Doanh nghiệp 28/11/2013 14:26

Ba nhà đầu tư Việt chi đậm 55,5 triệu USD mua lại 15% cổ phần VPBank

FICA - Ba nhà đầu tư cá nhân mua lại hơn 85,8 triệu cổ phiếu VPBank với giá bình quân hơn 13.600 đồng/cổ phiếu, trong khi giá giao dịch trên sàn OTC đang giao động trên dưới 9.000 đồng/cổ phiếu.


Ngày 22/11, ngân hàng lâu đời nhất Singapore Oversea-Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) đã chuyển nhượng toàn bộ hơn 85,83 triệu cổ phiếu, tương ứng 14,88% vốn tại ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng.

Singapore Bussiness Review tiết lộ 3 nhà đầu tư cá nhân người Việt Nam là ông Huỳnh Bá Lân (Huynh Ba Lan), bà Ngô Thu Thủy (Ngo Thu Thuy) và bà Phạm Vũ Thị Như Hoàng (Pham Vu Thi Nhu Hoang) đã chi ra 55,5 triệu USD (tương ứng hơn 1.170 tỷ đồng) để mua lại lượng cổ phần VPBank từ OCBC.

Tính bình quân, 3 nhà đầu tư đã mua lại cổ phiếu VPBank với giá hơn 13.600 đồng/cổ phiếu trong khi theo dữ liệu của sàn OTC, giá cổ phiếu VPBank đang được giao dịch với mức trên dưới 9.000 đồng/cổ phiếu. Singapore Bussiness Review đánh giá bên mua đã đưa ra giá quá hấp dẫn.

Với việc chi ra hơn 41 triệu USD và nắm giữ cổ phiếu VPBank trong vòng 7 năm, OCBC thu được khoản lợi nhuận hơn 14 triệu USD. OCBC bán lại cổ phần VPBank trong bối cảnh lợi nhuận ngân hàng năm nay chững lại sau nhiều năm tăng trưởng liên tục.

Tháng 3/2006, OCBC chi ra 250 tỷ đồng (tương đương hơn 15,6 triệu USD theo tỷ giá cùng thời điểm) để mua lại 10% cổ phần của VPBank và trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của VPBank. Tại thời điểm đó, vốn điều lệ của VPBank là 500 tỷ đồng.

Đến tháng 8/2008, OCBC lại chi tiếp 25,5 triệu USD (tương đương khoảng 410 tỷ đồng theo tỷ giá cùng thời điểm) để sở hữu thêm 5% cổ phần tại VPBank. Khi đó, VPBank có vốn điều lệ hơn 2.100 tỷ đồng.

Như vậy, cả 2 lần OCBC đều chi đậm để mua cổ phiếu VPBank với giá mua bằng 5 lần và hơn 4 lần mệnh giá. Do nhiều lần ngân hàng này trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, OCBC đã tăng lượng nắm giữ lên hơn 85,8 triệu cổ phiếu.

9 tháng đầu năm, VPBank đạt tăng trưởng tín dụng cao nhất trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính với hơn 28% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 27% so với cùng kỳ, chỉ đạt 424 tỷ đồng.

Như vậy, trong vòng 1 năm qua, cả 2 cổ đông lớn nhất của VPBank đều đã thoái vốn. Cuối tháng 12/2012, công ty cổ phần đầu tư Châu Thổ, cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 14,99% vốn đã chuyển nhượng toàn bộ vốn tại ngân hàng này. Tuy nhiên, nhà đầu tư nhận chuyển nhượng lượng cổ phần trên vẫn chưa được tiết lộ

Lam Thanh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *