Doanh nghiệp 25/11/2013 10:28

Cả trăm doanh nghiệp mắc thuế như… Nhựa Bình Minh

Thị trường đang đặt câu hỏi, liệu VNM, SJS, DHG, VC2, HRC... và cả trăm doanh nghiệp khác cũng mắc thuế như BMP có bị truy thu thuế?

Bộ Tài chính chưa thể hiện rõ quan điểm trong việc truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, nhưng từ thị trường, dư luận đang đặt ra câu hỏi, cả trăm doanh nghiệp (DN) niêm yết giai đoạn 2006 - 2008 liệu có bị truy thu thuế? ĐTCK xin điểm tên một số DN niêm yết lớn có thể cũng gặp những vướng mắc này.

Vinamilk

Năm 2003, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) chính thức chuyển đổi mô hình sang CTCP bằng cách cổ phần hóa. Năm 2006, cổ phiếu VNM của Vinamilk niêm yết trên Trung tâm GDCK TP. HCM, nay là Sở GDCK TP. HCM (HOSE). Với những diễn biến này, trong 2 năm 2006, 2007, Vinamilk gộp 2 chính sách ưu đãi giảm 50% thuế TNDN thành miễn thuế TNDN. Điều này được phản ánh trong thuyết minh báo cáo tài chính (BCTC) năm 2006, 2007.

Trong BCTC năm 2006, 2007 của Vinamilk viết rõ: Tổng cục Thuế đã cho phép Công ty cộng gộp hai mức thuế suất ưu đãi trên bằng Công văn số 1591/TCT-CST ngày 4/5/2006, điều này đưa đến Công ty được miễn hoàn toàn thuế TNDN trong năm 2006, 2007.

Tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2009 cho thấy, ngày 22/5/2008, Cục Thuế TPHCM đã có công văn thông báo việc Vinamilk không được gộp 2 ưu đãi thuế (ưu đãi cổ phần hóa và ưu đãi do niêm yết lần đầu trên HSX), nên Công ty chỉ được giảm 50% thuế trong hai năm 2006, 2007, thay vì được miễn thuế hoàn toàn như Công ty đã hạch toán.

Nếu câu chuyện liên quan đến Vinamilk chỉ dừng ở đây, Vinamilk cũng không nằm ngoài khả năng bị truy thu thuế như Nhựa Bình Minh. Khi đó, với lợi nhuận trước thuế của Vinamilk là 663 tỷ đồng năm 2006 và 955 tỷ đồng năm 2007, số thuế mà Vinamilk bị truy thu không hề nhỏ.

Với mức thuế suất TNDN phải nộp (nếu không ưu đãi) là từ 15% đến 28%, tùy từng nhà máy, theo tính toán của Vinamilk, nếu bị truy thu 50% thuế TNDN, số tiền mà Công ty phải nộp có thể lên tới xấp xỉ 226 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Vinamilk là câu chuyện dài kỳ thú vị. Trong lúc Nhựa Bình Minh phải thay đổi cách hạch toán thuế (dẫn đến bị phạt như hiện nay), Vinamilk lại chờ đợi.

Ngày 25/7/2008, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Vinamilk phải kê khai và nộp khoản tiền gần 226 tỷ đồng thuế nói trên.

Nhưng đến ngày 20/3/2009, Vinamilk nhận được bản sao công điện của Tổng cục Thuế gửi Cục Thuế TPHCM liên quan đến số thuế này. Công điện yêu cầu Cục Thuế TPHCM không tạm thu, nhưng vẫn phải chờ quyết định cuối cùng của Thủ tướng.

Theo BCTC năm 2009, ngày 14/1/2010, Tổng cục Thuế mới có Công văn số 149/TCT-PC về việc ưu đãi thuế TNDN đối với DN niêm yết chứng khoán lần đầu giai đoạn 2004 - 2006, cho phép gộp 2 mức ưu đãi 50% thành miễn thuế. Nhận được công văn này, Vinamilk coi như thoát truy thu thuế.

Như vậy, cùng một cách hạch toán trong cùng khoảng thời gian giống nhau, tại một cục thuế, nhưng Vinamilk đến thời điểm này khá “xuôi chèo, mát mái”, còn Nhựa Bình Minh thì gặp nhiều trở ngại. Có hay không sự khác biệt trong cách thu thuế của Cục Thuế TPHCM giữa Vinamilk và Nhựa Bình Minh?

Sudico

Năm 2003, Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã SJS) - doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng công ty Sông Đà, chuyển đổi mô hình thành CTCP.

Với việc thay đổi mô hình hoạt động, Công ty được hưởng chính sách ưu đãi miễn thuế TNDN trong 2 năm 2004, 2005. Trong 3 năm tiếp theo, từ 2006 - 2008, Công ty được hưởng chính sách ưu đãi giảm 50% thuế TNDN.

Ngày 11/5/2006, Sudico niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Với việc niêm yết trong giai đoạn 2004 - 2006, Sudico được giảm 50% thuế TNDN trong 2 năm 2006, 2007. Thuyết minh BCTC năm 2007 cho thấy, do đồng thời được hưởng 2 chính sách ưu đãi thuế này, Sudico đã gộp 2 ưu đãi năm 2006 - 2007 thành miễn 100% thuế TNDN 2 năm này.

Câu chuyện của Sudico có nét tương tự như Nhựa Bình Minh. BCTC năm 2007 của Sudico cho thấy, trong 2 năm 2006, 2007, tổng lợi nhuận trước thuế của Sudico (cũng là lợi nhuận sau thuế) lên tới hơn 479 tỷ đồng. Sang năm 2008, số thuế được miễn, giảm của Sudico giai đoạn 2006, 2007 có chút thay đổi.

Cụ thể, đối với những khoản thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Dự án Nam An Khánh - Hoài Đức - Hà Tây cũ và Dự án Bắc Trần Hưng Đạo - Hòa Bình, Công ty không được hưởng ưu đãi miễn thuế. Riêng với nội dung này, Sudico đã phải kê khai thêm 54,8 tỷ đồng tiền thuế, điều chỉnh hồi tố vào BCTC năm 2007.

Như vậy, thực tế Sudico vẫn được miễn thuế TNDN trong 2 năm 2006, 2007 thông qua gộp ưu đãi thuế, trừ khoản thu tại một số dự án kể trên. Cách kê khai hưởng ưu đãi thuế TNDN này được Nhựa Bình Minh áp dụng cùng thời điểm, nhưng không được Cục Thuế TP. HCM chấp nhận.

Horuco

CTCP Cao su Hòa Bình (Horuco, mã HRC), niêm yết cổ phiếu năm 2006. Theo quy định, Công ty được giảm 50% thuế TNDN trong 2 năm sau đó.

Tuy nhiên, do ngành nghề hoạt động đặc thù, Horuco còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khác. Đó là, áp dụng thuế suất 15% trên thu nhập chịu thuế trong 12 năm đầu đối với hoạt động sản xuất cao su, thuế suất 20% trong 10 năm tiếp theo, sau đó là thuế suất 25% đối với thuế TNDN.

Horuco cũng đồng thời được miễn thuế TNDN trong 3 năm kể từ năm bắt đầu kinh doanh có lãi; giảm 50% trong trong 8 năm tiếp theo đối với sản xuất cao su; miễn thuế TNDN trong 2 năm kể từ năm có lãi và giảm 50% trong 6 năm tiếp theo đối với các hoạt động kinh doanh còn lại.

Công ty bắt đầu có lãi từ năm 2004. Điều này có nghĩa, việc miễn thuế TNDN theo một chính sách chỉ được áp dụng đến năm 2006. Nhưng 2 năm 2007, 2008, Công ty vẫn không tính đến khoản thuế TNDN phải nộp. Việc này có thể giải thích là, Horuco đã áp dụng gộp 2 chính sách ưu đãi 50% thuế TNDN thành miến thuế.

Câu chuyện của Horuco là 1 ví dụ nữa cho thấy, chuyện gộp chính sách ưu đãi thành công đã có. Chỉ có điều, nó đã không đúng với Nhựa Bình Minh.

Dược Hậu Giang, Vinaconex 2

CTCP Dược Hậu Giang (DHG) chính thức đi vào hoạt động với mô hình CTCP từ 9/2004 và niêm yết ngày 21/12/2006. Với việc cổ phần hóa năm 2004, Công ty được miễn thuế TNDN trong 2 năm 2005, 2006. Từ năm 2007 - 2011, Dược Hậu Giang được giảm 50% thuế TNDN theo chính sách này.

Do được hưởng chính sách giảm 50% thuế TNDN vì niêm yết giai đoạn 2004 - 2006, Dược Hậu Giang đã gộp 2 chính sách này. Đây là lý do vì sao, năm 2007, Công ty không hạch toán thuế TNDN trong BCTC.

Tuy nhiên, từ BCTC năm 2008, Dược Hậu Giang ghi rõ: Công ty sẽ áp dụng ưu đãi giảm 50% thuế TNDN do niêm yết sau khi hưởng hết các ưu đãi do cổ phần hóa nói trên. Vì thế, Công ty đã hạch toán chi phí thuế như bình thường.

Cách làm của Dược Hậu Giang cũng được CTCP Xây dựng số 2 (Vinaconex 2, mã VC2) áp dụng. Mặc dù niêm yết năm 2006, nhưng đến năm 2009, 2010, Vinaconex 2 mới áp dụng chính sách giảm 50% thuế TNDN từ niêm yết, do các năm trước hưởng ưu đãi thuế do cổ phần hóa.

Thời điểm mà Vinaconex 2 áp dụng chế độ hưởng ưu đãi thuế giống hệt Nhựa Bình Minh. Vì thế, câu hỏi đặt ra là không biết khi nào đến lượt DN này bị truy thu thuế, hay sẽ có một cách hiểu khác?

Rà soát của Báo Đầu tư Chứng khoán về các kê khai thuế TNDN các DN như Vinamilk, Sudico, Dược Hậu Giang, Vinaconex 2 cho thấy, có sự bất nhất trong áp dụng chính chính sách thuế của Việt Nam nói chung, tại một số địa phương (Hà Nội, TP. HCM) nói riêng, tại cùng 1 thời điểm cũng khác nhau, chứ không chỉ khác nhau ở các giai đoạn.

Nhựa Bình Minh, bên cạnh số thuế bị truy thu, còn có thể bị phạt hơn 40 tỷ đồng. Cùng với Nhựa Bình Minh và một số đơn vị đã bị truy thu khác như CII, PAC, SCD, còn gần 100 DN cổ phần hóa, niêm yết trong giai đoạn 2004 - 2008, trong đó nhiều DN đã hạch toán gộp chính sách ưu đãi như trên. Các DN này liệu có bị truy thu thuế hay không? Câu trả lời đang chờ quan điểm cuối cùng của Bộ Tài chính.

Theo Bùi Sướng

Đầu tư chứng khoán

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *