Bất động sản 26/01/2014 07:37

Ngân hàng tiết kiệm nhà ở chỉ có lợi cho người giàu

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, sau khi Bộ Xây dựng đề xuất lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở, Chính phủ đã đồng ý cho phép xây dựng đề án thí điểm này. Dự kiến đề án sẽ được các cơ quan liên quan xúc tiến xây dựng ngay sau Tết.

“Bộ Xây dựng định đề xuất đưa ngân hàng tiết kiệm nhà ở vào dự thảo Luật Nhà ở, nhưng Thủ tướng chỉ đạo lập đề án riêng, cho phép làm thí điểm mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Chính phủ cho rằng làm thí điểm nên chưa cần đưa vào luật” ông nói.
 
Ông Nam cho hay, do Bộ Xây dựng muốn có thêm vốn cho thị trường bất động sản nên mới xúc tiến nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép thành lập mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Nhưng ông cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước muốn chủ trì đề án thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở này. Còn Bộ Xây dựng sẽ là đơn vị phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để xây dựng đề án này.
 
 
“Ngay sau tết, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để chuẩn bị đề án thí điểm thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở này,” ông Nam nói.
 
Ngân hàng tiết kiệm nhà ở cũng là một tổ chức tín dụng thông thường, nhưng khác biệt ở chỗ được thành lập ra chỉ chuyên cấp tín dụng (huy động vốn và cho vay) trong lĩnh vực nhà ở. 
 
Ngân hàng này nhận tiền gửi có trả lãi suất của người có nhu cầu tham gia gửi tiết kiệm để mua nhà, sửa nhà nhưng chưa có đủ để làm ngay và cũng chỉ cho các đối tượng này vay với lãi suất luôn thấp hơn lãi suất thương mại trong thời gian từ 10 - 15 năm hoặc lâu hơn nữa.
 
“Nhưng người gửi vào sẽ chưa được vay ngay lập tức mà phải qua quá trình tiết kiệm, có thể 3 - 5 năm, hoặc lâu hơn với mức tiết kiệm được từ 50 - 70% số tiền định vay thì có thể được vay bằng số tiền đã gửi vào. Số tiền vay bắt buộc sử dụng vào mục đích nhà ở”, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết.
 
Trước thông tin này, ý kiến của nhiều chuyên gia, chủ doanh nghiệp hầu hết đều phản đối và cho rằng tính khả thi của mô hình này không cao. 
 
Giám đốc một công ty bất động sản cho biết, hiện nay người nghèo là những người cần hỗ trợ về nhà ở nhất thì khó tham gia trong khi những người có tiền lại hưởng lợi từ chính sách này. 
 
Quan trọng hơn, hiện nước ta có rất nhiều ngân hàng, nhưng hoạt động yếu kém, nợ xấu nhiều, phải cơ cấu lại, thậm chí sáp nhập để tồn tại. Ở các địa phương còn có Quỹ phát triển nhà ở cho người dân vay tiền tạo lập nhà ở nên không cần thiết phải “đẻ” thêm ngân hàng. 
 
Đơn cử như TP.HCM đang có Quỹ phát triển nhà ở, cho người dân vay với lãi suất rẻ hơn các NH thương mại, chỉ 6%/năm. Nguồn vốn hằng năm do ngân sách TP cấp, không phải huy động của người dân.
 
Theo ý kiến các chuyên gia, nếu cần cũng có thể “nâng cấp” mô hình này thêm chức năng huy động vốn, để đầu tư, cho người dân vay lại với lãi suất thấp, ổn định. “Quỹ tiết kiệm nhà ở cũng giống với ý tưởng của Bộ Xây dựng là người dân gửi vào sau 5 năm mới được rút ra hoặc vay tạo lập nhà ở với lãi suất ưu đãi. Vậy tại sao không tập trung phát triển quỹ này mà phải thành lập thêm ngân hàng trong bối cảnh ngân hàng đang thừa lượng, thiếu chất hiện nay”, một chuyên gia đặt vấn đề.
 
Đó là chưa kể, Bộ Xây dựng cũng đang có Ngân hàng trực thuộc là ngân hàng Xây dựng Việt Nam (mới được đổi tên từ Ngân hàng TrustBank - PV) nên có thể triển khai ý tưởng của Bộ mà không cần lập thêm Ngân hàng.
 
Dù Bộ Xây dựng khẳng định ngân hàng tiết kiệm nhà ở hướng tới người nghèo nhưng nhiều chuyên gia vẫn e ngại chỉ người thu nhập cao mới đủ tiền tham gia chương trình này. 
 
Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Phạm Sỹ Liêm nhận định, mô hình tiết kiệm nhà ở của các chuyên gia Đức đưa ra mới chỉ thích hợp cho tầng lớp có thu nhập cao, người thu nhập thấp chưa chạm vào được. Dẫn nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế, Phó chủ tịch Phạm Sỹ Liêm cho rằng, đóng vào quỹ tiết kiệm 50% giá trị căn hộ là quá cao so với con số 30% của thế giới.
 
“Hơn nữa, với điều kiện khác biệt về địa lý, về mức sống, thu nhập và cả điều kiện về nhà ở khác nhau hiện nay, khó để bắt một người dân tận trên Sơn La đóng tiền vào ngân hàng tiết kiệm để cho một người ở Hà Nội mua nhà”, ông Liêm nói.
 
Thêm nữa, mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đề cập đến vào đầu tháng 12/2013 sau khi vị Thứ trưởng làm phép tính, lấy con số thu nhập bình quân hiện nay là 2.000 USD/năm, giả sử sau 4 năm con số này tăng gấp đôi lên 4.000 USD/năm thì đây là thời điểm thích hợp cho sự ra đời của ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Tuy nhiên, liệu thu nhập bình quân sau 4 năm có cán đích con số 4.000 USD/năm? 
 
 
 
Theo Hà Oanh
Đất Việt
Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *