Doanh nghiệp 23/05/2014 15:23

Bảo vệ cổ đông nhỏ vẫn lỏng lẻo

Ngày 26/5 tới, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu sẽ nghe báo cáo về dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, sau đó sẽ thảo luận tại tổ và góp ý tại phiên tổng thể vào 17/6. Bảo vệ quyền lợi cổ đông là một trong những nội dung quan trọng của dự luật này.

CôngThương - Trước đó, các luật gia cũng đã có nhiều tranh luận, nhiều ý kiến cho rằng, quyền của cổ đông chưa thực sự được bảo vệ tại dự thảo Luật sửa đổi lần này, đặc biệt là cổ đông nhỏ.
 
Chẳng hạn, quy định “thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) có thể bị miễn nhiệm bất cứ lúc nào theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ)”, nghĩa là chỉ cần ĐHĐCĐ đồng ý mà không kèm bất cứ điều kiện bãi miễn nào. Như vậy là bất hợp lý, nhất là với thành viên HĐQT đại diện cho nhóm cổ đông thiểu số.
 
Hay về tỷ lệ biểu quyết để Nghị quyết, quyết định được thông qua đối với một số nội dung là 65% và 51%, tỷ lệ này thấp hơn quy định trong Luật DN năm 2005, là 75% và 65%. Sẽ rất khó để bảo vệ được cổ đông nhỏ, bởi chỉ cần một phiếu biểu quyết của cổ đông lớn đã quyết định được việc thông qua hay không. Do vậy, tỷ lệ này nếu càng lớn thì sẽ hạn chế được vấn đề này.
 
Một vấn đề khác là cả trong Luật DN hiện hành cũng như trong dự thảo sửa đổi không quy định thế nào là cổ đông nhỏ. Trên thực tế tỷ lệ nhỏ - to ở các công ty cũng rất khác nhau, 1% số cổ phần của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hay Vinamilk là hơn 17 tỷ đồng nhưng 5% số cổ phần của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh chỉ là gần 7 tỷ đồng. Việc phân biệt có ảnh hưởng rất lớn đến thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cổ đông. Đã xảy ra tình trạng, có những công ty tự quy định trong Điều lệ, số cổ phiếu được sở hữu là bao nhiêu thì cổ đông mới được tham gia ĐHĐCĐ, như: Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 2 và Công ty Bia Thanh Hoá quy định mức tối thiểu là 5.000 cổ phần, Công ty cổ phần Thương mại Bia Hà Nội là 20.000 cổ phần, Lilama 18 là 35.000 cổ phần... Như vậy là vẫn trái với Luật Doanh nghiệp hiện hành bởi “mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết” nhưng thực tế thì không phải cổ đông nào cũng được “hưởng quyền” như trong quy định này.
 
Mới đây, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã thụ lý vụ kiện của nguyên đơn là ông Nguyễn Thành Tô (Hà Nội) với một yêu cầu lớn nhất từ trước đến nay: Đề nghị được tuyên hủy 12 nghị quyết ĐHĐCĐ của Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long (TLCC) trong những năm qua với lý do TLCC “quên” mời ông tham dự các kỳ họp ĐHĐCĐ nhưng ông lại vẫn có tên đầy đủ trong biên bản ĐHĐCĐ... Từ chỗ sở hữu 2% vốn điều lệ của TLCC, đến nay do không được tham gia ĐHĐCĐ nên không biết để mua cổ phần phát hành thêm và tỷ lệ cổ phần của ông giảm dần từ 2% xuống còn 0,1%.
 
Trước đó, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã xử thắng kiện cho một nhóm cổ đông của Công ty cổ phần Phát triển kỹ thuật và đầu tư (ITD) thuộc Viện Máy và Công nghiệp (IMI) với đề nghị: Hủy nghị quyết đại hội cổ đông thường niên ngày 26/4/2012 và nghị quyết đại hội cổ đông bất thường ngày 12/5 của ITD với nguyên do là ITD gửi thiếu tài liệu đại hội cổ đông năm 2012, trước khi thảo luận và biểu quyết như: báo cáo hội đồng quản trị, báo cáo ban kiểm soát, báo cáo tài chính...
 
Theo các luật gia, nếu không có những biện pháp cứng rắn để bảo vệ cổ đông nhỏ, thì quyền lợi của người lao động - phần lớn là những cổ đông nhỏ trong công ty, sẽ rất thiệt thòi. Và nếu việc thực thi Luật trong mỗi công ty còn “xuề xòa” thì trong tương lai sẽ còn nhiều vụ kiện như trường hợp ở TLCC hay ITD.
 
Theo Luật sư Vũ Thị Thu Hà, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội: Có nhiều điểm trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi và việc thực thi cần cứng rắn hơn bởi trên thực tế đã có nhiều trường hợp quyền của cổ đông nhỏ bị “gạt” ra ngoài.
 
 
Theo Thu Hằng
Công thương
Chủ đề: gmail , SHP , AYCIF 2015 Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *