Doanh nghiệp 12/09/2014 19:58

Áp thuế chống bán phá giá inox: Có chính đáng?

FICA - Từ 5/10, biện pháp chống bán phá giá đối với một sản phẩm nhập khẩu vào thị trường nội địa sẽ lần đầu tiên được Việt Nam áp dụng. Cơ quan quản lý nói gì về điều này?

Từ ngày 5/10/2014, Việt Nam sẽ áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội, ở dạng cuộn hoặc tấm với độ dày nhỏ hơn hoặc bằng 3,5mm đối với thị trường trong khu vực. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu vào thị trường nội địa.

Trong đó, các doanh nghiệp của Đài Loan bị áp mức thuế chống bán phá giá cao nhất, trong đó doanh nghiệp Yuan Long Stainless Steel Corp bị áp 37,29% và các doanh nghiệp khác bị đánh thuế 13,79%. Các doanh nghiệp của Indonesia bị áp mức thuế chống bán phá giá thấp nhất với mức chỉ 3,07%. Các doanh nghiệp của Trung Quốc và Malaysia bị áp các mức thuế khác nhau từ 4,64% đến 10,71%.

Lần đầu áp thuế chống bán phá giá

Ngày 28/7/2014, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương với vai trò là Cơ quan điều tra đã ban hành Báo cáo cuối cùng vụ việc Điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Indonesia, Malaysia và lãnh thổ Đài Loan vào thị trường Việt Nam.

Báo cáo của Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, ngày 6/5/2013, Cơ quan điều tra nhận được Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội (hàng hóa thuộc đối tượng điều tra) nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan. Bên yêu cầu là Công ty TNHH Posco VST (Công ty Posco VST) và Công ty cổ phần Inox Hòa Bình (Công ty Inox Hòa Bình).

Theo kết luận điều tra, xét một cách tổng thể, ngành sản xuất trong nước đã đẩy mạnh đầu tư và phát triển sản xuất từ năm 2008. Từ năm 2009 đến năm 2011, ngành sản xuất trong nước đã có sự tăng trưởng đối với hầu hết các chỉ số về sản xuất, bán hàng, giá bán, thị phần, công suất, dòng tiền, lao động và tiền lương,... Tuy nhiên, từ năm 2011 đến hết giai đoạn điều tra, các chỉ số này đều đã sụt giảm, cho thấy ngành sản xuất trong nước đã phải đối mặt với thiệt hại thực tế và đáng kể.

Trong đó, đánh giá đã kết luận khối lượng hàng hóa thuộc đối tượng điều tra được nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng tuyệt đối trong giai đoạn điều tra; và tăng tương đối so với tổng lượng tiêu thụ trong nước trong giai đoạn điều tra; Giá hàng hóa nhập khẩu giảm trong giai đoạn điều tra đã gây ra tác động ép giá đối với hàng hóa tương tự được sản xuất trong nước; Lượng bán hàng của ngành sản xuất trong nước đã tăng trong giai đoạn từ 2009 đến hết POI, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đã giảm đi trong POI.

Trong thời kỳ từ 2009-POI, lượng tiêu thụ toàn thị trường đã tăng. Trong POI, tốc độ tăng trưởng về tổng tiêu thụ trên thị trường lớn hơn tốc độ tăng trưởng hàng nhập khẩu thuộc đối tượng điều tra. Giá bán trung bình của hàng hóa thuộc đối tượng điều tra đã tăng trong giai đoạn 2009-2011 nhưng đã giảm đi trong giai đoạn 2011-POI.

Đối với chỉ số về lợi nhuận, ngành sản xuất trong nước đã có lãi trong hai năm 2009 và 2010, tuy nhiên bắt đầu từ năm 2011 đã xuất hiện lỗ và trong POI mức lỗ này đã gia tăng đáng kể.

Thị phần của ngành sản xuất trong nước đã tăng lên trong giai đoạn 2009-2011 nhưng đã sụt giảm trong POI. Trong khi đó, thị phần của hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng điều tra lại tăng lên, còn thị phần nhập khẩu từ các nước/vùng lãnh thổ khác lại giảm đi. Công suất của ngành sản xuất trong nước đã tăng từ 2009-2011 và giảm đi trong POI. Hiệu quả đầu tư của ngành sản xuất trong nước tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2010-2011 nhưng đã sụt giảm đáng kể trong POI.

Trong giai đoạn 2009-2011, chỉ số lưu chuyển tiền tệ của ngành sản xuất trong nước tăng trưởng tốt nhưng đã giảm đi trong POI. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của ngành sản xuất trong nước tăng trong giai đoạn 2009-POI, cho thấy hạn chế của ngành sản xuất trong nước đối với khả năng tăng vốn hoặc mở rộng đầu tư.

Lượng tồn kho hàng hóa tương tự của ngành sản xuất trong nước tăng nhẹ trong giai đoạn 2009-2011 và tăng mạnh trong POI. Số lượng người lao động và lương bình quân lao động đã tăng đều trong giai đoạn 2009-POI. Năng suất lao động của ngành sản xuất trong nước tăng mạnh trong năm 2010, giảm nhẹ vào năm 2011 rồi lại tăng lên trong POI.

Biện pháp tự vệ chính đáng?

Bộ Công Thương cũng nêu rõ, trình tự thủ tục áp dụng các biện pháp chống bán phá giá được thực hiện theo pháp luật về chống bán phá giá Việt Nam và hướng dẫn thu nộp thuế chống bán phá giá của Bộ Tài chính, căn cứ theo quy định pháp luật về quản lý thuế và các quy định pháp lý liên quan khác. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 30 ngày kể từ ngày ký.


Nhận định về sự kiện này, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam) cho rằng, việc đưa ra Quyết định áp dụng chống bán phá giá đối với thép không gỉ của Bộ Công Thương là rất chính xác và thận trọng. Bởi để đưa ra được Quyết định này, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã có hơn một năm điều tra và phối hợp với 1 nước thứ 3 để đối chiếu giá.

“Đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam kiện doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá, nhưng là lần đầu tiên có kết quả và chúng ta đã áp thuế chống bán phá giá sản phẩm của nước ngoài tại thị trường nội địa. Động thái này của Bộ Công Thương được xem là tín hiệu tích cực trước ngưỡng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015”- ông Phạm Chí Cường nhấn mạnh.

Trước ý kiến cho rằng, trong khi đang hội nhập, thuế xuất 0% mà lại ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá nhưng ông Phạm Chí Cường cho rằng, đây là điều cần thiết, dù doanh nghiệp đã tham gia vào cùng một “sân chơi” nhưng sân chơi đó phải bình đẳng, nếu có một sự bất thường về việc nhập hàng hóa thì nước đó phải lên tiếng.

Theo ông Cường, sẽ không có cú “sốc” hay khó khăn nào cho doanh nghiệp trong nước bởi sự kiện này đã được tiến hành cách đây hơn 1 năm và các cơ quan chức năng đã cảnh báo các doanh nghiệp trong nước về điều này. Họ phải chuyển hợp đồng nhập khẩu sang các doanh nghiệp khác, thị trường khác. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể thay đối tác nhập khẩu ở Ấn Độ, Nga nếu không thích nhập các nguyên liệu từ các doanh nghiệp trong nước. Không có luật nào áp đặt các doanh nghiệp nhập khẩu phải quay về với sản phẩm trong nước.

"Đây là biện pháp tự vệ thông thường, phản ứng có lợi cho thị trường, cho ngành, cho nền kinh tế và phù hợp chuẩn mực quốc tế. Khi họ hạ giá bán thấp kỉ lục nhằm “giết” doanh nghiệp sản xuất trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam có quyền yêu cầu, kiến nghị bởi mức giá đó thì không thể đảm bảo hòa vốn, kể cả trong trường hợp doanh nghiệp đó có lợi thế kinh tế do sản xuất quy mô lớn. Đây là biện pháp hoàn toàn bình thường để doanh nghiệp Việt tự bảo vệ mình, tránh bị doanh nghiệp ngoại “chơi xấu” – ông Phạm Chí Cường khẳng định.

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *