động, khẩu trang, dung dịch rửa tay, phun khử khuẩn liên tục. Lãnh đạo Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết có doanh nghiệp tốn 10 tỷ đồng cho việc này trong vòng 2 tháng qua.

“Khách hàng giảm mạnh, chúng tôi phải xây dựng gói hỗ trợ cho lái xe làm sao đủ tiêu chuẩn mức lương bình quân trên 4 triệu đồng, gốc lãi ngân hàng vẫn phải trả như thường. Ngân hàng nói giảm lãi suất, giãn nợ cho doanh nghiệp nhưng kêu đợi địa phương công bố dịch. Vận tải đường bộ chịu ảnh hưởng vô cùng lớn từ đại dịch, nhiều doanh nghiệp đang ngáp ngoải", ông Hùng chia sẻ.

Chính vì nguyên do trên, ông Hùng cho biết các doanh nghiệp khó có thể tính chuyện hạ giá thành được. “Xăng giảm với thời điểm có khách thì còn tính được. Chứ xăng dầu giờ có giảm xuống 1.000 đồng/lít mà không có khách thì chúng tôi cũng chịu, có ai đi”, ông Hùng nói thêm.

Đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng bây giờ các ngành như ngân hàng, BHXH... phải vào cuộc thực sự chứ đừng chỉ "nói chung chung" nữa.

“Doanh thu sụt giảm, nhưng ngoài xăng dầu, tất cả các dịch vụ khác không giảm, thậm chí còn tăng, doanh nghiệp lo phá sản. Lúc phá sản rồi muốn cứu cũng không được", đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội nhấn mạnh.

Nói với Dân trí, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp Hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng: Khó có chuyện giảm được cước thời điểm này, dù giá xăng dầu có giảm.

“Giá xăng dầu giảm cũng không cứu được. Chưa có số lượng thống kê chính thức nhưng ước tính doanh thu ngành vận tải giảm 50% tuỳ từng loại hình. Nặng nhất xe hợp đồng du lịch, gần như để không. Taxi cũng khổ không kém. Các xe tuyến cố định khách cũng giảm mạnh...”, ông Thanh cho biết.

Theo ông Thanh, ở thời điểm này khi Chính phủ khuyến cáo hạn chế đi lại để kiểm soát dịch bệnh thì cũng không “kích cầu" bằng cách hạ giá cước vận tải.

“Mà thực sự chỉ có mỗi giá xăng giảm trong khi gánh nặng chi phí của doanh nghiệp là rất lớn thời điểm này thì không thể tính được việc hạ giá cước", ông Thanh nói.

Hiện nay ngoài lý do đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu đi lại trên toàn cầu sụt giảm, giá dầu giảm sốc trong tuần qua phần lớn từ cuộc chiến giá dầu diễn ra giữa Nga và Ả Rập Xê Út, tăng sản lượng trong bối cảnh thị trường đang thừa cung.

Ở trong nước, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex công bố (21/3), giá xăng RON 95 từ 16.810 đến 17.240 đồng/lít, xăng E5 RON 92 từ 16.050 đến 16.370 đồng/lít, dầu diesel từ 13.030 - 13.290 đồng/lít, tùy vùng.

Theo dự báo, tại kỳ điều chỉnh xăng dầu sắp tới, mặt hàng này sẽ tiếp tục được Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm để tiệm cận hơn với giá thế giới.

Nguyễn Mạnh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *