Doanh nghiệp 30/12/2015 09:11

Chỉ 29% doanh nghiệp liêm chính trong kinh doanh

Chỉ có khoảng 29% doanh nghiệp làm ăn minh bạch, không hối lộ, không vi phạm pháp luật trong kinh doanh – (thực hành liêm chính trong kinh doanh). Đó là khẳng định trong báo cáo mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ngày 29/12, VCCI đã “Công bố báo cáo khảo sát hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh và nhu cầu hỗ trợ xây dựng năng lực của doanh nghiệp”. Theo đó, trong hơn 180 doanh nghiệp (DN) tham gia khảo sát thì chỉ có 29% DN cam kết và thực hiện các vấn đề liêm chính, số còn lại dù hiểu biết rõ nhưng không thực hiện hoặc thực hiện rất thấp.


Lót tay, chi phí phi chính thức trong kinh doanh tại Việt Nam vẫn khá phổ biến.

Lót tay, chi phí phi chính thức trong kinh doanh tại Việt Nam vẫn khá phổ biến.

Hiểu nhưng không thực hiện

Theo kết quả khảo sát của VCCI, có hơn 92 – 93% DN tại Việt Nam hiểu về khái niệm liêm chính và minh bạch trong kinh doanh (kinh doanh đúng pháp luật, không hối lộ, không vi phạm pháp luật trong kinh doanh…), trong đó có hơn 55% DN cho rằng liêm chính kinh doanh cần phải gắn liền với các nguyên tắc, chuẩn mực về đạo đức và quy phạm pháp luật tạo ra rào cản đối với nạn tham nhũng, hối lộ.

Tuy nhiên, chỉ có 29% DN cam kết và thực hiện các biện pháp liêm chính trong kinh doanh như: kiểm soát nội bộ, kiểm soát chi tiêu, thực hiện cơ chế báo cáo minh bạch với cơ quan thuế, hải quan…

Theo khảo sát của VCCI, ngành da giầy, ngân hàng, chế biến lương thực thực phẩm có tần suất gặp phải cản trở từ các cơ quan nhà nước nhiều nhất. DN thuộc các lĩnh vực này dù áp dụng liêm chính trong kinh doanh nội bộ nhưng luôn gặp phải những phiền hà, nhũng nhiễu từ các cơ quan nhà nước. Các DN đều hiểu được liêm chính nhưng tỷ lệ thực hiện còn quá ít, trong khi đó, chính cơ quan nhà nước đang là tác nhân gây trở ngại cho DN thực hiện liêm chính trong kinh doanh.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng, liêm chính trong kinh doanh được xem là chuẩn mực đạo đức doanh nghiệp và đây đang là chuẩn mực của quốc gia và quốc tế. Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng, chúng ta cần thực hiện nghiêm túc vấn đề này. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy nhiều DN vẫn chưa coi trọng hoặc áp dụng cơ chế kiểm soát hối lộ, vi phạm pháp luật kinh doanh… Đây là điều hết sức lo ngại để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, xây dựng thương hiệu DN, thương hiệu quốc gia.

Làm 1 đồng phải “bôi trơn” gần 1 đồng

Theo chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan, vấn đề liêm chính tại DN đang khó bởi vì hối lộ, kinh doanh gian dối xuất phát nhiều từ bộ máy quản lý. Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới, DN Việt Nam làm được 1 đồng thì phải chi gần 1 đồng cho bôi trơn chính sách. Chính phí và thuế là hai lĩnh vực chiếm tới 40,8% trong số tổng lợi nhuận DN phải chi trả, đó là chưa nói đến hàng loạt các chính sách gia nhập thị trường khác nữa.

“Tiền bôi trơn của DN Việt Nam chiếm tới 0,72 - 1,02% lợi nhuận của họ. Nghĩa là DN làm ra 1 đồng lợi nhuận thì họ phải đóng ít nhất 0,72 đồng, thậm chí là cao hơn cả lợi nhuận tới 0,2 đồng cho phí tham nhũng, bôi trơn. Như vậy, DN làm sao có thể phát triển được, bởi việc này khó có thể khởi động tinh thần kinh doanh của người Việt”, Chuyên gia Phạm Chi Lan, nói.

“Ban đầu tôi và nhiều người quả thực không tin về những chi phí lót tay ghê gớm như vậy. Bởi nếu như thế, nó thực sự là rào cản rất lớn của DN, DN không thể sống được chứ chưa nói đến lợi nhuận. Tuy nhiên, thực chất nó là điều tra chuẩn xác của Ngân hàng Thế giới, cũng được Bộ Tài chính đưa ra trong hội thảo gần đây”, bà Lan cho hay.

Bà Lan cho rằng, chính vì lý do rất ít DN Việt thực hiện các cơ chế liêm chính trong kinh doanh nên còn có những điểm “mù” trong bản cân đối tài sản, kế toán của DN… Đây là nguyên nhân nhiều DN Việt khó lọt vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia và chuỗi sản xuất quốc tế.

Theo thống kê, chỉ có 36% DN Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp), so với 60% ở Malaysia và Thái Lan. Chỉ có 21% DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% Thái Lan, 46% của Malaysia. Điều này khiến DN Việt Nam ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của FDI qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất.

Nguyễn Tuyền

 
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *