Doanh nghiệp 05/11/2013 20:10

BIDV bất ngờ báo lãi lớn quý III sau khi lại nộp hồ sơ niêm yết

FICA - Lợi nhuận sau thuế quý III/2013 của ngân hàng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận 9 tháng tăng 55%. Tăng trưởng tín dụng của BIDV đạt 9,81% sau 9 tháng.

 BIDV có niêm yết trong năm nay?

Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã chứng khoán BID) công bố lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý III/2013 đạt gần 1.139 tỷ đồng, gấp hơn 3,3 lần cùng kỳ. Lợi nhuận quý này của BIDV tăng mạnh so với cùng kỳ khi thu nhập lãi thuần và lãi từ phần lớn các hoạt động khác đều tăng trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng 17% lên 3.261 tỷ đồng. Lãi hoạt động dịch vụ tăng hơn 63 tỷ đồng, lãi mua bán chứng khoán kinh doanh tăng gần 88 tỷ đồng và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư chuyển từ lỗ 17 tỷ đồng sang lãi 41 tỷ đồng. Đặc biệt, lãi từ hoạt động khác tăng 160 tỷ đồng và thu nhập góp vốn mua cổ phần tăng hơn 102 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động quý này của BIDV tăng 117 tỷ đồng, không đáng kể so với việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm tới 272 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, BIDV đạt 3.102 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. BIDV chuyển sang mô hình ngân hàng thương mại cổ phần từ ngày 1/5/2012 và tính theo kỳ kế toán mới, lợi nhuận 5 tháng từ tháng 5 tới hết tháng 9/2012 của ngân hàng đạt 1.615 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2012 là 1.998 tỷ đồng. Tính theo số liệu này, lãi ròng 9 tháng năm nay tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng tài sản của ngân hàng tới hết kỳ báo cáo (30/9/2013) đạt 535.794 tỷ đồng, tăng 10,52% so với cuối năm ngoài. BIDV giảm tỷ lệ sở hữu trái phiếu Chính phủ từ 3.981 tỷ đồng vào đầu năm xuống 2.239 tỷ đồng vào cuối tháng 9, tương ứng giảm 1.742 tỷ đồng.

Cho vay khách hàng tới cuối tháng 9/2013 đạt 373.205 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng tín dụng 9,79%. Nếu trừ đi cho vay bằng vốn ODA, tăng trưởng tín dụng của BIDV tăng 9,81% trong 9 tháng đầu năm nay. Hạn mức tăng trưởng tín dụng tối đa năm 2013 của các ngân hàng thương mại là 12%, trừ trường hợp được Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng hạn mức.

Huy động khách hàng tới cuối tháng 9/2013 đạt 340.844 tỷ đồng, tương ứng tăng 12,47%. Tỷ lệ nợ xấu tới 30/9/2013 là 2,54%, giảm so với mức 2,92% (tỷ lệ này được tính trên cho vay khách hàng không tính cho vay bằng vốn ODA). Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn tăng 127 tỷ đồng.

Cơ cấu nợ xấu của BIDV

Đơn vị: Tỷ đồng

 

Trước đó, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu cổ phiếu BID. Đây là lần thứ 2, BIDV nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu trên HSX. BIDV thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO) vào cuối năm 2011 và hoàn tất chuyển đổi sang mô hình ngân hàng thương mại cổ phần vào đầu năm 2012. Tháng 5/2012, BIDV nộp hồ sơ niêm yết lần đầu trên HSX và dự kiến niêm yết vào tháng 6/2012.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, BIDV tuyên bố hoãn niêm yết dù được HSX chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu vào ngày 10/10/2012. BIDV cho rằng tình hình thị trường chứng khoán thời gian đó liên tục suy giảm, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, tính thanh khoản của thị trường không cao nên việc niêm yết cổ phiếu BIDV trong năm 2012 sẽ không thuận lợi và không đảm bảo được lợi ích cho các cổ đông về mức giá cũng như tính thanh khoản của cổ phiếu.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2013 của BIDV, Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà cho biết không đảm bảo thời gian cụ thể niêm yết cổ phiếu BID nhưng nếu điều kiện thuận lợi chắc chắn sẽ niêm yết trong năm nay, dự kiến trong quí IV.

Tại lần nộp hồ sơ lần này, với vốn điều lệ trên 28.112 tỷ đồng, BIDV sẽ niêm yết hơn 2,811 tỷ cổ phiếu BID trên HSX. Và nếu thực hiện niêm yết thành công, BID sẽ là cổ phiếu ngân hàng thứ 6 trên HSX cùng với CTG của VietinBank, VCB của Vietcombank, MBB của MBBank, EIB của Eximbank và STB của Sacombank. Bên HNX, hiện có 3 cổ phiếu ngân hàng là ACB, SHB và NVB của Navibank.

Lam Thanh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *