Doanh nghiệp 08/06/2015 08:17

Đầu tư mất vốn tại OceanBank, PVN bị xử lý như thế nào?

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, các luật hiện hành đã quy định trách nhiệm cụ thể, nếu để xảy ra sai phạm đầu tư dẫn đến mất vốn sẽ bị xử lý nghiêm chỉnh tuỳ mức độ.

Ngày 25/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức công bố mua lại toàn bộ cổ phần của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Theo đó, toàn bộ quyền lợi, lợi ích và tư cách của cổ đông hiện hữu của OceanBank theo đó bị chấm dứt.

OceanBank có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, với 20% vốn sở hữu, khoản đầu tư 800 tỷ đồng của PVN tại OceanBank coi như "mất trắng".

Trả lời câu hỏi để xảy ra sự việc như trên PVN sẽ bị xử lý như thế nào, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay, các luật hiện hành đã quy định trách nhiệm cụ thể, nếu để xảy ra sai phạm đầu tư dẫn đến mất vốn sẽ bị xử lý nghiêm chỉnh tuỳ mức độ.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho rằng, việc kết luận có mất vốn nhà nước dẫn đến phải quy trách nhiệm cá nhân hay không phụ thuộc vào tổng số tiền có mất hay không.

"Trên thực tế nếu tính tổng thể là có lãi, bảo toàn được vốn nhà nước thì không thể vì một vụ việc đơn lẻ mà quy trách nhiệm. Bên cạnh đó, nếu quỹ dự phòng rủi ro khi thoái vốn thấp hơn giá trị sổ sách thì vẫn cân bằng được thì việc thoái vốn không có vấn đề gì”, ông Tiến cho biết.

Trước đó, theo chủ trương, PVN đã nhiều lần công bố sẽ thoái vốn hoàn toàn tại OceanBank. Tuy nhiên, do muốn đảm bảo yêu cầu "thoái vốn đầu tư ngoài ngành mà vẫn bảo toàn vốn Nhà nước” nên kế hoạch này liên tục bị lùi lại. 

Trong một buổi toạ đàm diễn ra vào ngày 15/4 vừa qua, ông Ninh Văn Quỳnh, Phó Tổng giám đốc PVN có cho biết, trước thời điểm cơ quan cảnh sát có thông báo về sai phạm của OceanBank, hàng năm, PVN đều nhận được cổ tức từ ngân hàng này. Tuy nhiên, con số cổ tức là bao nhiêu không được ông Quỳnh tiết lộ.

PVN là một doanh nghiệp lớn với quy mô hàng đầu quốc gia, do đó, để “mất” khoản đầu tư 800 tỷ đồng có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều tới doanh thu, lợi nhuận cũng như khoản nộp cho ngân sách nhà nước hàng năm.  

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong ngành, ở một góc độ khác, một doanh nghiệp nhà nước như PVN khi để “mất trắng” vốn khi đầu tư ngoài ngành đồng nghĩa với việc để thất thoát vốn nhà nước. Mà theo quy định, nếu để mất vốn nhà nước thì tùy mức độ vi phạm, chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV và tổng giám đốc PVN không được thưởng, không được nâng lương, thậm chí bị xử lý kỷ luật. 

Trao đổi với báo chí, TS Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia từng khẳng định, việc lấy vốn Nhà nước đầu tư không hiệu quả sẽ phải chịu trách nhiệm hoặc là hình sự hoặc là bồi thường. Theo TS Kiêm, khoản đầu tư của PVN cần làm rõ PVN dùng tiền nào để đầu tư và có được phép không. 

PVN được coi là một trong những ông lớn có nhiều khoản đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực như bất động sản, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng. Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, PVN còn đầu tư Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam – PVcomBank (tiền thân là Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam - PVFC), một công ty con trực thuộc PVN. Tính tới thời điểm 30/6/2014, tổng số vốn đầu tư của PVN tại ngân hàng này là 4.680 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 52%. Ngoài ra, PVN còn có vốn đầu tư hơn 831 tỷ đồng tại công ty bảo hiểm PVI, hơn 100 tỷ đồng tại Công ty CP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí….

 Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *