Doanh nghiệp giới thiệu 05/06/2014 08:39

Microsoft: Các phần mềm độc hại gây tổn thất hàng trăm tỷ USD

Ngày 30/5, Microsoft chính thức công bố kết quả nghiên cứu về sự xâm nhập mã độc và những tổn thất lớn do chúng gây ra khi người dùng sử dụng phần mềm không có bản quyền.

Phía Microsoft cho biết, những máy tính không có phần mềm bản quyền có khả năng nhiễm ma độc rất cao.
 
Nghiên cứu này được Microsoft ủy quyền cho IDC phối hợp vơi Trường Đại học Quốc gia Singapore thực hiện tại 11 quốc gia trên toàn cầu, khảo sát 1.700 người (trong đó có 807 người đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương). 

Kết quả cho thấy Chính phủ các nước tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương bày tỏ sự lo lắng của mình tập trung vào các vấn đề chính bao gồm sự xâm nhập trái phép vào thông tin bí mật cấp quốc gia (57%), các cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng trọng yếu (56%) và đánh cắp bí mật thương mại, các thông tin cạnh tranh.

Ước tính, khối Chính phủ toàn cầu mất hơn 50 tỷ USD để giải quyết thiệt hại và đối phó với tình trạng mã độc tràn lan trên các phần mềm không bản quyền.

Với khối doanh nghiệp tại châu Á-Thái Bình Dương, con số này được ước tính lên tới gần 230 tỷ USD trong năm 2014 để đối phó với các rủi ro gây nên bởi các phần mềm độc hại được cài đặt có chủ ý trên các chương trình không bản quyền. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng được dự đoán sẽ phải gánh khoản chi phí lên tới 11 tỷ USD.

Các đơn vị nghiên cứu cũng mua 203 máy tính nhưng đã bị cài đặt phần mềm không bản quyền. Kết quả cho thấy 61% máy tính đã bị xâm nhập bởi các phần mềm độc hại bao gồm các mã độc Trojan, sâu máy tính, virus...

“Tội phạm mạng đang tận dụng cơ hội từ các chuỗi cung ứng không an toàn để phát tán phần mềm độc hại khiến người dùng phải đối mặt với những tổn thất lớn về tài chính khi máy tính bị xâm nhập bất hợp pháp.
 
Nghiên cứu này là một hồi chuông cảnh báo thiết thực giúp người dùng nâng cao nhận thức về bảo mật máy tính, tránh trở thành những nạn nhân tiếp theo của tội phạm mạng,” bà Rebecca Ho, Giám đốc về sở hữu trí tuệ, Microsoft Đông Nam Á chia sẻ.

Ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính (Bộ Thông tin và Truyền thông) thì cho hay, thời gian qua cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều giải pháp, tạo môi trường pháp lý để bảo đảm an toàn thông tin.
 
Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy là chưa đủ nếu như không có sự chung tay của người sử dụng cũng như các doanh nghiệp, tổ chức; trong đó, việc thay đổi thói quen dùng sang phần mềm có bản quyền là quan trọng để hạn chế sự tấn công của tin tặc.
 
Theo Vietnam+

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *