Doanh nghiệp 12/12/2013 15:18

Cần lắm sửa bất cập trước mùa đại hội

Luật Doanh nghiệp (DN) đang được sửa đổi có tính đến khắc phục các bất cập “nóng”về điều kiện triệu tập đại hội cổ đông (ĐHCĐ), tỷ lệ biểu quyết, khái niệm DN có vốn đầu tư nước ngoài…

51% thay vì 65%

Mùa ĐHCĐ năm 2014 đang cận kề và cũng như thường lệ, một bức bối mà nhiều DN gặp phải là thất bại trong lần triệu tập ĐHCĐ lần 1, thậm chí lần 2, do không hội đủ tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết dự họp theo quy định của Luật DN. Bất cập này đã gây thiệt hại vật chất không nhỏ cho DN lẫn cổ đông.

Tại buổi tọa đàm lấy ý kiến cộng đồng DN và chuyên gia về các vấn đề bất cập cần sửa đổi của Luật DN 2005, do Ban soạn thảo Dự án luật sửa đổi là Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa tổ chức, rất nhiều ý kiến đề xuất nên chọn tỷ lệ 51% thay vì 65% như hiện hành.

Cụ thể, Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam đề xuất, Luật DN sửa đổi nên quy định ít nhất có 2 lần tổ chức ĐHCĐ thay vì 3 lần như hiện tại, trong đó lần 1 phải có sổ cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, hoặc tỷ lệ khác cao hơn do Điều lệ công ty quy định. Nếu DN thất bại trong lần triệu tập ĐHCĐ lần thứ nhất, thì triệu tập lần hai mà không phụ thuộc vào số cổ đông dự họp.

Đề xuất trên đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia. Luật sư Ngô Thị Hà, Chuyên viên pháp chế, Ngân hàng PG Bank đề xuất, nên sửa Luật DN 2005 theo đúng tinh thần cam kết gia nhập WTO, đó là chấp nhận tỷ lệ được tổ chức ĐHCĐ theo hướng lần thứ nhất chỉ cần tối thiểu 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, tỷ lệ giảm dần trong các lần triệu tập ĐHCĐ tiếp theo.

Liên quan đến tỷ lệ biểu quyết để thông qua các quyết định quan trọng của DN, Luật DN hiện hành quy định có hai tỷ lệ thấp nhất là 75% và 65%. Các chuyên gia nhìn nhận, quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, nhưng trên thực tế đã hình thành cổ đông hoặc nhóm cổ đông thiểu số chi phối, khiến hoạt động của DN bị tê liệt.

Ông Tiền dẫn ví dụ, tại một DN có một cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm 26% cổ phần có quyền biểu quyết không đồng ý thay tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của DN, do có những sai phạm nghiêm trọng trong điều hành DN.

Nhóm cổ đông còn lại tuy nắm tới 74% cổ phần có quyền biểu quyết, nhưng thua cổ đông nắm 26%, khiến tranh chấp trong DN diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Để khắc phục bất cập này, Luật DN sửa đổi nên điều chỉnh tỷ lệ tối thiểu để thông qua các quyết định tại DN là 51% cho phù hợp với thực tiễn, cũng như cam kết WTO.

Là Tổ phó Tổ Biên tập Luật DN sửa đổi, ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng ban phụ trách Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho hay, cùng với nghiên cứu để điều chỉnh các tỷ lệ trên cho phù hợp, Ban soạn thảo Luật DN sửa đổi còn xem xét đưa ra các quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho DN và cổ đông khi dự ĐHCĐ như: sử dụng email gửi tài liệu họp ĐHCĐ thay cho gửi qua đường bưu điện, họp trực tuyến bên cạnh cách họp truyền thống…

Thống nhất cách hiểu DN có vốn đầu tư nước ngoài

Khái niệm DN có vốn đầu tư nước ngoài hiện không rõ ràng, gây nên những tác động tiêu cực, điển hình như đối với TTCK, khi năm ngoái, CTCP Hóa dược phẩm Mekophar (MKP) quyết rời sàn HOSE.

Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư được coi là hình thức đầu tư trực tiếp. Việc mua cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư được coi là đầu tư gián tiếp.

Tuy nhiên, theo TS. Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật ĐHQG Hà Nội, do Luật Đầu tư, Luật DN và các văn bản hướng dẫn liên quan đều không xác định rõ thế nào là NĐT tham gia quản lý hoạt động đầu tư, nên gây nhiều bất cập. Thông lệ quốc tế cho thấy, nếu giá trị của khoản đầu tư nước ngoài không quá 10% tổng số vốn đầu tư thì được coi là đầu tư gián tiếp, vì NĐT không hội đủ số vốn để có thể tác động đến quyền quản lý DN.

Đây cũng là mốc nên tham khảo để phân định rõ thế nào là DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Hiếu, do Luật DN đang được sửa đổi song song với Luật Đầu tư, nên khi Dự thảo Luật DN được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào năm 2014, sẽ thống nhất khái niệm về DN có vốn đầu tư nước ngoài, nhằm khắc phục các bất cập hiện tại.   

Theo Hữu Đạo

Đầu tư chứng khoán

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *