Doanh nghiệp 27/02/2014 14:17

Doanh nghiệp tôm lãi lớn, cá tra đồng loạt báo lỗ

FICA - Doanh nghiệp tôm Minh Phú và Sao Ta báo lãi lớn trong khi doanh nghiệp cá tra như Hùng Vương, Agifish lần đầu tiên báo lỗ. Hàng tồn kho các doanh nghiệp thủy sản đều tăng so với đầu năm.



Xuất khẩu là thị trường chủ yếu của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu thủy sản đạt 6,7 tỷ USD, vượt mục tiêu 6,5 tỷ USD.

Kết quả này có sự đóng góp lớn của ngành tôm với doanh số trên 3,1 tỷ USD, chiếm 46% tổng giá trị xuất khẩu. Trong khi đó, theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), doanh nghiệp cá tra cá tra đã trải qua 1 năm khó khăn do bất ổn nguồn cung, nhu cầu chưa hồi phục và giá không tăng. Xuất khẩu cá tra năm 2013 duy trì mức trên 1,7 tỷ USD, tương đương với năm 2012.

Xuất khẩu cá ngừ, mực bạch tuộc và các mặt hàng hải sản khác trong năm qua liên tục sụt giảm sau khi tăng trưởng khả quan vào năm 2012. Thiếu hụt nguồn nguyên liệu, nhu cầu nhập khẩu giảm do lượng tồn kho tăng, khả năng cạnh tranh yếu hơn về giá, thuế nhập khẩu và áp lực từ rào cản kỹ thuật trên thị trường khiến xuất khẩu hải sản giảm mạnh như cá ngừ giảm 7,2%, mực bạch tuộc giảm 11%...

Tính tới hiện tại, có 3 doanh nghiệp tôm và 10 doanh nghiệp cá tra đều thực hiện niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (Cadovimex chuyển sang niêm yết tại Upcom và Basa hủy niêm yết bắt buộc do 3 năm liên tiếp lỗ).

Điểm lại kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp ngành thủy sản trong quý IV/2013 cũng như năm qua, các doanh nghiệp tôm báo lãi lớn, vượt kế hoạch năm trong khi nhiều doanh nghiệp cá tra lần đầu tiên báo lỗ do chi phí tăng, đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp, dù doanh thu vẫn tăng trưởng tốt. Nhìn chung, các doanh nghiệp thủy sản đều có mức tồn kho tăng mạnh so với đầu năm.

"Vua tôm" Minh Phú (mã MPC) là doanh nghiệp dẫn đầu về giá trị xuất khẩu năm 2013. Cổ phiếu MPC hiện cũng có giá đắt nhất trong các cổ phiếu thủy sản nhưng khối lượng giao dịch ở mức thấp với chỉ trên dưới 10 nghìn đơn vị mỗi phiên.

Quý IV/2013, Minh Phú báo lãi lớn với hơn 133 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 11 lần cùng kỳ 2012 và chiếm hơn 45% lợi nhuận cả năm. Nhờ sự bứt phá quý IV, cả năm 2013, Tập đoàn đạt 294 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 18 lần năm 2012, gần như hoàn thành kế hoạch năm.

Tính đến hết năm 2013, tiền và tương đương tiền của Minh Phú đạt trên 2.000 tỷ đồng, gấp rưỡi đầu năm nhưng phải thu khách hàng và tồn kho cũng tăng.

Đầu năm 2014, Minh Phú đã có quyết định hủy niêm yết để "rộng đường" cho việc tìm cổ đông chiến lược nước ngoài nhằm hoàn thành sớm hơn kế hoạch doanh thu xuất khẩu đạt 1 tỷ USD.

Một doanh nghiệp tôm khác cũng báo lãi lớn trong năm 2013 là Sao Ta (mã FMC) với gần 33 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 5 lần năm 2012 và vượt 78% kế hoạch năm. Tương tự Minh Phú, Sao Ta cũng có quý IV đầy bứt phá với gần 28 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Ngược lại với kết quả khả quan của Minh Phú và Sao Ta, một doanh nghiệp tôm khác Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (mã CMX) đã gây bất ngờ khi cả 4 quý đều báo lãi nhưng cả năm lại lỗ khủng gần 128 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên CMX báo lỗ kể từ khi có số liệu kết quả kinh doanh năm 2007.

Lỗ khủng của CMX do sự khác nhau giữa khoản thu nhập khác do hạch toán khoản vốn góp trong công ty con. Đồng thời, hoạt động kinh doanh của CMX cũng gặp khó khăn khi năm 2013, doanh thu chỉ đạt 60% của năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2007.

Đối với các doanh nghiệp cá tra, Vĩnh Hoàn (mã VHC) là doanh nghiệp đứng đầu về giá trị xuất khẩu và đứng thứ thứ 2 toàn ngành thủy sản.

Quý IV/2013, VHC chỉ đạt 18 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tới hơn 60% so với cùng kỳ 2012. Lũy kế cả năm, Vĩnh Hoàn đạt gần 179 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 23% và chỉ bằng 85% kế hoạch năm.

Doanh thu của VHC tăng trưởng tốt với mức tăng 21% cho cả năm và riêng quý IV là 23%. Tuy nhiên, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và đặc biệt chi phí quản lý doanh nghiệp tăng rất mạnh đã khiến lợi nhuận của VHC giảm.

Hàng tồn kho của Vĩnh Hoàn tới hết năm 2013 tăng thêm gần 100 tỷ đồng.

Hôm nay, Hùng Vương (mã HVG), một doanh nghiệp lớn trong ngành cá tra, cũng thông báo kết quả kinh doanh của công ty mẹ với khoản lỗ 36 tỷ đồng trong quý IV và báo lỗ quý đầu tiên kể từ khi niêm yết.

Tương tự Vĩnh Hoàn, Hùng Vương đạt mức tăng trưởng doanh thu 18% cho quý IV và 17% cho cả năm 2013. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng đã biên lãi gộp giảm mạnh từ mức 9% trong năm 2012 xuống 5% trong năm 2013.

Chi phí bán hàng là nguyên nhân khiến HVG thua lỗ trong quý IV khi tăng gấp 2 lần cùng kỳ 2012, lên tới 104 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, công ty mẹ HVG chỉ đạt chưa tới 9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thua xa con số 271 tỷ đồng năm 2012.

Đáng chú ý là hàng tồn kho của HVG tăng tới 60% lên 2.686 tỷ đồng, với tồn kho thành phẩm tăng gấp đôi so với đầu năm.

Một công ty con của HVG là thủy sản An Giang (Agifish, mã AGF) cũng vừa báo lỗ quý đầu tiên sau 12 năm niêm yết. Lợi nhuận gộp giảm, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần gấp đôi là nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ gân 17 tỷ đồng trong quý IV/2013. Lũy kế cả năm AGF lãi 21 tỷ đồng, giảm 38% so với năm 2012.

Hàng tồn kho tới cuối năm 2013 là gần 850 tỷ đồng, tăng 190 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 30% so với đầu năm.

Nam Việt (mã ANV) đã báo lỗ hơn 23 tỷ đồng trong quý IV/2013, quý lỗ đầu tiên kể từ quý IV/2009. Nguyên nhân gây lỗ là do chi phí quản lý lên tới hơn 42 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ. Vì vậy, lợi nhuận cả năm giảm xuống còn 9,5 tỷ đồng, giảm 72% so với năm 2012. Hàng tồn kho tăng từ 777 tỷ đồng lên 877 tỷ đồng.

Đối với các doannh nghiệp cá tra còn lại, Thủy sản số 4 (mã TS4) đạt 25 tỷ đồng lợi nhuận cho cả năm 2013, tăng 70% so với năm 2012 nhưng chưa hoàn thành kế hoạch năm là 35 tỷ đồng; Thủy sản Mekong (mã AAM) đạt chưa tới 10 tỷ đồng lợi nhuận cho năm 2013, giảm 40% so với năm 2012; Thủy sản Cửu Long An Giang (mã ACL) đạt chưa tới 6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 60%.

Dự báo năm 2014


Đối với xuất khẩu tôm năm 2014, tình hình dịch bệnh chết sớm trên tôm nuôi sẽ được Trung Quốc, Thái Lan và Mexico kiểm soát tốt hơn, nguồn cung tôm được cải thiện; giá có thể giảm. Việt Nam sẽ là nước thứ 3 cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường thế giới, bởi Trung Quốc đang chuyển dần sang trở thành nước nhập khẩu tôm do nhu cầu trong nước gia tăng. VASEP dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm nay vẫn duy trì ở mức cao với hơn 3 tỷ USD

Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, ngành tôm Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với sự thắt chặt kiểm tra chất lượng từ các thị trường nhập khẩu.

Đối với ngành cá tra, Hiệp hội Cá tra Việt Nam dự báo, trong năm 2014, ngành cá tra Việt Nam còn quá nhiều khó khăn cần giải quyết với kịch bản kim ngạch xuất khẩu cá tra cao nhất chỉ đạt 1,75 tỷ USD.

Khó khăn trở ngại lớn nhất của ngành cá năm 2014 là cung cầu không ổn định, chất lượng con giống giảm, giá nguyên liệu thấp hơn giá thành, giá các yếu tố đầu vào (thức ăn, thuốc,…) luôn tăng trong khi đầu ra bất ổn. Mặt khác, việc xem xét về Đạo luật Nông nghiệp Mỹ (Farmbill) có hiệu lực sẽ ảnh hưởng số lượng nhập khẩu cá tra vào thị trường lớn thứ 2 này.

Lam Thanh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *