Doanh nghiệp 07/08/2015 13:15

Đại gia điện máy cầu được ‘bán thân’ thoát chết

Mặc dù có mức tăng trưởng trên 10%/năm, nhưng các doanh nghiệp bán lẻ điện máy vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp có số vay nợ lớn, lợi nhuận thấp và chỉ mong "bán mình" cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Chưa thoát vòng xoáy thua lỗ, nợ nần

Báo cáo tài chính quý II/2015 của Công ty cổ phần thế giới số Trần Anh, doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Trần Anh, cho thấy, doanh thu thuần của công ty đạt 811 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ 2014; lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 87 tỷ đồng, tăng 46%. Tuy nhiên, sau khi trừ hết chi phí phát sinh, Trần Anh chỉ còn lãi 6,72 tỷ đồng, dù tăng 5,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng quá nhỏ bé so với quy mô hoạt động và doanh thu.

Năm 2015, Trần Anh đặt kế hoạch doanh thu 3.323 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế chỉ bèo bọt ở mức 7,8 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đã hoàn thành 50% doanh thu và 136% kế hoạch lợi nhuận năm.

Song, mức lợi nhuận trên, được cho là quá thấp đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ điện máy, trong bối cảnh hiện nay. Với Trần Anh, doanh nghiệp đang huy động vốn trên thị trường chứng khoán và có nhà đầu tư Nhật Bản tham gia mua 30% cổ phần, sử dụng vốn vay từ ngân hàng rất ít mà còn như vậy, thì các DN khác chỉ biết vay vốn từ ngân hàng sẽ ra sao?

bán lẻ, siêu thị điện máy, thua lỗ, phá sản, doanh thu, bán-lẻ, siêu-thị-điện-máy, thua-lỗ, phá-sản, tài-chính, khó-khăn, lợi-nhuận, điện-máy

Nhiều nguồn tin cho hay, các doanh nghiệp điện máy khác đang trong tình trạng vô cùng thê thảm. Hiện có ít nhất 3 đại gia bán lẻ điện máy đang có số nợ ngân hàng "khủng". Đại gia thấp, nợ cũng cỡ 350 tỷ đồng. Đại gia trung bình nợ khoảng 650 tỷ đồng và đại gia có số nợ cao nhất lên tới 1.000 tỷ đồng. Với lãi suất vay ngắn hạn hiện ở mức 7-8%/năm, được cho là khó bù đắp nổi, nhiều doanh nghiệp rất khốn khó về dòng tiền.

Vì vậy, đến nay, tất cả những doanh nghiệp điện máy nói trên đều đang sôi sục tìm kiếm nhà đầu tư để bán lại cổ phần. Tuy nhiên, không phải muốn là bán được. Số lượng các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tìm kiếm mua lại các doanh nghiệp điện máy, không phải là ít. Nhưng, muốn mua hời nên họ ra sức ép giá. Vì vậy, các đàm phán rất khó thành công. Việc “bán mình” không dễ và nguy cơ thời gian tới, một số doanh nghiệp bán lẻ điện máy đi theo vết xe đổ của Top Care, Việt Long,... là khó tránh.

Loay hoay tìm lối thoát

Không chỉ khó khăn về tài chính, các doanh nghiệp điện máy đến nay vẫn loay hoay tìm mô hình, hướng đi nào cho phù hợp để có thể tồn tại và phát triển.

 

Một vài doanh nghiệp đã đi theo mô hình siêu thị điện máy nằm trong trung tâm thương mại. Tức là, tại trung tâm thương mại lớn, siêu thị điện máy hiện diện cùng nhiều siêu thị hàng tiêu dùng và dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí khác,... Khách hàng vào đây là có đủ mọi thứ và được chăm sóc, ưu đãi toàn diện.

Nhưng các nghiên cứu cho biết, phải ít nhất 10 năm nữa, Việt Nam mới có thói quen mua sắm này. Hiện, người tiêu dùng vẫn có thói quen gạt chân chống (xe máy) để mua hàng. Việc vào trung tâm thương mại rộng lớn, nhiều tầng, nhiều dịch vụ, phải gửi xe sâu trong hầm,... được cho là khá phiền phức, nhất là với khách chỉ mua một món đồ rồi ra ngay. 

bán lẻ, siêu thị điện máy, thua lỗ, phá sản, doanh thu, bán-lẻ, siêu-thị-điện-máy, thua-lỗ, phá-sản, tài-chính, khó-khăn, lợi-nhuận, điện-máy

Do đó, thời gian qua, doanh số bán của các siêu thị điện máy tại trung tâm thương mại luôn thấp, không biết có "trường vốn" chấp nhận thua lỗ liên tiếp nhiều năm để đợi thời?

Số còn lại cũng chỉ biết đẩy mạnh mở rộng hệ thống siêu thị về các địa phương để nâng tầm bao phủ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đồng loạt mở siêu thị về các tỉnh, cạnh tranh mạnh, doanh số bán thấp, chi phí cao, càng tăng thêm khó khăn.

Lối thoát mờ mịt, các doanh nghiệp điện máy tiết lộ đang cố gắng tạo ra các dịch vụ mới để hút khách. Có đơn vị hướng tới việc mở các siêu thị với khu vực sân thật rộng rãi, để khách dễ dàng đỗ xe, để thuận tiện khi mở thêm các dịch vụ khác như rửa xe, cafe, trà đá, vui chơi giải trí miễn phí cho khách hàng vào mua sắm.

Một vài đơn vị khác lại hướng tới các dịch vụ mới như bảo hành sản phẩm suốt đời. Khách hàng mua sản phẩm điện máy ở bất cứ đâu (tất nhiên là hàng chính hãng) nếu tham gia dịch vụ này, sẽ đóng phí theo năm. Khi sản phẩm hỏng, sẽ có thợ đến nhà sửa chữa. Với những sản phẩm sử dụng hàng ngày, không thể thiếu như ti vi, tủ lạnh,... nếu hỏng nặng, phải sửa chữa mất nhiều thời gian, sẽ được siêu thị cho mượn ti vi, tủ lạnh khác để dùng trong lúc chờ đợi.

Tuy nhiên, dù xoay sở thế nào, thì nhiều doanh nghiệp điện máy vẫn đang “ôm” giấc mơ bán cổ phần cho các nhà đầu tư - giải pháp tốt nhất trong bối cảnh hiện nay.

Theo Trần Thủy

Vietnamnet
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *