Doanh nghiệp 07/09/2014 18:01

AEON Mall và bài toán giữ chân khách Việt

“Chúng tôi không xây các trung tâm thương mại chỉ để bán hàng”, người đứng đầu AEON Mall Việt Nam nói với VnEconomy.

“AEON Mall sẽ xây các trung tâm mua sắm hướng tới số đông người dân có thu nhập từ trung bình khá. Tất cả sẽ được hưởng một không gian thư giãn, vui chơi thoải mái. Đây không chỉ là nơi để mua sắm”, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AEON Mall Việt Nam Yukio Konishi nói với VnEconomy. 

Lý giải vì sao AEON Mall tới Việt Nam, vị doanh nhân Nhật nói, AEON Mall là doanh nghiệp thuộc AEON Group - một tập đoàn khá thành công tại Nhật Bản. Tuy nhiên, ở Nhật môi trường làm ăn gần như đã khá hoàn thiện, nên việc mở rộng đầu tư tại đây khá khó khăn. Điều đó buộc AEON phải tính đến nước đầu tư ra nước ngoài. 

Ông Konishi kể, 5 năm trước, AEON đã đặt ra câu hỏi là bước tiếp theo phải đầu tư vào khu vực nào. Không lâu sau đó, họ tìm ra được câu trả lời là Trung Quốc và khu vực ASEAN, trong đó tại ASEAN sẽ chọn Việt Nam và Capuchia. Đây là hai quốc gia được AEON xem là có nhiều tiềm năng, dân số trẻ, kinh tế xã hội, trị an khá ổn định.

Vậy thì các ông sẽ dùng chiến lược nào để cạnh tranh với các doanh nghiệp bán lẻ khác tại Việt Nam?

Hiện ở Việt Nam đang có một số doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, nhu cầu thiết yếu của người dân, nhưng phần lớn họ nhắm tới người có thu nhập khá trở lên. Trong khi chúng tôi lại hướng tới các đối tượng trung bình khá, tức là hướng đến số đông người dân. 

Bất kỳ ai vào các trung tâm thương mại của chúng tôi cũng phải được hưởng thụ các dịch vụ hiện đại, tiện ích và đặc biệt thân thiện.

Chúng tôi tập trung vào các sản phẩm có chất lượng của Nhật - vốn được nhiều người dân Việt ưa thích. Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ khác không phải là đối thủ cạnh tranh của chúng tôi. Mỗi doanh nghiệp có một phân khúc thị trường riêng.

Chúng tôi không xây các trung tâm thương mại chỉ để bán hàng, mà chúng tôi hướng tới một mục đích cao hơn: làm thoả mãn nhu cầu cuộc sống của người dân địa phương bằng cách đưa ra nhiều tiện ích để họ cảm thấy thoải mái nhất.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tham gia nhiều hoạt động xã hội như xây trường học, trồng cây, để cộng đồng ở nơi đó được tốt hơn.

Điểm mạnh nhất của AEON Mall là gì, thưa ông?

Là một doanh nghiệp Nhật, nên chúng tôi sẽ hướng tới “chất lượng Nhật”, với quy trình quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm chặt chẽ. 

Tất nhiên, trong các khu thương mại của chúng tôi cũng sẽ có khu vực ẩm thực Nhật Bản.

Liệu chiến lược hướng đến số đông của các ông có hợp lý không, khi thói quen của người Việt có thu nhập trung bình vẫn là mua ở chợ vỉa hè, quầy tạp hoá?

Đúng là thói quen mua sắm của người Việt từ trước đến nay vẫn là thích vào chợ mua sắm. Tuy nhiên, thực tế là hàng hoá trọng các chợ hiện nay rất khó để kiểm soát chất lượng nên không đảm bảo, không rõ nguồn gốc xuất xứ… khiến nhiều khách hàng không thoả mãn.

Hơn nữa, theo xu hướng phát triển chung của xã hội, thì tất yếu người dân sẽ vào các trung tâm thương mại để mua sắm thay vì vào các chợ truyền thống.

Các doanh nghiệp khác như Metro, Lotte Mart… cũng đang đi theo sự phát triển chung để hướng tới một xã hội hiện đại.

Có thực tế là một số trung tâm thương mại tại Việt Nam khi mới mở cửa thường rất đông khách, nhưng một thời gian sau đó lượng khách thưa dần… Các ông sẽ dùng cách gì để không đi vào vết xe đổ này?

Đúng vậy, qua quan sát chúng tôi cũng nhận thấy một số trung tâm thương mại khi mới khai trương rất đông, nhưng sau đó vắng khách dần.

Tôi nghĩ, lý do là họ không thực sự chú trọng vào trung tâm thương mại. Họ không nghiên cứu, phân tích để làm sao hút khách, giữ khách, mà chỉ tập trung xây nhà ở, còn trung tâm thương mại chỉ là để phục vụ cho việc bán nhà.

Chúng tôi thì chỉ tập trung vào trung tâm thương mại, luôn đi cùng với khách hàng. Những khách hàng nào thuê mặt bằng của chúng tôi, nếu có doanh thu kém đi thì chúng tôi cũng sẽ làm việc để mời khách hàng mới vào, để trung tâm thương mại chúng tôi luôn là trung tâm thương mại “sống” chứ không chỉ là để lấp đầy.

AEON Mall cũng có những chính sách giảm giá thuê trong thời gian đầu để hỗ trợ khách hàng. Phí thuê cũng được điều chỉnh theo doanh thu bán hàng của khách thuê, để làm sao cả hai bên cùng có lợi.

Một ví dụ, trung tâm thương mại Celadon Tân Phú ở Tp.HCM khai trương hồi đầu năm nay được người dân đánh giá rất cao. Dự kiến tháng 10 tới, chúng tôi sẽ khai trương trung tâm thương mại thứ hai tại Bình Dương.

Đó là ở phía Nam. Ở phía Bắc thì xem ra AEON Mall vẫn là một thương hiệu khá mới mẻ...

Như tôi đã nói, trung tâm thương mại của chúng tôi ở Tân Phú đã có 1 triệu người đến tham quan, mua sắm kể từ khi khai trương. Trung tâm thứ hai tại Bình Dương cũng sắp khai trương, tới đây sẽ mở thêm trung tâm thứ ba.

Tất nhiên, tại Hà Nội có thể chưa nhiều người biết đến AEON Mall, nhưng chúng tôi tin rằng khi đặt chân tới, thì cũng sẽ thành công như Celadon Tân Phú. 

Vì một lý do là bên cạnh việc quảng bá trên phương tiện truyền thông, chúng tôi cũng sẽ làm thật tốt nhất để người dân Việt Nam sẽ tự đánh giá và “truyền miệng” giới thiệu cho nhau.

Theo Từ Nguyên

Vneconomy

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *