Doanh nghiệp 05/02/2019 10:23

Điểm danh doanh nhân tuổi Hợi lừng lẫy thương trường

Có thể chính bởi tính cách ôn hoà, biết duy trì các mối quan hệ, sẵn sàng giúp đỡ người khác lúc khó khăn… điều này đã giúp những người tuổi Hợi thành công trên “chiến trường kinh doanh”.

Theo tử vi, nhưng người sinh năm Hợi (1947, 1959, 1971…) được cho là có duyên với tiền bạc nhưng lại không thu được những món lợi lớn do tính cách chân thật, không thạo đầu cơ, làm ăn quá chắc chắn. Người tuổi Hợi muốn được thành đạt thường cần phải có chút mạo hiểm và chấp nhận rủi ro trong kinh doanh.

Tuy thông minh nhưng lại dễ tin vào người khác, dễ bị lợi dụng, chính vì vậy, nghề kinh doanh không phải nghề lý tưởng của những người tuổi Hợi. Thế nhưng thực tế cho thấy, trên thương trường vẫn có rất nhiều doanh nhân tuổi Hợi nổi danh.

Cũng có thể chính bởi tính cách ôn hoà, biết duy trì các mối quan hệ, sẵn sàng giúp đỡ người khác lúc khó khăn… điều này đã giúp những người tuổi Hợi thành công trên “chiến trường kinh doanh”.

Ở Việt Nam, có rất nhiều gương mặt doanh nhân tuổi Hợi thành đạt như bà Lê Thị Băng Tâm (1947) – Chủ tịch HDBank; ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT; ông Nguyễn Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Coteccons, bà Đặng Thị Hoàng Yến – Chủ tịch HĐQT Tân Tạo; ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch Geleximco (cùng sinh năm 1959); ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, ông Tô Như Toàn – Chủ tịch Văn Phú Invest, ông Nguyễn Xuân Phú - Shark Phú (sinh năm 1971)…

1. Bà Lê Thị Băng Tâm (1947 – Đinh Hợi)

Điểm danh doanh nhân tuổi Hợi lừng lẫy thương trường  - 1

Bà Lê Thị Băng Tâm

Sau khi tốt nghiệp cử nhân tài chính kế toán tại Trường ĐH Tài chính kế toán Hà Nội năm 1969, bà Lê Thị Băng Tâm từng công tác nhiều năm liền trên cương vị giảng viên của trường đại học này đến năm 1974 trước khi về Bộ Tài chính làm cán bộ, Phó trưởng phòng Vụ cân đối tài chính.

Với trình độ tiến sĩ kinh tế trường ĐH Kinh tế tài chính Leningrat (Liên Xô) và có chứng chỉ tài chính quốc tế của trường Noth University London (Anh Quốc), bà Lê Thị Băng Tâm còn giữ nhiều cương vị quan trọng như Phó cục trưởng, Cục trưởng, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Trung ương; Thứ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trước khi làm Thành viên HĐQT rồi trở thành Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank).

ĐHĐCĐ năm 2017 của Công ty CP Sữa (Vinamilk) cũng đã bầu bà Lê Thị Băng Tâm làm Chủ tịch HĐQT công ty này thay “nữ tương” Mai Kiều Liên.

2. Ông Trương Gia Bình (1959 – Kỷ Hợi)

Điểm danh doanh nhân tuổi Hợi lừng lẫy thương trường  - 2

Ông Trương Gia Bình

Ông Trương Gia Bình được biết đến là một trong những đại gia đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi FPT lên sàn vào cuối năm 2006 và mức giá của mã cổ phiếu này tại thời điểm đó lên tới 400.000 đồng.

Ông Bình có học vấn cao, từng xuất thân là nhà giáo. Ông tốt nghiệp khoa Toán cơ, ĐH Tổng hợp Moscow năm 1979, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại đây vào năm 1982 và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Phó Giáo sư năm 1991.

Trước khi cùng một số người bạn sáng lập nên FPT, ông Trương Gia Bình từng có thời gian công tác tại Viện cơ học thuộc Viện Khoa học Việt Nam và công tác tại các viện nghiên cứu tại Nga và Đức.

Hiện tại, ông Trương Gia Bình vẫn đang là “linh hồn” của FPT với vai trò Chủ tịch HĐQT. Tại công ty có vốn hoá thị trường gần 26.000 tỷ đồng này, ông Trương Gia Bình là cổ đông lớn nhất, sở hữu trên 43,2 triệu cổ phiếu FPT, chiếm tỷ lệ 7,05% vốn điều lệ.

3. Ông Nguyễn Bá Dương (1959 – Kỷ Hợi)

Điểm danh doanh nhân tuổi Hợi lừng lẫy thương trường  - 3

Ông Nguyễn Bá Dương

Sau khi tốt nghiệp ĐH Xây dựng Kiev năm 1984, ông Nguyễn Bá Dương trở về Việt Nam và làm việc cho một công ty xây dựng ở phía Bắc.

Ba năm sau đó, ông vào Nam tìm cơ hội lập nghiệp. Đến năm 2002, ông Nguyễn Bá Dương đã sáng lập và trực tiếp điều hành Xí nghiệp xây dựng Cotec. Năm 2004, công ty được cổ phần hoá và đổi tên thành Coteccons với vốn điều lệ thời điểm ấy chỉ là 15,2 tỷ đồng.

Hiện tại, Coteccons đã một trong những đơn vị xây dựng hàng đầu cả nước và chính là “tác giả” của Landmark 81, 1 trong 10 toà tháp cao nhất thế giới (cao 461,2m), vượt qua cả toà tháp đôi ở Malaysia. Tổng tài sản của công ty này đạt gần 16.000 tỷ đồng, doanh thu đạt trên 27.000 tỷ đồng năm 2017, lợi nhuận trước thuế trên 2.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Bá Dương hiện sở hữu trên 3,8 triệu cổ phiếu CTD, chiếm 4,9% vốn điều lệ Coteccons, trị giá khoảng 613 tỷ đồng.

Ngoài chức danh Chủ tịch Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương là thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons; Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Uy Nam (Unicons); Thành viên HĐQTđộc lập Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Hưng Gia (PhuHungGia).

4. Bà Đặng Thị Hoàng Yến (1959 – Kỷ Hợi)

Điểm danh doanh nhân tuổi Hợi lừng lẫy thương trường  - 4

Bà Đặng Thị Hoàng Yến

Cùng với em trai Đặng Thành Tâm, bà Đặng Thị Hoàng Yến từng là một trong nữ doanh nhân nổi tiếng giàu có bậc nhất thị trường chứng khoán.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến thành lập nên Tân Tạo từ năm 1993 và giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty này kể từ năm 1996 tới nay.

Công ty này lên sàn năm 2006 với mức giá 54.000 đồng. ITA từng là một trong những bluechip có sức ảnh hưởng tới thị trường và bà chủ Tân Tạo cũng đã từng có 3 năm liền xuất hiện trong danh sách 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam (2008-2010).

Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm, Tân Tạo gặp khó khăn trong vấn đề tài chính, thiếu hụt dòng tiền, nhiều dự án trì trệ triển khai, bị thu hồi… đến nay cổ phiếu ITA vẫn loay hoay quanh mức giá 3.000 đồng.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng từng là Đại biểu Quốc hội, tuy nhiên đã bị bãi nhiệm vào tháng 5/2012. Sau thời điểm đó, bà Yến cũng xuất hiện ít dần trước truyền thông và vắng mặt đầy khó hiểu trong các cuộc họp cổ đông của Tân Tạo.

(Còn nữa...)

Mai Chi (tổng hợp)

Điểm danh doanh nhân tuổi Hợi lừng lẫy thương trường  - 5

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *