Doanh nghiệp 10/12/2015 10:24

"Cha đẻ" Flappy Bird tự nguyện nộp thuế 1,4 tỷ đồng

Đại diện ngành thuế cho biết, hiện anh Nguyễn Hà Đông - "cha đẻ" Flappy Bird đã tự nguyện kê khai nộp thuế với số tiền tạm nộp khoảng 1,4 tỷ đồng. Cơ quan thuế đang trao đổi với các bộ ngành để xác định rõ về loại hình kinh doanh này.

Góp ý kiến tại một hội thảo về thuế diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Hánh, Phó Vụ trưởng - Phó trưởng Ban Cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế đánh giá, hoạt động mua sắm trực tuyến đang dần thành thói quen của đông đảo người tiêu dùng Việt.

Thay vì bán hàng hóa theo phương thức truyền thống thì hàng hóa được bán qua sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT). Kinh doanh dịch vụ được thực hiện trên nền tảng công nghệ như: Google, Facebook, Uber, Easy taxi… Chính điều này đang tạo ra thách thức không hề nhỏ đối với công tác quản lý thu thuế nảy sinh trong nền kinh tế số, đặc biệt đối với thu thuế giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp các tổ chức, cá nhân kinh doanh không hiện diện tại Việt Nam.

Quảng cáo mặt hàng thời trang của một tài khoản mạng xã hội Facebook (ảnh minh họa)
Quảng cáo mặt hàng thời trang của một tài khoản mạng xã hội Facebook (ảnh minh họa)
 

Bà Hánh cho hay, về cơ bản, các doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh và nộp thuế nhưng đa số cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh qua mạng vẫn chưa tự giác trong nghĩa vụ thuế.

Theo lý giải của bà Hánh, do toàn bộ quy trình kinh doanh diễn ra thông qua thiết bị điện tử được kết nối Internet nên nhiều chủ tài khoản mạng xã hội (Facebook, Google…) dễ dàng ẩn danh hoặc để nặc danh. Việc bán hàng không nhất thiết cần cửa hàng nên rất khó quản lý và thu thuế các các nhân kinh doanh. Bà Hánh cho rằng, để làm được điều này cần sự vào cuộc và phối hợp của các bộ ban ngành liên quan.

Hơn nữa, kể cả với những doanh nghiệp đã đăng ký thuế thì để quản lý việc kê khai đầy đủ và điều tra, kiểm soát doanh thu các đối tượng này rất khó khăn, bởi giao dịch qua TMĐT rất dễ xóa bỏ dấu vết, khó có thể truy tìm.

Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng Ban cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế chia sẻ, chỉ cần cơ quan thuế chậm một bước thì người kinh doanh đã có thể xóa dữ liệu và nhất là khi những dữ liệu này đăng tải trên mạng xã hội hoặc có máy chủ đặt ở nước ngoài. Vấn đề này được ông Tiến cho biết, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới cũng “đau đầu”.

Ông Tiến dẫn ví dụ về một cá nhân kinh doanh tiền ảo, chỉ trong một thời gian ngắn đã thu về gần 170 tỷ đồng. Đã có ý kiến yêu cầu truy tố, nhưng ông Tiến cho rằng không nên hình sự hóa mà ngược lại cần phải ưu tiên phát triển hoạt động này. Với một đất nước trẻ với hơn 40% người sử dụng Internet, tiềm năng phát triển thương mại trực tuyến là rất lớn.

Người dân được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm nhưng vấn đề là thu thuế như thế nào khi nền tảng pháp lý chưa công nhận tiền kỹ thuật số. Ngành thuế gặp khó khăn song ông Tiến cho rằng, không thể không quản lý.

Trường hợp Nguyễn Hà Đông - cha đẻ Flappy Bird là một điển hình. Theo đại diện ngành thuế, hiện anh Đông đã tự nguyện kê khai nộp thuế với số tiền tạm nộp khoảng 1,4 tỷ đồng. Cơ quan thuế đang trao đổi với các bộ ngành để xác định rõ về loại hình kinh doanh này.

Mặc dù thời gian qua, về chính sách, khung khổ pháp luật đã có những thuận lợi hơn trước trong công tác quản lý, song ông Tiến cũng thừa nhận nhân lực là một bài toàn khó. Theo đó, quản lý thuế trong môi trường kinh doanh số yêu cầu cần có ngoại ngữ, am hiểu công nghệ thông tin, quyết tâm và thời gian vì loại hình này khác loại hình giao dịch khác.

Ông Tiến chia sẻ thêm, với nguồn lực hiện nay, ngành thuế không rà soát hết được dữ liệu các máy chủ, không quản lý hết được mà chờ các cá nhận “tự khai, tự tính, tự nộp”, nếu thanh tra phát hiện gian lận sẽ phạt nặng. Tuy vậy về ý thức nộp thuế, theo ông Tiến, ngay cả doanh nghiệp lớn cũng chưa có ý thức và đây là một “vấn đề toàn cầu”.

Bích Diệp

 
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *