Doanh nghiệp 18/11/2013 13:43

Digiworld mua lại chính mình để ... neo giá

Digiworld cho biết sẽ lựa chọn quỹ đầu tư hoặc đối tác chiến lược vào một thời điểm thích hợp.

Vì Digiworld mua lại cổ phần bằng nguồn tiền sẵn có, do đã có chuẩn bị cho phương án này từ 2 năm trước, vì vậy việc này cũng giống như làm nâng cao hơn giá trị cho các cổ đông hiện hữu. Chúng ta cũng có thể thấy, các cổ đông của Apple đã tạo sức ép với CEO Tim Cock để mua lại cổ phiếu của chính Apple, nhằm gia tăng giá trị của các cổ phần hiện hữu.
  
Về lỗ, lãi của thương vụ, giá trị của Digiworld năm 2013 khác với giá trị của năm 2008, thời điểm mà MK đầu tư. Có thể nói, cả 2 bên đều thấy hài lòng về quyết định này.

Mua lại chính mình

Trong thông cáo báo chí ngắn gọn phát đi vào cuối tuần trước, Digiworld cho biết: “Đã chủ động mua lại toàn bộ cổ phần của MEFII khi quỹ này thoái vốn khỏi Digiworld do đến kỳ hạn”.

Việc mua lại này, theo đánh giá chủ quan của Digiworld đăng tải trong thông cáo báo chí, giúp doanh nghiệp chủ động lựa chọn nhà đầu tư mới phù hợp với chiến lược phát triển của Công ty, cũng như là cách để phát huy việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn.

Thậm chí, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn sau khi thương vụ khá đặc biệt giữa Digiworld và MEFII được công bố, ông Đặng Huy Toàn, phụ trách truyền thông Digiworld cho biết, kế hoạch mua lại cổ phần này đã được Digiworld xây dựng từ 2 năm trước.

“Mặc dù trong biên bản ký kết hợp tác giữa Digiworld và MEFII có ghi rõ, đến kỳ hạn thoái vốn (5 năm), MEFII có thể bán cổ phần cho đối tác khác. Tuy nhiên, Digiworld nhận thấy, có nhiều cơ hội để bán số cổ phần này cho nhà đầu tư tiếp theo, nên đã lên kế hoạch mua lại”, ông Toàn cho biết.

Cơ sở để Digiworld tin tưởng vào cơ hội tìm kiếm đối tác tốt thế chân cho MEFII hoàn toàn có lý, khi tính đến hết quý III/2013, doanh số của Digiworld đạt 2.100 tỷ đồng, gần bằng doanh số của cả năm 2012. Mặc dù không công bố mức lợi nhuận, nhưng ông Toàn cho biết, dự kiến doanh thu năm 2013 của Công ty có thể đạt 3.200 tỷ đồng, với mức tăng trưởng 50% so với năm 2012.

Rõ ràng, tình hình kinh doanh của Công ty, cũng như trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang khả quan hơn rất nhiều so với tình hình kinh doanh chung, nhất là khi các sản phẩm laptop, điện thoại thông minh… đều có mức tăng trưởng khá.

“Riêng máy tính bảng đến hết quý II/2013 có mức tăng trưởng 205% cho thấy, cơ hội ở mảng này là rất lớn. Chính vì vậy, việc tìm kiếm nhà đầu tư mới cho số cổ phần này không quá khó”, ông Toàn chia sẻ quan điểm và cho biết, Digiworld đang lên kế hoạch kêu gọi, tìm kiếm các quỹ đầu tư khác cho số cổ phần này.

Lời giải cao tay

Tuy nhiên, phân tích thông tin từ các quỹ đầu tư về tình hình thị trường thì thấy rằng, sự chủ động mà Digiworld nhắc tới thực sự không chỉ dừng ở các mục tiêu như vậy. Đang có thông tin bên lề rằng, có thể việc Digiworld đứng ra nhận thoái vốn từ MEFII là cách để hai bên cùng chủ động lựa chọn mức giá, cũng như thời gian tìm kiếm đối tác thứ ba.

Lý do là, trong năm 2013, MEFII bắt buộc phải thoái vốn nhanh để đóng quỹ. Trong tháng 10/2013, MEF và MEFII đã phải hoàn tất việc bán 100% khoản đầu tư vào CTCP Dây điện từ Ngô Han, nhà sản xuất dây điện từ hàng đầu tại Việt Nam. Trước đó (tháng 9/2013), MEFII đã hoàn tất việc bán 100% khoản đầu tư vào CTCP Thông minh MK, công ty duy nhất sản xuất và cung cấp các sản phẩm thẻ tại Việt Nam.

Với áp lực của thời gian, cộng với tình hình thị trường không mấy sôi động, việc MEFII tìm được một nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần tại thời điểm này là không dễ dàng.

Như vậy, có thể hiểu rằng, việc thoái vốn của MEFII khó như kỳ vọng cả về thời gian và mức giá nếu quỹ này muốn tìm kiếm bên thứ ba. Digiworld cũng không phải dễ dàng tìm được đối tác chiến lược ưng ý thế chỗ MEFII.

Hơn thế, vào thời điểm hiện tại, khi nguồn vốn của đa phần doanh nghiệp đang hết sức khó khăn, việc tìm kiếm được đối tác có đủ nguồn tiền lớn, ngay cả với Digiworld, không dễ khi mà tổng giá trị cổ phần mà MEFII thoái khỏi Digiworld lên tới 5 triệu USD. Vì vậy, lời giải hợp lý nhất với cả hai bên trong lúc này chính là, MEFII sẽ thoái vốn cho chính Digiworld.

Cách bắt tay giữa MEFII và Digiworld trong lúc này sẽ khiến giá trị của Digiworld được giữ vững, kiểm soát được hoạt động trong bối cảnh thị trường còn khó khăn.

Cũng phải nói thêm, sau 5 năm đầu tư vào Digiworld, MEFII đã hỗ trợ Digiworld chuyên nghiệp hóa quy trình làm việc, xây dựng hệ thống kiểm soát tài chính chuyên nghiệp, nâng cao văn hóa doanh nghiệp…

Ông Chris Freund, Tổng giám đốc Mekong Capital đánh giá cao và ghi nhận những thành tựu lớn mà Digiworld đạt được trong thời gian MEFII đầu tư vào Digiworld. Theo ông Chris Freund, Công ty luôn giữ vị trí tiên phong trong lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ thông tin hàng đầu thế giới tại Việt Nam và đã thâm nhập nhanh chóng vào ngành hàng thiết bị di động với những thành công ban đầu.

Đặc biệt, ông Chris Freund đánh giá cao tính chuyên nghiệp và tinh thần sẵn sàng áp dụng kinh nghiệm tiên tiến từ thị trường thế giới vào thị trường Việt Nam, cũng như thái độ hợp tác và tôn trọng nhà đầu tư của Digiworld.

Trên nền tảng thực lực kinh doanh cộng với tính toán khôn ngoan, mục tiêu đạt 4.500 tỷ đồng doanh số năm 2014 mà Digiworld đặt ra, chắc không quá tham vọng.

Theo Nguyễn Như

Báo Đầu tư

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *