Doanh nghiệp 16/03/2016 13:38

Bầu Đức dùng 16 triệu cổ phần cá nhân tại Hoàng Anh Gia Lai để thế chấp ngân hàng

Kinh doanh thua lỗ hơn 100 tỉ đồng trong quý IV/2015, đến cuối năm vừa rồi, HAGL Agrico còn hơn 16.800 tỉ đồng nợ phải trả, trong đó, nợ ngắn hạn và nợ dài hạn đến hạn trả tăng gấp đôi, trên 2.600 tỉ đồng. Cá nhân bầu Đức đã phải thế chấp cổ phiếu thuộc sở hữu cá nhân cho công ty.

HAGL Agrico báo lỗ quý IV/2015

Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (mã chứng khoán HNG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2015.

Theo đó, kết thúc quý IV, công ty ghi nhận khoản lỗ 113 tỉ đồng (cùng kỳ quý IV/2014 lỗ 52 tỉ đồng). Trong đó, riêng công ty mẹ lỗ 124,5 tỉ đồng (cùng kỳ lỗ 4,2 tỉ đồng). Với kết quả này, lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 của HAGL Agrico chỉ còn 1,5 tỉ đồng, mặc dù vậy so với năm 2014 vẫn tăng 21,6%.

Cuối năm 2015, bầu Đức không may mắn trong kinh doanh
Cuối năm 2015, bầu Đức không may mắn trong kinh doanh

Điểm đáng chú ý trong quý IV/2015 là mặc dù doanh thu tăng mạnh, nhưng giá vốn hàng bán của HAGL Agrico cũng "phình to". Qua đó khiến lợi nhuận gộp trong kỳ của công ty sụt giảm mạnh, chỉ tương đương 2% so với kết quả cùng kỳ. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của HAGL Agrico trong quý cuối cùng của năm 2015 trở nên bê bết.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, trong năm vừa qua, trong tổng cộng hơn 11.000 tỉ đồng chi phí xây dựng dở dang thì phần lớn (hơn 9.300 tỉ đồng) được HAGL Agrico "đổ" vào trồng cây cao su và cây cọ dầu (tăng hơn gấp rưỡi năm 2014). Ngoài ra, công ty bầu Đức còn chi thêm hơn 98 tỉ đồng cho nông trại bò.

HAGL Agrico cho biết, trong năm 2015 đã vốn hóa các chi phí lãi vay gần 490 tỉ đồng vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Các khoản chi phí đi vay này phát sinh từ các khoản vay ngân hàng và trái phiếu để sử dụng cho việc xây dựng và phát triển các nhà cửa, máy móc, thiết bị, vườn cây cao su, cọ dầu.

Năm vừa rồi, tổng tài sản của HAGL Agrico tăng rất mạnh, tăng hơn 9.500 tỉ đồng lên mức xấp xỉ 26.500 tỉ đồng. Trong đó, hàng tồn kho tăng gần 3 lần, xấp xỉ 3.000 tỉ đồng vào cuối năm 2015. Tài sản dở dang dài hạn cũng tăng 1,7 lần lên hơn 11.000 tỉ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả cũng tăng tới 6.600 tỉ đồng, ở mức hơn 16.800 tỉ đồng vào cuối năm 2015.

Áp lực nợ ngắn hạn gia tăng mạnh

So với 1 năm trước đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của HAGL Agrico giảm xấp xỉ 700 tỉ đồng, tuy nhiên, nợ vay ngắn hạn ngân hàng lại tăng gấp hơn 2 lần, ở mức 2.100 tỉ đồng và vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả cũng tăng gấp đôi lên 512 tỉ đồng.

Chủ nợ lớn của HAGL Agrico với các khoản vay ngắn hạn là hai ngân hàng Liên doanh Lào Việt - chi nhánh Attepeu và BIDV - chi nhánh Gia Lai. Các khoản vay được HAGL Agrico thế chấp bằng một phần khách sạn Hoàng Anh Attapeu, tài sản trên đất và quyền sử dụng đất tại huyện La Mam, tỉnh Xê Kông (Lào); đàn bò thuộc dự án nuôi bò; tài khoản và ký gửi tại ngân hàng; tài sản gắn liền với đất gồm 16 căn hộ và 2 tầng khu thương mại thuộc tổ hợp Bàu Thạc Gián (Đà Nẵng)...

Trong khi đó, để đảm bảo cho những khoản vay dài hạn, HAGL Agrico đã dùng dự án trồng 10.000 ha cao su tại Attapeu, một phần dự án 7.950 ha cao su và 2.000 ha cọ dầu tại Attapeu, toàn bộ vườn cây cao su và các tài sản khác tại Nông trường la Puch (Gia Lai), quyền sử dụng đất...để thế chấp.

Đáng chú ý là tại khoản vay 262,4 tỉ đồng tại Sacombank - chi nhánh Đà Nẵng, ông Đoàn Nguyên Đức đã sử dụng 16 triệu cổ phiếu HAG thuộc sở hữu cá nhân để thế chấp. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/3, cổ phiếu HAG có thị giá 8.300 đồng. Tính theo mức giá này thì tài sản được ông Đức đưa ra thế chấp có giá trị gần 133 tỉ đồng. Hiện tại, ông Đức đang nắm giữ 347,7 triệu cổ phiếu tại HAGL.

Tại hợp đồng vay 178,6 tỉ đồng tại ACB - chi nhánh Gia Lai, công ty cũng đã cầm cố 28,4 triệu cổ phiếu HNG của công ty được nắm giữ bởi HAGL và tiền gửi có kỳ hạn của HAGL trị giá 24 tỉ đồng.

Hồi đầu tháng này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) - Chi nhánh Gia Lai đã thực hiện bán giải chấp 5,82 triệu cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của HAGL để thu hồi nợ vay. Với mức giá HNG dao động trong khoảng 7.500 đồng đến 8.100 đồng từ 1/3 đến 4/3/2016, ACB thu lại được khoảng trên 43 tỉ đồng và nếu thuận lợi (bán vào ngày 1/3) thì có thể thu về trên 47 tỉ đồng.

Bích Diệp

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *