Doanh nghiệp 14/09/2019 17:52

Dệt may chịu ảnh hưởng tiêu cực vì thương chiến Mỹ - Trung

Cuộc chiến thương mại đang tạo sức ép cho nguồn cung của ngành dệt may Việt Nam với việc các doanh nghiệp dệt may đang phải trả chi phí cao hơn để mua vải từ Trung Quốc, trong khi vẫn phải chịu áp lực giảm giá từ các đơn hàng xuất khẩu

Xuất khẩu dệt may đã hoàn thành trên 64% kế hoạch năm

Bản tin cập nhật thị trường của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố cho biết, với tổng giá trị xuất khẩu đạt 25,67 tỷ USD trong 8 tháng, ngành dệt may đã hoàn thành trên 64% mục tiêu xuất khẩu cả năm 2019.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, tính đến 31/8/2019, xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi, vải đạt 25,67 tỷ USD, tăng 8,64% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 64,17% kế hoạch năm 2019, trong đó khối doanh nghiệp FDI chiếm 60,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 14,94 tỷ USD, tăng 2,27% so với cùng kỳ 2018, trong đó nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI chiếm 61,9%. Giá trị thặng dư thương mại sau 8 tháng đạt 12,67 tỷ USD, tăng 3,53% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo BVSC, ngành dệt may tính đến thời điểm hiện tại đang chịu ảnh hưởng tiêu cực do ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong đó, xuất khẩu sợi vào Trung Quốc giảm mạnh do sức mua của các nhà sản xuất ở đây giảm.

Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại cũng đang tạo sức ép cho nguồn cung của ngành dệt may Việt Nam với việc các doanh nghiệp dệt may đang phải trả chi phí cao hơn để mua vải từ Trung Quốc, trong khi vẫn phải chịu áp lực giảm giá từ các đơn hàng xuất khẩu.

Tuy vậy, Mỹ áp 15% thuế lên hàng Trung Quốc từ 1/9/2019 (“List 4A”) và từ 15/12/2019 (“List 4B”). BVSC cũng lưu ý trong đợt tăng thuế từ 1/9/2019 vừa rồi đã bao gồm các mã hàng may mặc phổ thông mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu đáng kể như: các loại áo ấm (HS 6110), suits, áo khoác, váy, … dành cho nữ (HS 6104), áo thun (HS 6109)...

Do đó, với lợi thế về chi phí nhân công cộng với chi phí thuế (sau 1/9 các mặt hàng may mặc Trung Quốc trong list 4A chịu thuế cao hơn 15% so với hàng Việt Nam), được kỳ vọng sẽ càng thúc đẩy nhanh hơn xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam đã liên tục diễn ra gần đây.

Bên cạnh đó, ưu đãi thuế nhập khẩu tại thị trường EU đối với hàng may mặc Việt Nam nhờ EVFTA, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh với các nhà sản xuất như Bangladesh và chi phí nhân công của Việt Nam vẫn ở mức cạnh tranh, đặc biệt so với Trung Quốc, dù đang có xu hướng tăng do nhu cầu lao động tại Việt Nam ngày càng nhiều.

Mai Chi

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *