Doanh nghiệp 10/12/2015 10:36

“Ở ké” theo kiểu Uber, Grab ngấm ngầm hoạt động ở Việt Nam

Không chỉ riêng lĩnh vực giao thông vận tải, kinh doanh kiểu Uber, Grab hiện đang trở thành một trào lưu hot và lan rộng sang các lĩnh vực khác như khách sạn, đặt tour, cho thuê nhà "ở ké",...

Giống như Uber và Grab, "ở ké" sử dụng công nghệ thông tin làm môi trường kinh doanh, nơi đó khách hàng có thể tìm thấy hàng trăm, nghìn căn nhà, phòng thuê ở vị trí mình đến với giá cả và tiện nghi lý tưởng. Đối với chủ nhà, ứng dụng này được coi là "kho hàng" di động, họ tải các thông tin căn nhà, hình ảnh, khai báo thiết bị sẵn có, giao dịch trực tiếp giá cả với khách thuê.

Theo các nhà kinh tế, đây là một trong những mô hình kinh doanh "kinh tế sẻ chia", được nhiều người sử dụng ở các nước phát triển. Tuy vậy, ứng dụng của nó vẫn đang còn gây nhiều tranh cãi. Đặc điểm của mô hình này có khác biệt so với Uber và Grab là nó tạo một kho hàng trực tuyến đồ sộ trên mạng xã hội do nhà sáng chế tự lập ra, khách chỉ cần đăng nhập tài khoản và thực hiện các thao tác lựa chọn.

Để lấy lòng người dùng, ứng dụng này tôn trọng tối đa tính cộng đồng hóa khi có sự tương tác rất lớn với cộng đồng người thuê với nhau. Mỗi lần thuê xong, khách hàng được thoải mái đánh giá, bình luận về sự hài lòng hay phàn nàn ngay trên ứng dụng, các phản hồi này sẽ được công khai để những người sử dụng sau được biết...


Dịch vụ này đang ngấm ngầm phát triển tại Việt Nam, bên cạnh lợi ích theo nhiều chuyên gia, nếu không quản lý sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề xã hội

Dịch vụ này đang ngấm ngầm phát triển tại Việt Nam, bên cạnh lợi ích theo nhiều chuyên gia, nếu không quản lý sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề xã hội

Theo tìm hiểu của PV, "ở ké" dù mới vào Việt Nam từ tháng 1/2015 nhưng đến nay bùng nổ rất nhanh và chưa được quản lý. Sau khi đăng nhập, PV tìm kiếm địa điểm từ khóa: “Việt Nam”, “mọi loại nhà cho thuê” (chung cư, biệt thự, nhà ở riêng, nhà ở nhiều người), ứng dụng này cho ra hơn 300 kết quả, có hiện rõ căn nhà, tên và địa chỉ liên hệ và hình thức giao dịch...

Các địa điểm du lịch nổi tiếng, tỉnh thành lớn của Việt Nam như Tp HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc... đều đã có mặt trên ứng dụng này. Ngoài đối tượng cho thuê chủ yếu là người có nhà không ở, hoặc ở ít, thì có cả chủ các khách sạn, nhà nghỉ, khu biệt thự sử dụng ứng dụng này để đón khách.

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, mô hình kinh doanh “ở ké” cho cá nhân tận dụng không gian trống, nhà ở không sử dụng để kinh doanh. Đây là hình thức không khác biệt so với kiểu “thâm canh”, “tăng vụ”, “gối vụ” của bà con nông dân, giúp người có tài sản được sử dụng nhà để làm ăn, kinh doanh. Tuy nhiên, điều cần làm là phải đưa ra các chế tài quản lý để hình thức này hoạt động dưới lằn ranh luật pháp.

Ông Võ nói thêm, hiện không có căn cứ xác minh trên phần mềm ai là chủ căn hộ, hiện trạng sử dụng căn hộ chỉ dựa trên đánh giá bằng hình ảnh, lịch sử giao dịch, chứng minh thư và mã số... Các Giao dịch chủ yếu do cá nhân với nhau nên không hóa đơn, chứng từ hợp đồng, chỉ bằng giao dịch qua điện tử - mã số nên rất phức tạp khi có tranh chấp, khiếu nại xảy ra.

 

Rủi ro của chủ căn hộ là khách “ở ké” không dùng để ở mà sử dụng mục đích phi pháp như: mại dâm, tự sát hay tự thiêu… Tại Anh, từng có khiếu nại về trường hợp hỏa hoạn do tự thiêu xảy ra tại một căn hộ chung cư nhiều người, khiến ảnh hưởng an toàn, anh ninh của cộng đồng. Rủi ro đối với khách hàng chính là sản phẩm lỗi không đúng với thông báo hay thuê phòng, nhà ở nhưng có thể bị đặt máy quay trộm, ảnh hưởng đến đời tư hay phòng đó không phải là chính chủ mà phòng phòng đi mượn lại, hoặc người khác cho thuê... nên xảy ra vấn đề, thiệt hại sẽ thuộc về khách hàng.

Về luật pháp, đây là dịch vụ gia trị gia tăng có thu nhưng không đăng ký thành lập doanh nghiệp và đăng ký khai thác dịch vụ tại Việt Nam, điều này khiến nhà nước thất thu thuế. Bên cạnh đó, “ở ké” đang bị cáo buộc chiếm dụng khách hàng của các khách sạn, nhà nghỉ và các khu resort, khiến nhiều hãng lữ hành, ngành du lịch nhiều nước lên án, tẩy chay.

Được biết, trên thế giới, mặc dù kiểu dịch vụ kinh doanh ứng dụng công nghệ kết nối trực tuyến này vấp phải sự phản đối ở nhiều quốc gia như Berlin (Đức), Barcelona (Tây Ban Nha),...song theo dự báo của tờ The Economist, với đà tăng trưởng như hiện nay thì loại hình kinh doanh này sẽ chiếm 10% thu nhập của ngành khách sạn.

Nguyễn Tuyền

 
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *