Doanh nghiệp 14/03/2015 07:29

“Sóng” MobiFone có làm nên chuyện?

Thông tin MobiFone chuẩn bị IPO trong năm 2015 đã dành được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Nhà đầu tư trông đợi gì từ cổ phiếu của nhà mạng lớn thứ hai tại thị trường Việt Nam?

 

Hiện MobiFone đang là DN viễn thông có thị phần lớn thứ hai ở VN, chỉ sau Viettel. Sau khi tách ra khỏi VNPT, mới đây MobiFone đã được Thủ tướng cho phép nâng tầm lên trở thành TCty Viễn thôngMobiFone. Vốn điều lệ của Cty đang ở mức 12.600 tỉ đồng và sẽ tăng lên 15.000 tỉ đồng vào cuối năm 2015.

Lợi thế của nhà mạng lớn thứ 2

Kết quả kinh doanh của MobiFone có nhiều dấu ấn đặc biệt. Năm 2014 doanh thu của Mobifone là 36.605 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước 7.300 tỷ đồng - tăng 5,2%. Số thuê bao của nhà mạng này hiện đạt 40,2 triệu, trong đó riêng năm 2014 tăng thêm một triệu số.  Năm 2013, Mobifone ghi nhận doanh thu lên đến 41.000 tỉ đồng và lợi nhuận ròng 6.000 tỉ đồng. Nếu được niêm yết trên TTCK, MobiFone sẽ trở thành một trong những mã cổ phiếu blue-chip trụ cột của thị trường bên cạnh các cổ phiếu mà các quỹ đầu tư muốn sở hữu trong danh mục đầu tư. Với kế hoạch tái cấu trúc và hỗ trợ mà Chính phủ đang tiến hành đối với các DNNN trong lĩnh vực viễn thông thì đến năm 2020, “kiềng ba chân” MobiFone - Vinaphone - Viettel dự kiến sẽ chiếm đến 90% thị phần cung cấp các dịch vụ viễn thông di động VN, một thị trường béo bở mà chỉ riêng trong năm 2014 tổng doanh thu của 3 đại gia này đạt 330 ngàn tỷ đồng.

Thực tế, chủ trương CPH một Cty viễn thông lớn thứ hai Việt Nam - MobiFone có từ 2005 và giới đầu tư đã khao khát được sở hữu cổ phiếu này. Ngay từ thời kỳ đầu, rất nhiều tập đoàn tài chính, ngân hàng nước ngoài đã nhảy vào nộp hồ sơ để tư vấn CPH. MobiFone khi đó được đánh giá khoảng 2 tỷ USD. Cho đến nay, Cty Chứng khoán trong nước đã định giá MobiFone vào khoảng  gần 4 tỉ USD, với kỳ vọng khi có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, theo đó MobiFone sẽ đấu giá thành công lần đầu khi IPO đồng thời hút vốn của nhà đầu tư và giúp DN này cải thiện được hiệu quả hoạt động sau CPH.

Tuy nhiên theo một vài nguồn tin, tính đến nay đã có vài  DN lớn ở Châu Âu và Châu Á quan tâm đến thương vụ IPO của MobiFone như Tập đoàn Telenor của Na Uy (DN này đã được cấp phép cung cấp dịch vụ di động ở Myanmar vào năm ngoái) và Tập đoàn Comviq của Thụy Điển. Ngoài ra, còn có các nhà đầu tư tiềm năng như Singapore Telecommunications, Bharti Airtel (Ấn Độ), France Telecom (Pháp),Tập đoàn KDDI (Nhật).

Có thể nói, từ việc nhanh chóng tiến đến IPO và tận dụng “room” dành cho nhà đầu tư nước ngoài, sẽ rất rộng cửa với MobiFone. Tất nhiên, lợi thế đó không chỉ dành riêng cho MobiFone.

Sự hỗ trợ từ TTCK

Tốc độ tăng trưởng của thị trường di động VN cho giai đoạn 2014 - 2018 sẽ chỉ  rơi vào khoảng 2%/năm với số lượng thuê bao di động.

Mặt khác, TTCK thời gian mang đến một lợi thế cho nhà đầu tư. Theo đánh giá của các nhà phân tích, sự đi xuống của thị trường trong thời gian gần đây đã kéo chỉ số P/E của VN-Index xuống mức rất thấp, dưới 13 lần, hấp dẫn hơn rất nhiều so với P/E của một số TTCK như Thái Lan, Philippines, Indonesia (hiện đang dao động từ 16 - 23 lần).

Theo ông Dominic Scriven - Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư DargonCapital, đối với khối ngoại, sự xuất hiện của các cổ phiếu lớn như MobiFone rất có ý nghĩa dù thị trường chuyển dịch không hưng phấn. Bên cạnh đó, hiện các cổ phiếu blue - chips hàng đầu như Vinamilk đều đã hết room, cổ phiếu khủng như GAS thì Nhà nước vẫn nắm giữ tỷ lệ lớn. Các quỹ có quy mô một vài trăm triệu USD thực sự khó tìm kiếm cổ phiếu có sức nặng để đầu tư.

Một lãnh đạo của nhà mạng chia sẻ, chúng tôi đã thấy những trường hợp chọn thời điểm IPO đem lại giá cao có những hệ quả ra sao và không muốn giống như họ. Vietcombank , BIDV là một ví dụ. Cho đến thời điểm này trên OTC giá cổ phiếu MobiFone không có giao dịch và mức định giá cổ phiếu này vẫn chưa được tiết lộ. Còn trên thị trường, nhiều thông tin dự đoán mức giá IPO của MobiFone có thể dưới 100.000đ/CP.

Với các nhà đầu tư nước ngoài, viễn thông là một trong các ngành hấp dẫn nhất nhưng theo cam kết WTO ở lĩnh vực dịch vụ viễn thông cơ bản, bên nước ngoài chỉ được phép đầu tư dưới hình thức liên doanh với nhà khai thác VN đã được cấp phép, vốn góp tối đa 49% vốn pháp định của liên doanh. Điều này đồng nghĩa với việc, để thâm nhập vào thị trường hơn 90 triệu dân với số lượng thuê bao cao hơn nhiều con số đó, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn cách mua cổ phần của các DN trong nước.

Những lý do thận trọng của nhà đầu tư

Tuy nhiên, với góc nhìn hoàn toàn khác, một chuyên gia trong ngành công nghệ phân tích mọi chuyện không hẳn là màu hồng đối với  bất kỳ DN nào nói chung và Mobifone nói riêng. Trong những năm gần đây, thị trường viễn thông VN đã tăng trưởng quá nhanh và hiện đang ở gần mức bão hòa, tức đang bước vào giai đoạn trưởng thành và vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt.

 

Theo hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI), tốc độ tăng trưởng của thị trường di động VN cho giai đoạn 2014 - 2018 sẽ chỉ  rơi vào khoảng 2%/năm với số lượng thuê bao di động. Cho đến cuối năm 2018 sẽ đạt khoảng 159,6 triệu thuê bao, tức tăng khá chậm so với con số khoảng 142 triệu đạt được vào cuối năm 2014. Thị trường giai đoạn này không còn tăng trưởng nóng và bước vào chu kỳ tăng trưởng chậm. Do vậy, chiến lược IPO lúc này của MobiFone cần phải cân nhắc thận trọng…

 

 Dựa vào thời điểm MobiFone IPO, BMI cũng đưa ra những dự  báo, doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao di động (ARPU) sẽ tiếp tục sụt giảm trong 5 năm tới từ mức khoảng 4 USD năm nay xuống còn 3,3 USD vào năm 2018. Do đó, đối với giới đầu tư, họ sẽ có lý do để thận trọng trong việc quyết định có tham gia vào đợt IPO sắp tới của MobiFone hay không?

 

Anh Nguyễn Hồng Vinh - Chuyên viên phân tích Cty Chứng khoán Vietcombank phân tích, Viettel mới đây tiết lộ sẽ dành ít nhất 800 triệu USD để hợp tác với một DN ở Myanmar. Trước đó, Vietel đã tích cực khai phá các thị trường ở bên ngoài như Campuchia, Lào, các quốc gia ở Nam Mỹ và Châu Phi.

 

Rõ ràng, trong khi tình hình kinh doanh thị trường trong nước đang trở nên khó khăn hơn thì động thái bắt cá lớn xa bờ đang mang lại thành công nhất định không chỉ về doanh thu mà còn về kinh nghiệm lẫn thương hiệu cho Viettel. Trong khi những tham vọng này với một doanh nghiệp lớn như MobiFone lại hầu như không có động tĩnh gì…

 

Thậm chí, ngoài việc phải cạnh tranh với các đối thủ trong ngành, hiện MobiFone cũng như các Cty viễn thông khác đang gặp thách thức từ những ứng dụng tin nhắn miễn phí như Viber, WhatsApp, Zalo, Tango… Thách thức cho MobiFone còn đến từ các hiệp định kinh tế thương mại mà VN đang đàm phán. Trong nội dung đàm phán của Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên  Thái Bình Dương (TPP), các quốc gia khác đang đòi hỏi chúng ta phải tạo điều kiện để DN nước ngoài được cạnh tranh bình đẳng với các DN viễn thông trong nước.

 
 
Theo Hà Phương
Diễn đàn doanh nghiệp
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *