Doanh nghiệp 12/06/2018 17:54

Bế tắc tài chính, Phương Nam bán cổ phần CGV Việt Nam lấy tiền trả nợ

Nếu không thanh toán được nợ nhà cung cấp thì Phương Nam sẽ không đủ nguồn hàng kinh doanh, dẫn đến tăng lỗ, tiếp tục thiếu hụt dòng tiền, đe doạ khả năng hoạt động liên tục. Trước tình hình đó, doanh nghiệp này đã phải lên phương án bán 12,5% vốn góp tại CGV Việt Nam với giá 160 tỷ đồng để lấy tiền trả nợ.

Bán 12,5% vốn CGV Việt Nam với giá 160 tỷ đồng

Nền điện ảnh Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng đạt 25-30%/năm và hàng trăm rạp chiếu phim chất lượng cao đang vận hành trên khắp cả nước.

Năm 2011, tập đoàn CJ CGV của Hàn Quốc vào Việt Nam và gây chú ý với việc chi 73,6 triệu USD thâu tóm 80% cổ phần Megastar. Đến nay, thị phần của CGV tại Việt Nam đã lên tới 47% với quy mô 53 rạp chiếu phim và 324 màn chiếu.

Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) là đơn vị nắm 20% vốn điều lệ của Megastar từ khi mới thành lập (năm 2005) và hiện vẫn đang là cổ đông lớn CGV Việt Nam. Tuy nhiên, hôm nay (12/6), PNC đã công bố dự thảo tờ trình lấy ý kiến đại hội đồng cổ đông về việc chuyển nhượng phần vốn góp tại CGV Việt Nam.

tap cgv

CGV ăn nên làm ra nhưng Phương Nam vẫn phải bán cổ phần để lấy tiền trả nợ

Cụ thể, lãnh đạo PNC đề xuất ĐHĐCĐ thông qua phương án sẽ chuyển nhượng phần vốn góp tại CGV Việt Nam với tỷ lệ 12,5% vốn điều lệ CGV Việt Nam cho Công ty Cổ phần Đầu tư Kim Cương Đen với giá dự kiến là 160 tỷ đồng (trong khi giá sổ sách theo báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất của số cổ phần này là gần 19,2 tỷ đồng).

Thời gian chuyển nhượng là 5/7 tới. Số tiền thu được sẽ ưu tiên trả nợ cho đối tác CJI bao gồm nợ gốc và một phần lãi vay theo đúng thời hạn cam kết.

Tại tờ trình này, lãnh đạo PNC cho biết, do tình hình kinh doanh khó khăn tích lũy trong nhiều năm, đến nay, tình hình tài chính của PNC “đang hết sức khó khăn”.

Cụ thể, tổng nợ ngắn hạn tại ngày 31/3/2018 tiếp tục vượt tài sản ngắn hạn 195 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả nhà cung cấp đến ngày 18/5/2018 đã là 321 tỷ đồng.

Trong khi đó, khoản nợ với Cross Junction Investment Pte.Ltd (CJI) gồm nợ gốc (7 triệu USD) và lãi vay (khoảng 18,5 tỷ đồng) được PNC thế chấp bằng toàn bộ phần vốn góp của PNC vào CGV Việt Nam đến hạn thanh toán là 30/6/2018 không được tiếp tục gia hạn.

Nguy cơ mất khả năng chi trả nếu không giải quyết kịp thời

Trình bày với ĐHĐCĐ, ban điều PNC cho biết, thời gian qua, mặc dù đã cân nhắc, tìm kiếm nhiều giải pháp để giải quyết khả năng thanh toán nhưng không đạt kết quả.

Theo đó, phương án vay ngân hàng không thực hiện được vừa do không có tài sản đảm bảo, vừa do ràng buộc không được huy động vay từ các tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng vay với đối tác CJI.

Còn phương án thanh lý, bán tài sản khác để bổ sung tài chính không thực hiện được do hiện nay PNC không sở hữu tài sản cố định có giá trị có thể bán được. Giữa bối cảnh đó, tình hình hàng tồn kho tăng cao tồn đọng từ nhiều năm qua, tỷ trọng hàng không luân chuyển, chậm luân chuyển lại rất lớn và không có khả năng bán thu hồi vốn.

Tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên mới đây, PNC đã đến xuất tăng vốn điều lệ nhưng cũng không được thông qua.

“Tình hình hết sức khó khăn về tài chính như hiện nay nếu không được giải quyết kịp thời thì nguy cơ mất khả năng chi trả là không thể tránh khỏi dẫn tới các rủi ro rất lớn cho PNC” – trong văn bản gửi ĐHĐCĐ, lãnh đạo PNC thừa nhận.

Cụ thể, nếu không thanh toán được nợ nhà cung cấp thì PNC sẽ không đủ nguồn hàng kinh doanh, dẫn đến tăng lỗ, tiếp tục thiếu hụt dòng tiền, đe dọa khả năng hoạt động liên tục.

Trong khi đó, cổ phiếu PNC đã rơi vào diện kiểm soát từ ngày 27/2/2018 và vẫn thuộc diện kiểm soát đặc biệt theo quyết định của Sở GDCK TPHCM (HSX) ngày 13/7/2016. Nếu tiếp tục thua lỗ, cổ phiếu PNC có khả năng bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu.

Phần vốn góp của PNC vào CGV Việt Nam trước đây đã được PNC thế chấp cho khoản vay đối tác CJI có nguy cơ rủi ro lớn nếu PNC không trả được khoản nợ vay đến hạn. Lãnh đạo PNC lo ngại, chủ nợ có thể áp dụng các biện pháp mạnh để thu hồi khoản nợ nói trên.

Trước tình hình đó, ban điều hành PNC đã phải tiến hành tìm kiếm, thương lượng với các đối tác về phương án chuyển nhượng khoản vốn của PNC tại CGV Việt nam để kịp giải quyết một số khoản nợ đến hạn có rủi ro cao.

Bích Diệp

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *