Doanh nghiệp 22/09/2019 12:25

Đại gia nông nghiệp: Người qua thời khó, người nhận tin dữ từ Lào

Tuần qua, đời sống của các đại gia Việt được rất nhiều bạn đọc quan tâm. Đáng chú ý là công việc kinh doanh trái ngược của các đại gia trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mỏ vàng” tại hãng hàng không của nữ tỷ phú

Cổ phiếu VJC của Vietjet Air ngày 19/9 điều chỉnh giảm nhẹ phiên thứ 3, mất 200 đồng (khoảng 0,1%) xuống còn 139.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên trước đó, từ phiên 9/9 đến phiên 16/9, mã này tăng giá liên tục từ 130.400 đồng lên 140.500 đồng.

Đại gia nông nghiệp: Người qua thời khó, người nhận tin dữ từ Lào - 1

CEO của Vietjet Air - bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Cổ phiếu VJC cũng đang có động lực tăng trưởng do tính chất ngành hàng không tại Việt Nam có dư địa tăng trưởng lớn và cạnh tranh cao. Báo cáo tài chính soát xét bán niên của Vietjet Air cho thấy, doanh thu phụ trợ vận chuyển hàng không của hãng này đạt 5.429 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 27% trong tổng doanh thu vận tải hàng không. Với tỷ lệ nói trên, Vietjet của bà Phương Thảo đang giữ vị trí thứ 12 thế giới về doanh thu phụ trợ trong tổng doanh thu vận tải hàng không.

“Đại gia BOT” “đổ bể” kế hoạch vì… thiếu tiền

Cổ phiếu CII của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM vừa trải qua phiên giao dịch sáng 19/9 với mức giảm nhẹ 0,97% còn 20.450 đồng. Cổ phiếu CII vẫn đang ở vùng giá thấp nhất năm của mã này. Mức đáy được thiết lập ngày 20/8 tại 20.000 đồng.

Trong bối cảnh CII đang giao dịch trong vùng “đáy” thì ông Lê Quốc Bình , Tổng giám đốc của CII lại báo cáo kết quả cho biết chỉ mới mua được hơn 1,76 triệu cổ phiếu trong tổng số 5 triệu cổ phiếu đăng ký mua trước đó. Giao dịch thực hiện trong ngày 13/9/2019.

Nguyên nhân không thực hiện mua hết lượng cổ phiếu đăng ký được ông Bình lý giải do “chưa thu xếp kịp nguồn tài chính”.

Với 5 triệu cổ phiếu mà ông Bình đăng ký mua thì vị CEO phải có sẵn trong tay khoảng 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế, số tiền mà ông Lê Quốc Bình đã chi để sở hữu 1,76 triệu cổ phiếu là hơn 36 tỷ đồng (tính theo giá đóng cửa của CII phiên 13/9).

Đại gia bí ẩn đã “thâu tóm” toàn bộ vốn công ty thương mại của “vua kem” 

Cổ phiếu KDC của Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO trong phiên ngày 18/9 bất ngờ điều chỉnh giảm nhẹ, mất 0,24% còn 21.200 đồng/cổ phiếu. Ngay trước đó, mã này vừa đạt trạng thái tăng trần.

Sự điều chỉnh của KDC diễn ra sau khi KIDO đã hoàn thành tất cả quyền và trách nhiệm trong việc bán toàn bộ 7.573 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 75,73% tại Công ty cổ phần Thương mại và Hợp tác Quốc tế Hà Nội (HTIC) cho một cá nhân là ông Lê Cao Thuận .

HTIC có trụ sở đăng ký tại số 534 - 536, Phố Bạch Mai, Phường Trương Định, Quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực kinh doanh đồ ăn và thức uống.

Chưa rõ ông Lê Cao Thuận, cá nhân nhận chuyển nhượng ở thương vụ trên là ai. Tuy nhiên, trong hệ thống KIDO cũng có một người có tên Lê Cao Thuận, là Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Kinh Đô Miền Bắc và đồng thời làm Giám đốc Tài chính và Kế toán trưởng tại đây. Không loại trừ hai người này là một.

“Con cưng” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được bảo lãnh 5.000 tỷ đồng

Cổ phiếu VIC của Vingroup sáng 17/9 điều chỉnh nhẹ, giảm 700 đồng tương ứng 0,57% xuống còn 122.100 đồng/cổ phiếu.

Đại gia nông nghiệp: Người qua thời khó, người nhận tin dữ từ Lào - 2

Ông Phạm Nhật Vượng

Thông tin quan trọng về mã này đó là Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng vừa thông báo sẽ bảo lãnh thanh toán cho các nghĩa vụ của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast liên quan đến trái phiếu có tổng mệnh giá tối đa 5.000 tỷ đồng dự kiến phát hành trong năm 2019.

Trước đó, vào hồi tháng 10/2018, VinFast cũng từng được Euler Hermes (Cơ quan Tín dụng xuất khẩu thuộc chính phủ Đức) bảo lãnh khoản vay 950 triệu USD, kỳ hạn 12 năm nhằm nhập khẩu máy móc thiết bị, phục vụ sản xuất.

Bầu Đức nhận tin dữ từ Lào

Trong thông báo từ HAGL của bầu Đức, tập đoàn này cho biết, vào những ngày đầu tháng 9/2019, do ảnh hưởng của hai cơn áp thấp nhiệt đới từ Biển Đông gây nên tình trạng mưa lớn tại các tỉnh miền Trung Việt Nam và các tỉnh Nam Lào, đồng thời các nhà máy thủy điện đã tiến hành xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập.

Đại gia nông nghiệp: Người qua thời khó, người nhận tin dữ từ Lào - 3

Bầu Đức nhận tin dữ từ Lào

Do vậy nước tại các lưu vực sông Sê Kông quanh vùng dự án Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu dâng cao bất thường đã tràn vào gây ngập một số diện tích cây trồng của vùng dự án.

“Đây là hiện tượng thời tiết bất thường chưa từng xảy ra tại Lào” - bản thông cáo của HAGL cho hay.

Cụ thể, tình trạng nước dâng đã gây ngập lụt đối với khoảng 1.200 ha diện tích trồng chuối đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch; khoảng 300 ha mít đang trong giai đoạn phát triển cho ra trái.

Các đại gia thủy sản miền Tây đã qua “thời khó”?

Sáng 16/9, cổ phiếu VHC của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn sụt giảm 700 đồng tương ứng 0,88% còn 79.000 đồng mỗi cổ phiếu. Mã này đang trong giai đoạn lên xuống thất thường về giá, song với mức giá hiện tại, VHC vẫn ghi nhận đánh mất gần 6% so với 1 tháng trước.

ANV của Công ty cổ phần Nam Việt cũng đạt mức tăng 0,79% lên 25.500 đồng trong sáng nay. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của mã này.

Cổ phiếu HVG của Thuỷ sản Hùng Vương chiều nay mới được dịch và mức giá mở cửa là 3.000 đồng. So với mức đáy 2.500 đồng thiết lập đúng 1 tháng trước (phiên 16/8/2019), cổ phiếu của “vua cá” Hùng Vương do đại gia Dương Ngọc Minh quản lý, điều hành đã có sự phục hồi đáng kể.

Nhìn chung, giá cổ phiếu của các “đại gia” thuỷ sản Việt đang có dấu hiệu phụ hồi trở lại trong bối cảnh xuất khẩu thuỷ sản vẫn đạt kết quả tốt trong 9 tháng đầu năm.

Phát biểu trên báo chí, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, bốn thị trường lớn là EU, Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc, mỗi thị trường chiếm 15 - 17%. Riêng ở thị trường Trung Quốc, đồng nhân dân tệ mất giá, nhưng không ảnh hưởng quá nhiều, bởi Việt Nam cơ bản xuất khẩu tính theo USD.

Còn với thị trường Mỹ, trong 2 năm qua, các doanh nghiệp Việt phải chịu mức thuế chống bán phá giá tôm 5%, nhưng nay không phải chịu thuế này, nên Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với Ấn Độ và Indonesia trong thời gian tới.

Thế Hưng

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *