Doanh nghiệp 26/05/2014 08:07

Cần cơ chế đặc biệt cho doanh nghiệp SME

Doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tiếp cận vốn theo cơ chế thông thường, bởi phần lớn đang vướng nợ xấu, không còn tài sản thế chấp.

Cuộc họp giữa các ngân hàng (NH) thương mại trên địa bàn TP HCM với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM mới đây đã cho thấy một nghịch lý khiến tín dụng không thể tăng trưởng mạnh từ đầu năm đến nay: Doanh nghiệp  (DN) muốn vay nhưng không đủ điều kiện, NH muốn đẩy tín dụng nhưng sợ ôm thêm nợ xấu…
 
Không có vốn là chết
 
Đại diện NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh TP HCM, cho biết: Hiện nay DN nào tốt, khỏe thì không muốn vay; còn DN yếu đang “ngáp ngáp” nếu không có vốn là chết, NH cho DN yếu vay vốn thì vi phạm cơ chế chính sách. Để tăng trưởng tín dụng, DN rất muốn vay và NH cũng muốn cho vay nhưng không thể bơm vốn ra theo cơ chế bình thường, bởi DN không còn tài sản bảo đảm, cho vay lỡ DN làm mất vốn thì NH cũng chết theo.
 
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB), cho rằng DN vừa và nhỏ (SME) tiếp cận vốn  khó khăn do việc cho vay nhóm đối tượng này chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp là bất động sản. Nhưng tài sản thế chấp thời gian qua giá sụt giảm mạnh so với năm trước nên dư nợ mới tăng không đáng kể. Hiện NH giải ngân cho DN căn cứ chính vào ngành nghề, bản thân DN có hoạt động ngoài ngành, ông chủ… Một số DN có hoạt động kinh doanh sụt giảm, biên lợi nhuận giảm do trước đây dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư thiết bị, máy móc, nay không được vay tiếp nên mất cân đối vốn. Ngoài ra, một số NH hạn chế cho vay bởi nợ cũ chưa thu hồi được do DN không thể bán hàng. Để kích cầu, NH đang cho vay lãi suất trung dài hạn là 7,5%/năm, trong khi lãi suất huy động vốn khoảng 6,2% và chi phí hoạt động của NH là 2,2%, vì vậy mức lãi cho vay nói trên làm cho NH không có lợi nhuận.
 
Nhiều trường hợp “đáng tiếc”
 
Theo các NH thương mại, câu chuyện lãi suất lúc này đã không còn quan trọng với cộng đồng DN. Bản thân nhiều NH đang phải cho vay dưới trần huy động, thay vì để tiền ế trong kho. Tổng Giám đốc NH Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng cho biết trong cơ cấu dư nợ tín dụng của OCB số DN SME chiếm 70%, nghĩa là NH phải sống chết cùng nhóm DN này, vì vậy thời gian qua, OCB đã tích cực thay đổi sản phẩm của mình để tiếp cận với DN nhiều hơn. Mới đây, chương trình kết nối NH và DN tại quận Bình Thạnh đã sáng tạo phân loại, chia nhóm DN khác nhau và tạo điều kiện cho NH tiếp xúc trực tiếp với từng nhóm khoảng 5-7 DN có chung khó khăn để tìm hướng tháo gỡ. “Trong quá trình làm việc với DN SME, tôi thấy nhiều trường hợp đáng tiếc bởi DN hoạt động rất tốt nhưng vì quy mô nhỏ nên cấu trúc quản lý tài chính yếu kém, vì thế, khi làm việc với NH họ không biết xây dựng hồ sơ, phương án kinh doanh cho phù hợp. Về phía NH, trong một vài ngày không thể hỗ trợ DN tổ chức lại hệ thống kế toán, quản lý DN. Do đó rất cần những trung tâm hỗ trợ DN hoạt động minh bạch để tư vấn, bởi hiện nhiều DN có nhu cầu vốn nhưng vẫn phải thông qua cò” - ông Tùng nói.
 
 
Theo Linh Anh
Người lao động

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *