Doanh nghiệp 19/02/2020 13:16

Cơ hội ở CPTPP: Doanh nghiệp Việt chớ nên quá lạc quan!

"Theo tôi quan trọng hơn là doanh nghiệp Việt cần học các quy tắc thị trường, hiểu hơn về thị trường, hiểu khó khăn, chứ đừng quá lạc quan vì cơ hội xuất khẩu" - Tiến sĩ Võ Trí Thành nêu.

Tại Hội thảo "Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay (19/2), các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra các ý kiến liên quan đến tận dụng cơ hội của Việt Nam.

TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế

Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp CIEM: “Các cam kết về môi trường CPTPP phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn đặt ra nhưng thách thức trong thực thi chính sách về môi trường và phát triển bền vững. 

Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng, Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - nói: Tham gia sân chơi CPTPP đòi hỏi các nước phải có thể chế đồng bộ với các nước lớn thì mới khai thác được hiệu quả kinh tế, xuất khẩu. Đối với thể chế, cần phải có luật chơi thích ứng và tổ chức thực thi. Nên có ưu tiên và nhấn mạnh những vấn đề này về thể chế, ngay cả trong đầu tư. 

Vấn đề quan trọng thứ 2 là cạnh tranh. Ông Thành cho rằng câu chuyện mở cửa % cho quỹ ngoại trong lĩnh vực tài chính mới đây, bảo hiểm, thanh toán xuyên biên giới... các cam kết của Việt Nam không vượt quá, bởi chúng ta đã tham gia đầy đủ và độ mở cao rồi. 

“CPTPP không phải thực hiện theo cam kết. Việt Nam cam kết nhiều nhưng thực thi chưa được tốt, bởi nó gắn với môi trường, tính minh bạch, lao động… Chính vì vậy, thời gian tới cần có bài học về quá trình CPTPP, tư duy đọc và hiểu về CPTPP” - ông Thành nói về hiệu lực thực thi. 

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp tại Việt Nam từ khi đàm phán TPP sau này là CPTPP họ đã đón lõng được bằng chứng là hàng loạt doanh nghiệp dệt may được đầu tư, mở rộng.

"Tôi cho rằng quan trọng hơn là doanh nghiệp Việt cần học các quy tắc thị trường, hiểu hơn về thị trường, hiểu khó khăn, chứ đừng quá lạc quan vì cơ hội xuất khẩu." - ông Thành lưu ý. 

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) - cho biết: CPTPP đề cập tới thương mại, đầu tư và những vấn đề về môi trường, lao động và đặt ra những tiêu chuẩn bắt buộc, để cải cách.

“Cơ hội về kinh tế trong CPTPP có thể thấp nhưng nếu nó cộng hưởng với EVFTA thì sẽ rất là lớn, để Việt Nam thực hiện cải cách để hiện thực hoá cải cách kinh tế" - bà Trang nhấn mạnh.

An Linh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *