Doanh nghiệp 19/09/2014 14:36

ĐBSCL: Kiến nghị đóng cửa 2 nhà máy đường khiến nông dân trồng mía hoang mang

Mới đây thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu hai nhà máy này phải hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để trước 30/6/2014.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có văn bản gửi thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị tạm đình chỉ hoạt động thời gian 9 tháng đối với 2 nhà máy đường ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do gây ô nhiễm môi trường theo quy định của Nghị định 179/2013/NĐ-CP.

 

Kiến nghị đình chỉ hoạt động 2 nhà máy đường

Theo kết quả thanh tra vào đầu tháng 6/2014 cho thấy hai nhà máy đường ở Cà Mau và Trà Vinh đã hết thời hạn xử lý ô nhiễm triệt để (thời hạn được giao 2003 – 2006). Quyết định 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, cũng đã yêu cầu hai nhà máy đường này phải hoàn thành việc xử lý ô nhiễm trước ngày 30/6/2014.

 

Tuy nhiên, theo Bộ TN&MT, kết quả thanh tra cho thấy hai nhà máy này hầu như không thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm. Trên cơ sở kết quả thanh tra, đoàn thanh tra thuộc Bộ TN&MT đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, mỗi nhà máy bị phạt 230 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng nội dung yêu cầu, tiến độ xử lý môi trường. Bên cạnh đó đoàn thanh tra cũng đề xuất tạm đình chỉ hoạt động 9 tháng đối với hai nhà máy đường nêu trên.

 

Bộ TN&MT cho rằng các nhà máy đường gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nêu trên đã quá hạn xử lý gần 8 năm, mới đây thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu hai nhà máy này phải hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để trước 30/6/2014.

Tiêu thụ mía tại nhà máy đường Trà Vinh
Tiêu thụ mía tại nhà máy đường Trà Vinh
 
Đến nay cả 2 nhà máy này vẫn chưa khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng cũng như đảm bảo quyền lợi người trồng mía bị ảnh hưởng, Bộ TN&MT kiến nghị thủ tướng Chính phủ cho phép đình chỉ hoạt động 9 tháng đối với hai nhà máy đường này, đồng thời giao UBND các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh có biện pháp xử lý, thu mua mía cho nông dân.
 
Khó cho địa phương và người trồng mía
 

Trong tháng 8/2014, UBND hai tỉnh Trà Vinh và Cà Mau đã có công văn gởi Bộ TN&MT đồng tình với quan điểm xử lý triệt để doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

 

Tuy nhiên trong các công văn vừa nêu, UBND các tỉnh kiến nghị Bộ TN&MT xem xét gia hạn mốc thời hạn xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm đến cuối niên vụ sản xuất đường 2014 – 2015 của từng nhà máy. Cụ thể, nhà máy đường Trà Vinh xin gia hạn đến cuối tháng 4/2015 và nhà máy đường Thới Bình (Cà Mau) đến cuối tháng 6/2015.
 
Theo UBND các tỉnh này, tạm đình chỉ hoạt động của hai nhà máy đường trong thời điểm chuẩn bị khởi vụ này sẽ tác động xấu đến sản xuất và đời sống của hơn 3.000 nông hộ trồng mía với khoảng 8.000 héc ta mía nguyên liệu tại hai vùng trồng mía thuộc Cà Mau và Trà Vinh do UBND tỉnh không thể tiêu thụ được mía cho nông dân. Song song đó, áp lực tạo việc làm cho lực lượng lao động ngành mía đường khi thất nghiệp và nhiều vấn đề xã hội khác phát sinh khó lường trước.
 
 
Nếu đóng cửa 2 nhà máy đường thời điểm hiện nay sẽ gây khó khăn cho người trồng mía
Nếu đóng cửa 2 nhà máy đường thời điểm hiện nay sẽ gây khó khăn cho người trồng mía
 
Thật sự trong vụ mía mới, giá mía quá thấp, nông dân không có lợi nhuận, nếu không thu mua ngay tại địa phương, thương lái ép giá thì nông dân càng lỗ nặng hơn. Nông dân Nguyễn Văn Tư, trồng mía ở xã Lưu Nghiệp Anh (Trà Cú, Trà Vinh) cho biết: "Năm nay giá mía rất thấp nên nông dân không có lời, nếu nhà máy ở địa phương ngưng hoạt động, thương lái thu mua buộc phải chở qua các nhà máy ở ngoài tỉnh thì chi phí vận chuyển chắc chắn sẽ tăng cao, giá sẽ tiếp tục xuống thấp nên nông dân sẽ bị thua lỗ nặng nề hơn".
 
Áp lực tiêu thụ mía tại các nhà máy khác trong khu vực ĐBSCL sẽ càng khó hơn
Áp lực tiêu thụ mía tại các nhà máy khác trong khu vực ĐBSCL sẽ càng khó hơn
 
Theo các chuyên gia trong ngành mía đường, nếu Chính phủ chấp nhận đề xuất của Bộ TN&MT sẽ gây khó khăn cho ngành mía đường ĐBSCL, khi đó thiệt thòi sẽ là các nhà máy và hàng ngàn nông hộ trồng mía. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: " Hiệp hội không thể ràng buộc mà chỉ có thể kêu gọi các nhà máy còn lại trong vùng thay đổi lịch hoạt động để cùng nhau chia sẻ vùng nguyên liệu mía sắp đến kỳ thu hoạch ở Trà Vinh và Cà Mau nếu 2 nhà máy này bị đóng cửa".
 
Tuy nhiên, các nhà máy khác cũng không mặn mà trong việc thu mua vì chi phí vận chuyển lớn, sẽ không có lợi khi thu mua mía tại vùng nguyên liệu ở địa phương. Ngay cả với phương án 2 địa phương Trà Vinh và Cà Mau hỗ trợ chi phí vận chuyển cũng sẽ gây khó cho các nhà máy trong khu vực vì ngay từ đầu vụ nhà máy nào cũng lên kế hoạch sản xuất và tiêu thu mía ở từng vùng nguyên liệu của mình.
 

Cả 2 nhà máy đường này cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật là việc nên làm. Tuy nhiên, vụ mía đường năm nay dự báo sẽ chồng chất khó khăn, hàng ngàn hộ nông dân sẽ lâm vào cảnh khốn khó, thua lỗ nếu không tìm được nơi tiêu thụ nếu 2 nhà máy đường này đóng cửa.

 
Minh Giang - Phạm Tâm
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *