Doanh nghiệp 20/09/2014 07:34

Cổ phần hóa Vinalines: Chờ cơ chế mới trong chào bán cổ phần cảng biển

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả song quá trình cổ phần hóa (CPH) tại Vinalines đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến chào bán cổ phiếu, thanh lý tài sản..

Các cảng biển sẽ thu hút nhà đầu tư khi có tỷ lệ cổ phần chi phối hợp lý. Ảnh: ST
 

Về việc triển khai kế hoạch CPH Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, dự kiến việc xác định giá trị DN sẽ hoàn thành và trình Bộ GTVT phê duyệt trong tháng 9-2014, hoàn thành phương án CPH trình Bộ GTVT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12-2014.

 
Tỷ lệ Nhà nước chi phối có thể là 0%

Đến nay, Vinalines đã CPH được 7 DN thành viên. Thời gian tới, Tổng công ty sẽ chỉ đạo các DN hoàn tất các thủ tục thu tiền bán cổ phần, xử lý số cổ phần không bán hết, tổ chức đại hội cổ đông và đăng ký DN. Song song đó sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành công tác CPH 4 DN gồm Cảng Cam Ranh, Cảng Cần Thơ, Cảng Năm Căn và Cảng Nghệ Tĩnh.

Theo Vinalines, thời gian vừa qua nguồn thu từ bán cổ phiếu các cảng biển đã không được như DN kỳ vọng khi số cổ phiếu bán được trong lần đầu chào bán của cả bốn cảng lớn là Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng là không nhiều. Nguyên nhân quan trọng khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà với cổ phiếu của các cảng biển này là do tỷ lệ Nhà nước nắm cổ phần chi phối vẫn quá cao (75%). Mới đây, trong cuộc họp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ngày 13-8, ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines đề xuất giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại cảng xuống còn 51% hoặc dưới 51%.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, với phương án tỷ lệ cổ phần Nhà nước chi phối là 75% như trước đây, số cổ phiếu bán được khi IPO khá thấp. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cơ chế mới trong chào bán cổ phần các cảng biển. Theo đó việc xác định tỷ lệ Nhà nước chi phối sẽ căn cứ vào từng cảng cụ thể. Tùy thuộc vào vị thế, tình hình của từng DN, Chính phủ sẽ quyết định tỷ lệ Nhà nước nắm cổ phần chi phối của từng cảng, thậm chí tỷ lệ 0% vẫn có thể được cho phép. Hiện nay Vinalines đang trình Bộ GTVT để trình Chính phủ chấp thuận.

Hiện Cảng Quy Nhơn đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giảm tỷ lệ Nhà nước giữ cổ phần chi phối từ 75% xuống 49%. Như vậy, thời gian tới, cổ phiếu các cảng biển được kỳ vọng sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư khi có tỷ lệ cổ phần chi phối hợp lý.

 
    Vừa qua, Bộ GTVT đã báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về những đề xuất, kiến nghị của Vinalines và phương hướng giải quyết theo đề xuất của Bộ. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để xử lý theo quy định 
 

Ông Vũ Anh Minh, 
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý DN, Bộ GTVT

 

Được sử dụng giá trị DN của công ty con khi CPH Công ty mẹ

Liên quan đến xác định giá trị DN, hiện Tổng công ty có một số khó khăn, vướng mắc. Đối với một số tài sản của Công ty mẹ và 5 DN đang thực hiện CPH theo kế hoạch 2014 còn tồn tại thời điểm kiểm kê xác định giá trị DN (31-12-2013) nhưng DN đã thực hiện việc thanh lý tài sản theo quy định trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh (giai đoạn sau ngày 31-12-2013 đến trước thời điểm có quyết định thực hiện CPH 1-4-2014), Tổng công ty đã đề nghị Bộ GTVT xem xét chấp thuận phương án định giá theo nguyên tắc không loại trừ những tài sản này khi định giá và giá trị của tài sản xác định lại là giá trị từ phần thu từ thanh lý tài sản.

Về vấn đề này, đại diện Vụ Quản lý DN Bộ GTVT, cho rằng theo quy định, với những tài sản không cần dùng, ứ đọng, chờ thanh lý.... DN CPH có trách nhiệm chủ động xử lý theo chế độ quản lý tài chính hiện hành.

Trường hợp đến thời điểm xác định giá trị DN mà DN chưa kịp xử lý thì cơ quan có thẩm quyền quyết định công bố giá trị DN CPH xem xét, quyết định loại trừ, không tính vào giá trị DN và thực hiện chuyển giao cho các cơ quan như Công ty Mua bán nợ Việt Nam hoặc công ty mẹ của tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước... để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, do thời điểm Bộ GTVT có văn bản quyết định CPH Công ty mẹ - Tổng công ty trước thời điểm phê duyệt thời điểm xác định giá trị DN. Do vậy, Bộ GTVT sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng không loại trừ những tài sản này khi xác định giá trị  DN và giá trị của tài sản xác định lại là giá trị phần thu từ thanh lý tài sản.

Bên cạnh đó, cùng với việc CPH Công ty mẹ, Tổng công ty hiện đang thực hiện CPH đối với 10 Công ty con do Công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ. Để đẩy nhanh quá trình xác định giá trị DN Công ty mẹ cũng như tiết kiệm chi phí, Tổng công ty đề xuất việc công nhận giá trị DN để CPH của các công ty con đã công bố giá trị để xác định giá trị DN Công ty mẹ - Tổng công ty. Tuy nhiên, do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về việc này, Vinalines đề nghị Bộ GTVT chấp thuận về nguyên tắc công nhận giá trị DN của công ty con đã công bố giá trị để CPH Công ty mẹ - Tổng công ty.

Với đề xuất này, đại diện Vụ Quản lý DN cho rằng, đối với các công ty con có cùng thời điểm xác định giá trị DN với Công ty mẹ thì Công ty mẹ được sử dụng kết quả xác định giá trị DN của công ty con này khi xác định giá trị DN Công ty mẹ. Đối với các công ty con có thời điểm xác định giá trị DN trước thời điểm xác định giá trị DN công ty mẹ thì Vinalines phải yêu cầu tư vấn xác định giá trị DN sử dụng giá trị DN cũng như giá trị biến động tài sản của công ty con giữa hai thời điểm xác định giá trị DN để xác định giá trị DN Công ty mẹ.

Theo Hoài Anh
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *