Doanh nghiệp 07/01/2016 07:53

99% doanh nghiệp nhỏ không có nhu cầu lớn

Ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang có xu hướng phát triển không ổn định, không dài hạn. Các DN gia nhập thị trường nhanh nhưng rời khỏi thị trường cũng rất nhanh và mạnh. Có tới 99% DNNVV không có nhu cầu trở thành lớn hơn.

Đó là nhận định của ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV đưa ra tại cuộc họp về kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức ngày 6/1.

Theo báo cáo của Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), cả nước hiện có tổng số 535.000 DNNVV hoạt động, chiếm hơn 50% vốn đầu tư phân theo khu vực DN, đóng góp trên 40% vào GDP, 30% vào thu ngân sách và giải quyết gần 60% việc làm cho người lao động.

Số doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam ngày càng muốn giữ quy mô và không muốn phát triển mở rộng thành các doanh nghiệp lớn hơn
Số doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam ngày càng muốn giữ quy mô và không muốn phát triển mở rộng thành các doanh nghiệp lớn hơn
 

Trong 5 năm qua có 380.00 DNNVV được thành lập, vượt 30.000 doanh nghiệp (DN) so với mục tiêu đề ra là 350.000 DN. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ KH&ĐT đưa mục tiêu thành lập mới 450.000 doanh nghiệp, nâng con số DNNVV còn hoạt động đến năm 2020 là khoảng 700.000 DN.

Tuy nhiên, Cục phát triển DN thừa nhận, ở khu vực DNNVV đang có xu hướng phát triển không ổn định, không dài hạn. Các DN gia nhập thị trường nhanh nhưng rời khỏi thị trường cũng rất nhanh và mạnh.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho hay: "Có tới 99% DNNVV không có nhu cầu trở thành lớn hơn, họ chỉ cần chính sách ổn định để phát triển bền vững"

Ông Nam nêu lý do: 5 năm 2010 - 2015, có nhiều chính sách được đưa ra như hỗ trợ vốn, giải phóng mặt bằng đất đai, xúc tiến thương mại... Tuy nhiên, các DNNVV dường như không được thụ hưởng.

"Bộ ngành nào cũng có chính sách hỗ trợ, nhưng thiếu quy trình chuẩn về đối tượng tiếp nhận, cách thức hỗ trợ và tính thực tế của chính sách từ Bộ ngành đến địa phương. Đôi khi chính sách của Bộ, ngành đưa ra hợp lý nhưng về địa phương không áp dụng được hoặc sai lệch khiến chính sách chỉ mang tính “hỗ trợ trên giấy”...", ông Nam nhận định.

Đánh giá về vấn đề này, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói: Các chính sách khá chung chung và dường như chưa có chương trình cụ thể để tìm hiểu những khó khăn của DNNVV, xem họ khó ở đâu mà không thể phát triển trên quy mô lớn được. Cho dù chúng ta có hàng loạt chương trình như xúc tiến thương mại, đổi mới công nghệ, hỗ trợ vốn... Nhưng không trúng, không đúng thì không phát huy hiệu quả.

Trước đó tại Hội nghị phát triển DN nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức tháng 10/20015, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu thực trạng: Tại Việt Nam, số DN lớn hiện chỉ chiếm 2%, DN cỡ vừa vừa cũng chỉ dưới 10%, còn lại là các DN nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình. Trong khi các DNNVV teo tóp đi, không chịu lớn lên thì hội nhập đang khiến thị trường Việt Nam trở thành sân chơi của nước ngoài, của DN ngoại. Không thể chỉ dựa vào 2% DN lớn để cạnh tranh được. Vì vậy, cần có giải pháp đưa DN Việt thoát kiếp “nhỏ” cả về quy mô lẫn năng lực cạnh tranh để tránh hố đen “hội nhập” mang lại.

Đồng tình với thực tế trên nhiều chuyên gia tại hội nghị khẳng định: Những chính sách đối với DNNVV cần sát thực tế trên cơ sở lắng nghe nguyện vọng của DN. Cần sàng lọc, tránh dàn trải trong hỗ trợ; nhấn mạnh vào hỗ trợ vốn, quản trị vốn và lãi suất vì đây là khâu yếu nhất của DN Việt Nam. Vai trò liên kết của hiệp hội, các DN lớn cũng cần được đẩy mạnh để hình thành những sợi dây liên kết giữa các DN cùng ngành, lĩnh vực với nhau, tăng cường khả năng cạnh tranh và sức mạnh thị trường.

Nguyễn Tuyền

 
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *