Doanh nghiệp 14/11/2013 00:43

Bầu Hiển: "Tái cơ cấu - đừng chỉ nói chung chung!"

FICA - Vẫn chưa hài lòng về công tác xử lý nợ xấu, Chủ tịch SHB cho biết, để cơ cấu lại được doanh nghiệp có nợ xấu, không thể chỉ đưa ra các chính sách chung chung mà điều quan trọng nhất là đi từ con người, phải có được những nhân sự am hiểu quản trị doanh nghiệp, có kinh nghiệm điều hành, biết doanh nghiệp muốn và cần gì.

Chiều 12/11, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), ông Đỗ Quang Hiển đã trao đổi với phóng viên về một số nội dung liên quan đến hoạt động thu hồi nợ xấu cũng như việc tái cấu trúc doanh nghiệp tại Công ty thủy sản Bình An (Bianfishco) - một con nợ từng có nguy cơ phá sản năm 2012.

 
Ông Đỗ Quang Hiển: Nếu đưa chính sách đơn thuần cho tái cơ cấu thì chỉ cần các chuyên gia tài chính (Ảnh: BD).

Xử lý 10 khách hàng thì nợ xấu sẽ giảm rõ rệt 

- Thưa ông, sau khi nhận sáp nhập Habubank (HBB), bản thân ông nhìn nhận các kết quả đạt được có như mong muốn ban đầu?

Hiện nay các mục tiêu kinh doanh của Ngân hàng về cơ bản đã đạt được, chỉ có về vấn đề xử lý nợ xấu tôi vẫn chưa hài lòng, chưa được như mong muốn. Thực tế đòi hỏi tới đây chúng tôi phải tích cực hơn nữa.

- Cụ thể, điều khiến ông chưa hài lòng là gì thưa ông?

Để xử lý nợ xấu đòi hỏi cần phải có tính quyết liệt, linh hoạt và những giải pháp rất phù hợp. Các bạn cũng biết là xử lý nợ xấu thì không ai muốn làm và là công việc vô cùng cực khổ. Điều tôi chưa hài lòng ở đây là hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Mặc dù các giải pháp đúng đắn đã được đưa ra nhưng công tác triển khai cần phải quyết tâm, quyết liệt và tích cực hơn nhiều nữa.

- Lộ trình đến tháng 6/2014 sẽ bắt đầu áp dụng Thông tư 02, lúc đó, các ngân hàng sẽ phải đánh giá lại nợ theo tiêu chuẩn quốc tế. Ông có lo ngại về mốc thời gian này?

SHB đã đưa ra lộ trình rất cụ thể và các biện pháp rất quyết liệt để thực hiện Thông tư 02. Tôi tin rằng đến tháng 6 năm sau, SHB sẽ đảm bảo được các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn tài chính cũng như xử lý các khoản nợ xấu.

- Mục tiêu của SHB đến cuối năm nay sẽ đưa nợ xấu về dưới 5%. Tuy nhiên, bên cạnh việc thu hồi nợ cũ thì sẽ khó tránh khỏi phát sinh những khoản nợ xấu mới. Liệu SHB có đạt được mục tiêu đã đề ra?

Nợ xấu của SHB đến thời điểm hiện nay là hơn 7%, kế hoạch đến 31/12 là phải đưa tỷ lệ này về dưới 5%.  Đây là một nhiệm vụ rất khó, nhưng không phải chúng tôi đưa ra chỉ để mang tính hình thức mà phản ánh bản chất thật sự của các khoản nợ xấu này.

Lý do thứ nhất là chủ yếu nợ xấu của SHB hiện tại là từ HBB đưa sang. Số nợ xấu lớn nhưng lại tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp lớn, chứ đây không phải là phép cộng của nhiều các khoản nợ nhỏ. Tuy nhiên, ở đây lại có một điểm rất thuận lợi là các doanh nghiệp lớn thì họ có đầu tư về nhà xưởng, quy mô sản xuất lớn và có uy tín nhất định trên thương trường, nhưng do năng lực quản trị yếu kém và nguồn tài chính bị ngắt nên trở thành doanh nghiệp có nợ xấu.

SHB đã đánh giá về hoạt động đầu tư, năng lực sản xuất, ngành nghề kinh doanh và tình hình thị trường của họ, trên cơ sở đó quyết định tiến hành tham gia trực tiếp vào hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp.

Tôi lấy ví dụ như các nhà máy giấy Thành Đạt đầu tư 400 tỷ đồng vào sản xuất, Mỹ Hương đầu tư 500 tỷ đồng - hai doanh nghiệp này đã gần 1.000 tỷ. Trong khi đó, ngành giấy trong nước chưa đủ đáp ứng nhu cầu và vẫn phải nhập khẩu. Như vậy, thị trường tốt và đầu tư sản xuất của các DN này cũng ở quy mô cũng tốt, bài bản, vấn đề ở chỗ năng lực quản trị của họ yếu kém. Mặt khác, lãi suất ngân hàng thời gian trước đây rất cao, các DN kinh doanh không lãi, chậm trả lãi và nợ lãi đó trở thành nợ quá hạn, bị chuyển thành nợ xấu. Chúng tôi đã thực hiện tái cấu trúc bộ máy quản trị điều hành, rà soát lại quy trình công nghệ, đưa các chuyên gia công nghệ vào để đánh giá và đưa nhân viên kinh doanh vào để hỗ trợ cho họ trong vấn đề thị trường.

Với những doanh nghiệp khác còn khả năng kinh doanh, có đủ tài sản bảo đảm nhưng gặp khó khăn đầu ra, doanh thu không đủ để trả nợ thì chúng tôi cũng cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ cho họ.

Trở lại với các khoản nợ từ HBB, hầu hết là những khoản nợ lớn ở những khách hàng lớn, toàn mấy trăm tỷ. Chúng tôi chỉ xử lý khoảng 10 khách hàng thì tỷ lệ nợ xấu SHB sẽ giảm rõ nét. Việc đưa nợ xấu về dưới 5% là khả thi.

Chúng tôi đã thành lập những ban tái cấu trúc. Tái cấu trúc có nghĩa là phải cử những cán bộ ngân hàng có năng lực, hiểu về doanh nghiệp xuống trực tiếp tham gia làm Phó Tổng giám đốc hay Chủ tịch HĐQT, làm Trưởng phòng kinh doanh tại các DN đó để quản lý dòng tiền, công nghệ sản xuất, nghiên cứu, phát triển thị trường cho doanh nghiệp. Sau đó chúng tôi mới tiến hành tái cơ cấu, chứ không phải làm một cách chủ quan, đứng từ bên ngoài nhìn vào.

Mua doanh nghiệp giá rẻ, bán giá cao?

- Còn trường hợp của Bianfishco, sau khi SHB cùng tham gia tái cấu trúc thì tình hình doanh nghiệp này hiện ra sao thưa ông?

Theo báo cáo mà tôi vừa mới nhận được chiều nay thì sau 10 tháng, từ một công ty thua lỗ và trên bờ vực phá sản, Bianfishco đã xuất khẩu doanh số 240 tỷ đồng, doanh thu trong nước 60 tỷ đồng, tổng cộng 300 tỷ đồng, lợi nhuận 10 tháng hơn 30 tỷ đồng.

Hiện nay, thị trường xuất khẩu cá basa đang phát triển mạnh. Doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ (đây là thị trường tăng trưởng mạnh nhất, tăng 50%). Vừa rồi chỉ vướng ở Mỹ một chút về thuế chống bán phá giá nhưng Bianfishco đã đưa ra được những giải pháp phù hợp.

Hiện tại, Bianfishco đang sản xuất 3 ca/ngày với gần 1.000 công nhân viên, lương trung bình 3,5 triệu/người, dự kiến từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ xuất khẩu 250 container nữa. Theo hợp đồng đã ký, trong 2 tháng cuối năm  doanh thu xuất khẩu của Công ty đạt 300 tỷ đồng , bằng 130% doanh thu xuất khẩu 10 tháng đầu năm.

-Ông có nhìn nhận như thế nào khi hiện này nhiều doanh nghiệp đang thích được ngân hàng tham gia tái cơ cấu? Các ngân hàng và doanh nghiệp khác có thể học tập về cách làm này như SHB đã làm?

Thực ra, tái cơ cấu nói thì đơn giản nhưng không phải chỉ là vấn đề đưa tiền, đưa vốn vào, cũng không phải là đưa ra các giải pháp – những cái đó thì các nhà tư vấn tài chính có thể làm được. Nhưng tôi thấy, tái cơ cấu cái khó nhất, cần nhất, thực tiễn nhất để đem lại hiệu quả chính là yếu tố "con người".

Thông thường, các cán bộ ngân hàng mới chỉ làm công việc thẩm định doanh nghiệp chứ chưa có kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp. Để tái cấu trúc thành công thì cần những con người đã tham gia quản trị điều hành doanh nghiệp, họ mới hiểu được khó khăn trong sản xuất, hiểu được điều hành sản xuất, thâm nhập thị trường. Những người đó phải có năng lực, kinh qua kinh doanh, quản trị điều hành và phải có tâm huyết thì mới thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp thành công. Nếu chỉ đưa phương án, đưa vốn vào doanh nghiệp thì thành công trong tái cấu trúc cũng chỉ ở mức 50-50 chứ chưa thể khẳng định 100%.

-Vậy Bianfishco liệu có dự kiến sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán không, thưa ông?

Khi chúng tôi vào cấu trúc Bianfishco thì định hướng đầu tiên là vượt qua nguy cơ phá sản, ổn định sản xuất kinh doanh trở lại. Lộ trình là trong vòng từ 3 đến 5 năm khi Bianfishco đã hoàn toàn ổn định, có uy tín thì sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước cũng như nước ngoài. Đó cũng là thời điểm mà chúng tôi sẽ thoái vốn!

-Như vậy, với việc tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp có nợ xấu, SHB sẽ có cơ hội mua doanh nghiệp với giá rẻ và bán giá cao. Ông có ý định nhân rộng mô hình này?

Hiện tại, trong quá trình xử lý nợ xấu thì việc tái cấu trúc các doanh nghiệp là một trong những giải pháp chúng tôi thấy vừa bắt buộc, vừa hiệu quả để đưa những khách hàng có nợ xấu trở thành những khách hàng tốt. Đồng thời, chúng tôi cũng thấy điều này có ý nghĩa vê mặt kinh tế và xã hội, giải quyết được công ăn việc làm cho lao động tại các doanh nghiệp vực dậy từ bờ phá sản.

Bản thân SHB thì thu hồi được nợ xấu và khi doanh nghiệp hoạt động tốt, việc thoái vốn cũng đem lại lợi ích cho ngân hàng. Hiện nay, ngoài Bianfishco, chúng tôi còn áp dụng với một số doanh nghiệp lớn khác. Việc này, chúng tôi đã có kinh nghiệm. Lợi thế của tôi là trước khi vào làm trong ngành ngân hàng thì tôi cũng đã từng là chủ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cũng như thương mại, xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, tôi cũng có một đội ngũ am hiểu quản trị doanh nghiệp. Vì vậy, tái cấu trúc đã mang lại những hiệu quả tốt.

 Ưu tiên tín dụng cho khách hàng cụ thể

- Là tổ chức tín dụng được NHNN cho phép tăng trưởng tín dụng lên 20% trong năm 2013. Từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 1 tháng, SHB sẽ làm thế nào để cân bằng giữa mục tiêu kiểm soát nợ xấu và tăng trưởng tín dụng như mong muốn?

Để đạt được kế hoạch kinh doanh và tăng trưởng tín dụng 20%, song song với đó là giảm nợ xấu, chúng tôi đang tích cực họp với từng Chi nhánh, từng đơn vị kinh doanh. Theo đó, từng đơn vị sẽ phát triển dư nợ tín dụng bao nhiêu và cụ thể với những khách hàng nào, phân tích chi tiết những khách hàng này có đủ điều kiện để phát triển tín dụng hay không

Từng chi nhánh của chúng tôi lên danh sách chi tiết đến từng khách hàng, chứ không phải chỉ xây dựng kế hoạch chung chung. Trong các cuộc họp, tôi luôn quán triệt với các đơn vị kinh doanh không được làm chung chung, cứ đăng ký tăng trưởng mà không thực hiện được, như thế sẽ không khả thi.

Trong danh sách đó, chúng tôi phân khách hàng làm 3 loại: khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa và khách hàng cá nhân. Hội sở đã cử cán bộ quản lý xuống sát sao từng Chi nhánh để báo cáo hàng tuần tiến độ và kết quả thực hiện từ nay cho đến 31/12.

- Vậy ngoài những khách hàng đã lên danh sách thì liệu có cơ hội cho khách hàng mới?

Tất nhiên là có. Nhưng chắc chắn nhất cứ phải là những khách hàng cụ thể. Bên cạnh đó vẫn có những khách hàng mới để phát triển. Vì từ nay đến 31/12 thời gian không còn nhiều, nếu không làm cụ thể thì sẽ rất khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Chúng tôi phải biết được khách hàng của từng cán bộ tín dụng ở các Chi nhánh kinh doanh gì, nhu cầu ra sao, vay SHB bao nhiêu và vay các ngân hàng khác bao nhiêu, họ giải ngân với mục đích gì nhằm đảm bảo khách hàng vay vốn đúng mục đích sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả vốn vay.

- Xin cảm ơn ông!

Theo kế hoạch phát triển tín dụng của SHB trong năm 2013, cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân dự kiến đạt 63.772 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2012. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn sẽ chiếm khoảng 65% tổng dư nợ, trung dài hạn 35%, dư nợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ 65 – 70% và dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn 40%.

Bích Diệp

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *