Chuyển động doanh nghiệp 04/07/2018 10:22

Dự chi trăm tỷ mua công ty chưa thành lập: Yeah1 sẽ “lột xác” theo cách này sao?

Sau thương vụ giao dịch thỏa thuận 2.352 tỷ đồng bán cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 từ các cổ đông hiện hữu cho 33 nhà đầu tư nước ngoài, một trong những thông tin được các nhà đầu tư quan tâm là Yeah1 sẽ phát hành cho chính Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty. Thế nhưng, câu chuyện về đợt phát hành của Yeah1 còn có nhiều điều đáng chú ý khác.

Dự chi trăm tỷ mua công ty chưa thành lập: Yeah1 sẽ “lột xác” theo cách này sao?

Chỉ 1/2 lượng tiền bán cho nhà đầu tư ngoại quay về Công ty?

Những ngày này, câu chuyện xung quanh mức giá giao dịch của cổ phiếu YEG và việc mua vào - bán ra 3,91 triệu cổ phiếu YEG của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty - ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống tiếp tục gây chú ý trên thị trường. 

Một phần nguyên nhân là vì YEG là trường hợp hiếm hoi trên thị trường chứng khoán chọn giá khởi điểm khi niêm yết lên tới 250.000 đồng/cổ phiếu, vượt qua hàng loạt "ông lớn" như SAB, VNM, VJC, VIC... để trở thành cổ phiếu có thị giá lớn nhất thị trường chứng khoán, trong khi quy mô doanh nghiệp không lớn. 

Tuy nhiên, phần khiến thị trường quan tâm hơn cả là việc 33 nhà đầu tư ngoại mua vào lượng lớn cổ phiếu YEG với mức giá 300.000 đồng/cổ phiếu và việc ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống bán ra ngay 3,91 triệu cổ phiếu trước khi niêm yết, đồng thời đăng ký mua vào đúng lượng cổ phiếu này. 

Trong đó, mức giá mua vào của ông Tống trong đợt phát hành mới (đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua và theo mức công bố tại Bản cáo bạch niêm yết 
cổ phiếu) là 300.000 đồng/cổ phiếu.

Theo giải thích từ phía bộ phận tư vấn Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC), bản chất thương vụ này là nhà đầu tư nước ngoài mua vào 7,84 triệu cổ phiếu, phía Quỹ đầu tư DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd thực hiện bán ròng, còn ông Tống chỉ bán ra và mua vào 1 lượng tương đương (3,91 triệu cổ phiếu). 

Với cấu trúc này, HSC cho biết, nhà đầu tư sẽ mua được cổ phiếu mà không bị hạn chế chuyển nhượng (với mức giá cho tầm nhìn dài hạn) và Yeah1 sau phát hành riêng lẻ 3,91 triệu cổ phiếu sẽ thu về 1.173 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ cho ông Tống.

Như vậy, sau toàn bộ thương vụ, chỉ 50% số tiền nhà đầu tư nước ngoài mua vào sẽ quay trở lại Công ty dưới hình thức phát hành riêng lẻ.

Nhà đầu tư nội nhường cuộc chơi?

Trong khi khối ngoại sẵn sàng chi tới 2.352 tỷ đồng để mua vào YEG của Yeah1 và ông Tống cũng đã có phương án mua vào 1.173 tỷ đồng cổ phiếu YEG (đều ở mức giá 300.000 đồng/cổ phiếu), thì trên sàn, cổ phiếu YEG vẫn đang được nhà đầu tư thận trọng quan sát.

Phiên giao dịch ngày 26/6/2018, khi YEG chào sàn và tăng trần, cổ phiếu này có 66 lệnh mua vào, chỉ có 5 lệnh bán ra và tăng trần lên mức 300.000 đồng/cổ phiếu. Tới phiên 27/6 - phiên diễn ra giao dịch mua vào giá trị lớn của nhà đầu tư ngoại, YEG có 63 lệnh mua vào và 8 lệnh bán ra. 

Phiên này, cổ phiếu tiếp tục tăng trần, chạm ngưỡng 321.000 đồng/cổ phiếu. Sang phiên 28/6, hiệu ứng giao dịch được duy trì, với 103 lệnh mua, khối lượng trung bình 1 lệnh là 783 cổ phiếu và lệnh bán nhiều hơn, đạt 59 lệnh, với khối lượng trung bình 1 lệnh bán là 1.300 cổ phiếu, nhưng chỉ có 76.700 cổ phiếu được khớp lệnh.

Tại phiên 29/6, giá cổ phiếu YEG bắt đầu giảm sàn về 319.000 đồng/cổ phiếu và có 1.800 cổ phiếu được giao dịch, với 19 lệnh mua vào (trung bình 95 cổ phiếu/lệnh) và 23 lệnh bán ra (trung bình 1.922 cổ phiếu/lệnh). Đến phiên ngày 2/7, YEG tiếp tục trong tình trạng… bị quan sát, với 5 lệnh mua vào, trong đó 4 lệnh đầu có khối lượng 10-30 cổ phiếu/lệnh, 1 lệnh 10.540 cổ phiếu. Giá khớp lệnh phiên này là 296.700 đồng/cổ phiếu, “rẻ” hơn mức giá mà cổ đông ngoại đã mua và cổ đông nội bộ dự kiến giao dịch.

Với thanh khoản èo uột, giao dịch cổ phiếu YEG cho thấy, nhà đầu tư nội đang có tâm lý quan sát nhiều hơn là sẵn sàng tham gia đầu tư, dù doanh nghiệp này có kế hoạch kinh doanh đột biến: Doanh thu thuần 1.600 tỷ đồng năm 2018, tăng 90% so với năm 2017 (năm 2017 tăng 48% so với năm 2016); lợi nhuận sau thuế 172 tỷ đồng, tăng 109% so với năm 2017 (năm 2017 tăng 410% so với năm 2016) và sắp có một khoản thặng dư khổng lồ (khoảng trên 1.100 tỷ đồng trên vốn điều lệ mới gần 312,8 tỷ đồng).

Dấu hỏi mục đích sử dụng vốn sau phát hành

Nếu thu được gần 1.200 tỷ đồng từ việc phát hành, Yeah1 sẽ thực sự lột xác về quy mô vốn, khi vốn chủ sở hữu (Công ty mẹ) tính đến hết quý I/2018 mới đạt 280 tỷ đồng. 

Thế nhưng, tăng vốn ồ ạt liệu có mang lại hiệu quả như Ban lãnh đạo Yeah1 dự báo hay không thì vẫn còn là một ẩn số, và điều này phụ thuộc vào việc Yeah1 sẽ sử dụng vốn thu được vào mục đích nào.

Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên họp ngày 10/4/2018, Yeah1 sẽ sử dụng 40-60% số tiền huy động được từ đợt phát hành để đầu tư vào mảng kỹ thuật số và các mảng có liên quan thông qua việc mua nội dung kỹ thuật số; 10-30% đầu tư vào mảng thương mại truyền thông. 

Hai nội dung này được thực hiện bằng việc mua từ nhà cung cấp, góp vốn mới và tăng phần vốn góp vào các công ty con, phần còn lại được bổ sung cho vốn lưu động Tập đoàn và các công ty con.

ảnh 1
Click xem ảnh lớn 
Trang 110 của Bản cáo bạch Yeah1 cho biết, 200 tỷ đồng thu được sẽ dùng để mua bản quyền nội dung số; 100 tỷ đồng sẽ đầu tư vào Công ty cổ phần Truyền thông trực tuyến Netlink, trong đó 50 tỷ đồng để mua 23,9% vốn điều lệ Netlink, nâng sở hữu công ty này lên 99,9% vốn điều lệ và góp thêm vốn vào công ty 50 tỷ đồng. 
Công ty cổ phần Giải trí Rồng hiện do Yeah1 sở hữu 99% vốn điều lệ sẽ được góp thêm 203,8 tỷ đồng, đồng thời nâng sở hữu lên 99,93% vốn, với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu vào các công ty cùng ngành và góp vốn mới để công ty con mua nội dung các mạng đa kênh của các nước khác.

Đáng chú ý, Yeah1 sẽ chi 117,6 tỷ đồng để mua lại vốn góp của các thành viên góp vốn Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và quảng cáo truyền thông BlueX; chi 50 tỷ đồng để nâng sở hữu Công ty cổ phần Công nghệ và truyền thông AdsBNS từ mức 8,33% lên 99,9% vốn điều lệ, đồng thời góp thêm 67 tỷ đồng vào công ty này. Phần còn lại của đợt huy động vốn sẽ bổ sung vốn lưu động cho Công ty mẹ và các công ty con.

Nếu vốn điều lệ của Netlink trong vòng 2 tháng qua chưa kịp thay đổi, thì với kế hoạch mua vào 23,9% vốn điều lệ với giá 50 tỷ đồng, Yeah1 đã định giá Netlink ở mức 209 tỷ đồng ở lần mua này, gấp 10,45 lần vốn điều lệ của Netlink.

Bên cạnh đó, thông tin mua vào cổ phiếu AdsBNC và BlueX cũng là 2 điểm bất ngờ. 

ảnh 2
Click xem ảnh lớn 
Trước hết là việc mua vào BlueX. Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, hiện có một công ty có tên Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và quảng cáo truyền thông BlueX được thành lập ngày 31/5/2018, với vốn điều lệ 10 tỷ đồng, gồm 3 thành viên góp vốn là Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Hfund (góp 3 tỷ đồng), Nguyễn Thị Thu (3,5 tỷ đồng) và Đặng Bá Thiên Trang (3,5 tỷ đồng). Người đại diện theo pháp luật là Đặng Bá Thiên Trang.

Tuy nhiên, cổ đông pháp nhân của BlueX là Hfund chỉ mới thành lập ngày 15/5/2018, với người đại diện theo pháp luật là Lê Quang Minh. Cả 2 pháp nhân này đang đặt trụ sở tại Nhà 21, ngách 4, ngõ 99 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.

Bản cáo bạch Yeah1 cho biết, kế hoạch sử dụng vốn này đã được Đại hội đồng cổ đông Yeah1 thông qua, tức được thông qua vào ngày 21/4/2018, và được trình bày tại Bản cáo bạch ký ngày 15/6/2018, là các mốc diễn ra trước khi BlueX được thành lập và chỉ nửa tháng sau khi công ty này đi vào hoạt động theo giấy phép.

Trừ trường hợp tồn tại một công ty có tên trùng lắp hoàn toàn với Công ty BlueX nói trên, nếu không, việc Yeah1 lên kế hoạch mua vào BlueX thực sự đáng chú ý. 

Tại sao Yeah1 lại thông qua kế hoạch mua lại vốn từ các thành viên góp vốn đã có của một doanh nghiệp mà ở thời điểm thông qua phương án, cả doanh nghiệp mục tiêu và pháp nhân góp vốn (nắm 30% vốn điều lệ) chưa thành lập?

Và nếu dữ liệu đến ngày 2/7/2018 không thay đổi, thì vốn điều lệ của BlueX vẫn chỉ có 10 tỷ đồng. BlueX "mới tinh", nhưng Yeah1 vẫn hào phóng sẵn sàng chi trả gấp 11,7 lần số vốn đăng ký, tức 117,6 tỷ đồng?!

Thứ hai là câu chuyện mua vào AdsBNC. Quý I/2018, Yeah1 đã chi 11,337 tỷ đồng để mua 8,3% vốn điều lệ AdsBNC. Công ty dự kiến chi 50 tỷ đồng để mua thêm 91,57% vốn của AdsBNC.

Đối với Công ty AdsBNC, một nguồn tin mà Báo Đầu tư Chứng khoán có được, tồn tại một công ty có tên trùng lắp hoàn toàn với AdsBNC mà Yeah1 đã nói, được thành lập từ tháng 7/2014, có vốn điều lệ tính đến đầu tháng 7/2018 là 1 tỷ đồng

Chưa biết "AdsBNC" này và AdsBNC mà Yeah1 dự kiến mua có phải là 1 công ty không và AdsBNC có chậm trễ trong khai báo tăng vốn điều lệ hay không, nhưng rõ ràng, nếu những dữ liệu này là chính xác, thì thị trường cũng cần một lời giải thích rõ ràng từ Yeah1 về việc định giá này có… "ở trên trời" hay không.

Nếu các thông tin giao dịch dự kiến này là chính xác, câu hỏi tiếp theo là bản chất thương vụ phát hành 3,91 triệu cổ phiếu YEG cho Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Ảnh Nhượng Tống mà Yeah1 đã thông qua và dự kiến thực hiện là gì? Mua doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ, thậm chí còn chưa thành lập, với mức giá hàng chục, hàng trăm tỷ đồng có phải là chuyện bình thường không tại Yeah1?

Theo Trúc Chi
ĐTCK

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *