Chứng Khoán 04/09/2014 17:08

VN-Index đảo chiều sau chuỗi tăng "nóng"

FICA - Áp lực chốt lời sau chuỗi tăng nóng vừa qua đã khiến hơn 200 mã giảm giá. Mặc dù vậy, dòng tiền vẫn đổ mạnh hơn 4.000 tỷ đồng vào thị trường.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/9, với 121 mã giảm điểm so với 97 mã tăng, VN-Index buộc phải "khuất phục" trước áp lực chốt lời, giảm 0,53 điểm tương ứng 0,08% còn 640,22 điểm. Nhiều bluechips mất giá cũng đã khiến VN30-Index mất 0,31 điểm tương ứng 0,05%.

Trong khi đó, bất chấp việc có 113 mã giảm giá và chỉ có 79 mã tăng, HNX-Index vẫn tăng 0,17 điểm tương ứng 0,19% lên 87,5 điểm.

Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan là dòng tiền vẫn đổ rất mạnh vào thị trường. Đến thời điểm chốt phiên, đã có xấp xỉ 3.000 tỷ đồng chảy vào HoSE khi 163,4 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng trên sàn này. HNX thu hút 1.035,4 tỷ đồng với 83,7 triệu cổ phiếu giao dịch.

Phiên này, VIC, BID, BVH, VNM mất giá, GAS và MSN đứng tham chiếu. Nhiều cổ phiếu thanh khoản cao cũng không đạt được mức tăng như mong muốn. FLC khớp 11,7 triệu cổ phiếu, giảm giá 200 đồng, ITA khớp 10,9 triệu cổ phiếu, đứng tham chiếu. KSS, HQC, SAM, SSI, PVT, OGC đỏ sàn.

Ngược lại, KBC lại tăng giá mạnh 600 đồng, khớp lệnh 2,9 triệu cổ phiếu. Mã này còn được thỏa thuận rất mạnh, đạt 5,83 triệu cổ phiếu và thỏa thuận tại mức giá trần, xấp xỉ 100 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, các cổ phiếu PVX và KLF lần lượt khớp lệnh 13 triệu cổ phiếu và 12,1 triệu cổ phiếu song PVX chỉ đứng giá còn KLF giảm giá.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng phiên thứ 4 liên tiếp trên HoSE, song khối lượng ròng đã thu hẹp so với hai phiên trước, đạt 3,64 triệu cổ phiếu tương ứng 155,64 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào khối lượng mua và khối lượng bán thì sự can thiệp của khối ngoại vẫn rất mạnh. 12,8 triệu cổ phiếu đã được mua vào và bán ra 9,16 triệu đơn vị.

Phiên này, khối ngoại mua ròng mạnh cổ phiếu VIC (hơn 1 triệu đơn vị), VCB và HAG (hơn 900 nghìn đơn vị); HT1, KBC, STB, VNE... ngược lại bán ròng đáng kể tại AVF, PVT, PET...

Trong khi đó, sau hai phiên mua ròng, khối ngoại trở lại bán ròng trên HNX với khối lượng bán ròng trên 1 triệu cổ phiếu tương ứng 15,35 tỷ đồng. Trong khi SHB, HOM, VND, AAA, PVC bị bán ròng mạnh thì không có mã nào được mua ròng đáng kể.

Theo kết quả mới công bố của HSBC, mặc dù tình hình sản xuất vẫn ở mức tích cực (trên 50 điểm) nhưng đà tăng hiện đã chững lại khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong 4 tháng gần đây có sự sụt giảm. Chỉ số này đã quay về mốc 50,3 điểm, tương tự như hồi tháng 11/2013. 

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, mặc dù sản lượng chỉ giảm nhẹ trong tháng nhưng chỉ số đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu đều giảm về thấp dưới 50 điểm. Điều này cho thấy sự thu hẹp của cả nhu cầu nội địa và nước ngoài.

Giá đầu vào vẫn tiếp tục tăng theo khảo sát của HSBC trong khi lạm phát tháng 8 chỉ tăng nhẹ. Xu hướng tăng giá đầu vào chủ yếu do giá nguyên liệu tăng mạnh và áp lực từ sự gia tăng chi phí vận chuyển cùng với việc siết chặt trọng tải vận chuyển cũng như việc tăng giá cước hồi tháng 6.

Hàng tồn kho vì vậy cũng được báo cáo tăng trong lần cập nhật mới nhất. 

Đặc biệt, HSBC cho biết đà tăng giá đầu vào hiện đã chững lại, theo Rồng Việt, áp lực tăng giá đầu vào trong các tháng cuối năm sẽ không quá lớn khi mà giá xăng hiện đã có 3 lần điều chỉnh trong tháng 8 vừa qua với mức giảm lên đến 6,2%. Trong khi đó, cước phí vận tải đã dần phản ánh vào giá, doanh nghiệp đang dần chuyển một phần chi phí sang người tiêu dùng nên giá đầu ra tiếp tục tăng tháng thứ 3 liên tiếp từ tháng 6 đến nay.

Dù chỉ số PMI đi xuống 4 tháng liên tiếp nhưng Rồng Việt vẫn nhìn nhận khá tích cực đối với xu hướng của các tháng cuối năm. Liên hệ với chỉ số sản xuất công nghiệp, có thể thấy khả năng tình hình sản xuất sẽ giảm nhẹ trong tháng 9 nhưng sau đó sẽ bật tăng trở lại trong 3 tháng cuối năm nhờ xuất khẩu tăng tốc, tăng trưởng tín dụng cao hơn và nhu cầu chi tiêu thường tốt hơn trong quý 4.

Ngoài ra, một thông tin có thể sẽ hỗ trợ sự lạc quan trên thị trường chứng khoán thời gian này là công bố mới nhất của diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy, Việt Nam mới vừa được nâng đến 2 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *