Doanh nghiệp 20/12/2013 12:41

Công ty UAC "nhập nhèm" hơn 11 tỷ đồng của khách hàng là vi phạm pháp luật

FICA - "Hành vi chối bỏ trách nhiệm của Công ty Cổ phần tư vấn kiến trúc Đô thị Hà Nội - UAC nhằm "nhập nhèm" số tiền hơn 11 tỷ đồng của các khách hàng góp vốn mua nhà là trái pháp luật, trái đạo đức kinh doanh", luật sư Phạm Thành Tài khẳng định.

Liên quan đến việc ông Trần Bình An (SN 1944) và bà Phạm Đặng Diệp Linh (SN 1959), cùng trú tại Tập thể Kim Liên - Kim Liên - Đống Đa (Hà Nội) gửi đơn kêu cứu khẩn cấp về việc bị Công ty Cổ phần tư vấn kiến trúc Đô thị Hà Nội - UAC (Công ty UAC) chối bỏ trách nhiệm khi nhận xong hơn 11 tỷ đồng góp vốn mua nhà của khách hàng, luật sưPhạm Thành Tài - Giám đốc Công ty Luật TNHH Phạm Danh khẳng định hành vi "nhập nhèm" tiền tỷ của Công ty UAC là vi phạm pháp luật.

Luật sư Tài phân tích, các hợp đồng, thỏa thuận được ký kết giữa ông An, bà Linh với Công ty UAC đã đầy đủ các giá trị pháp lý bởi các hợp đồng vay vốn và thỏa thuận hợp tác đó được ký kết trên cơ sở tự nguyện giữa các chủ thể là cá nhân là ông An, bà Linh với pháp nhân là Công ty UAC.

Luật sư Phạm Thành Tài - Giám đốc Công ty Luật TNHH Phạm Danh khẳng định

hành vi "nhập nhèm" tiền tỷ của Công ty UAC là vi phạm pháp luật.

Tại thời điểm ký kết hợp đồng, Công ty UAC có đầy đủ các chức năng theo quy định của pháp luật liên quan đến dự án và là một trong bốn chủ đầu tư của Dự án tổ hợp chung cư cao tầng và dịch vụ N04, Khu đô thị Đông Nam, đường Trần Duy Hưng - Cầu Giấy - TP Hà Nội (cùng với 3 chủ đầu tư khác là Công ty Cổ phần xây dựng Công nghiệp - ICC; Tổng Công ty Đầu tư phát triển Hạ tầng Đô thị - UDIC và Công ty Cổ phần thương mại Quốc tế và Tư vấn Đầu tư INVECON).

Thời điểm ký kết hợp đồng, Công ty UAC cùng với 3 chủ đầu tư khác của dự án đang thực hiện việc quảng cáo, và các bước chào bán căn hộ ra thị trường.

Liên quan đến những hợp đồng, thỏa thuận với khách hàng,đại diện Công ty UAC là bà Nguyễn Phương Mai- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty trực tiếp thảo luận và ký kết theo đúng quy định của pháp luật.

"Các bản hợp đồng không những có chữ ký của người đại diện theo pháp luật mà còn đóng dấu pháp nhân của Công ty UAC.Điều đó thể hiện các khách hàng chỉ ký kết hợp đồng với Công ty UAC chứ không ký kết hợp đồng với cá nhân bà Mai. Vì vậy, pháp nhân Công ty UAC phải có trách nhiệm trước pháp luật với các hợp đồng đã đươc ký", luật sư Tài phân tích.

Cũng theo luật sư Tài, quá trình thực hiện hợp đồng ông An, bà Linh đã thực hiện đúng thỏa thuận với Công ty UAC. Các khách hàng đã nộp tiền theo đúng tiến độ và số lượng theo quy định của hợp đồng. Phía công ty UAC cũng đã thu tiền và phát hành phiếu thu, đã gửi cho ông An, bà Linh các Bản cam kết về việc ông An, bà Linh có tên trong danh sách được mua đối với 04 căn hộ. Do đó, công ty UAC không thể chối bỏ trách nhiệm của mình.

Bà Phạm Đặng Diệp Linh bức xúc vì Công ty UAC ''đá bóng'' trách nhiệm sang cá nhân người đứng đầu công ty.

Trong đơn kêu cứu gửi báo điện tử Dân trí, bà Linh cho biết: Trong quá trình thực hiện hợp đồng, do phát hiện ra Công ty UAC đã rút tên ra khỏi dự án nên ông An và bà Linh đã đến Công ty để thắc mắc.

Tuy nhiên, phía Công ty UAC lại lập tức có văn bản "khuyên" khách hàng nên đi gặp cá nhân bà Mai, người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công tyđể đòi số tiền hơn 11 tỷ đồng đã nộp. Công ty UAC cũng rũ bỏ trách nhiệm khẳng định vô can trong sự việc, đồng thời đẩy vụ việc sang cơ quan điều tra và cho rằng ông An, bà Linh cần phải đến cơ quan điều tra để cơ quan điều tra giải quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.

"Việc chối bỏ trách nhiệm của Công ty UAC là trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông An, bà Linh vì: Ông An, bà Linh chỉ ký kết hợp đồng với Công ty UAC, chứ không ký kết hợp đồng với cá nhân bà Mai.

Theo quy định tạikhoản 1 điều 93 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự do Người đại diện pháp nhân xác lập hoặc thực hiện nhân danh pháp nhân”

Trong trường hợp này bà Nguyễn Phương Mai chính là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được xác lập theo Điều lệ của công ty UAC và được thể hiện trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty UAC do Sở kế hoạch và đầu tư Hà Nội cấp. Bà Mai là người có thẩm quyền đại diện và nhân danh công ty ký kết các hợp đồng với ông An và bà Linh theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, đối chiếu vào quy định pháp luật nêu trên thì Công ty UAC phải chịu trách nhiệm với ông An, bà Linh liên quan đến hợp đồng vay vốn và thỏa thuận hợp tác về quyền mua căn hộ mà Công ty UAC đã ký kết", luật sư Tài nói.

Công ty UAC là Công ty có vốn đầu tư của nhà nước và là công ty con của Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC. Người đại diện theo pháp luật của Công ty UAC thể hiện trên đăng ký kinh doanh là bà Nguyễn Phương Mai - Chức vụ Chủ tịch hội đồng quản trị, đồng thời bà Mai cũng chính là người trực tiếp quản lý phần vốn góp của Nhà nước.

Được biết, 2 khách hàng đứng trước nguy cơ bị mất trắng hơn 11 tỷ đồng đã có đơn khởi kiện đối với Công ty UAC với Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng. Hiện tòa án đã tiếp nhận và đang thụ lý vụ việc.

Anh Thế

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *