Chứng Khoán 15/12/2013 18:25

TS Quách Mạnh Hào: Năm 2014 TTCK sẽ khó tăng trưởng như 2013

FICA - Theo TS Quách Mạnh Hào, việc thị trường có tiếp tục phát triển bền vững trong năm 2014 hay là không phụ thuộc vào nền kinh tế và các doanh nghiệp có biến các kì vọng đó thành hiện thực hay không.

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Làm ăn gì năm 2014?” diễn ra mới đây, TS Quách Mạnh Hào Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) đã có một số chia sẻ về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là phát triển nhanh nhất trong khu vực, kết quả này do đâu mà có? Thành tích này liệu có bền vững trong tương lai gần?

Xét về mức độ tăng trưởng các chỉ số chứng khoán thì đúng là thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm tốt đẹp. Sự tăng trưởng đó, chủ yếu dựa trên mặt bằng giá chứng khoán đã quá thấp trước đó trong khi nền tảng của doanh nghiệp không tồi hơn.

Chính sự kì vọng về việc các doanh nghiệp ở thời điểm khó khăn nhất là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường.

Vì lý do này việc thị trường có tiếp tục phát triển bền vững trong năm 2014 hay là không phụ thuộc vào nền kinh tế và các doanh nghiệp có biến các kì vọng đó thành hiện thực hay không. Tôi cho rằng các vấn đề liên quan đến nợ xấu và hệ quả của nó là mấu chốt và điều này thì cần có thời gian để giải quyết mặc dù sự xuất hiện cảu VAMC đã giúp giảm tỉ lệ nợ xấu về mặt kĩ thuật tương đối rõ.

Do vậy, tôi tin năm 2014 sẽ khó có thể đạt được mức tăng trưởng như năm 2013.

Trong 11 tháng 2013, khối ngoại đã bỏ ra mua ròng hàng hóa trên TTCK đạt 9.900 tỉ đồng – giá trị mua cao nhất của khối này từ trước đến nay. Điều đó chứng tỏ khối ngoại đang đánh giá cao kì vọng sinh lời của hàng hóa trên thị trường. Vậy theo ông, ông có dự đoán gì về vốn ngoại của năm sau sẽ ra sao?

Việc vốn ngoại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam là một dấu hiệu tốt cho thấy họ kì vọng tích cực vào thị trường. Tuy nhiên chúng ta cần phải nhớ rằng trước đó, họ cũng rút khá nhiều.

Do vậy, một cách thận trọng chúng ta chỉ nên nghĩ rằng họ đang nhận thấy cơ hội ngắn hạn dành cho những dòng tiền đã được rút trước đó. Nếu để ý kĩ hơn thì các quỹ hoạt động tích cực đều là các quỹ đầu tư mang tính ngắn hạn vào ra nhanh chóng.

Nói như thế để thấy rằng chúng ta đang có điều kiện cần để thu hút vốn nước ngoài nhưng điều kiện đủ vẫn là nền kinh tế phát triển khỏe mạnh.

Từ 2014, có thể có những dấu hiệu nào tốt cho việc đầu tư vào thị trường chứng khoán?

Như tôi đã trả lời trong các câu hỏi trên năm 2014 có thể có những đợt sóng chứng khoán dựa trên kì vọng tích cực của nhà đầu tư và các động thái của Chính phủ trong việc tái cơ cấu nền kinh tế. Do vậy, bác hoàn toàn có thể tin tưởng vào kênh đầu tư này.

Tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh rằng việc chọn đúng cổ phiếu mới là quan trọng. Một số gợi ý cho bác có thể là cổ phiếu của các công ty trong các ngành có hiệu ứng tích cực từ tâm lý kinh tế hồi phục như cổ phiếu ngành năng lượng, bất động sản, đối với đâu tư ngắn hạn và các cổ phiếu ngành tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống đối với đầu tư dài hạn theo nghĩa mục tiêu cổ tức tốt.

Theo ông, có nên đu theo quỹ ETF lướt sóng không?

Tôi đã từng đầu tư chứng khoán và bám thị trường thường xuyên nhưng hiện tại do đặc thù nghề nghiệp tôi chuyên sâu vào lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp nên có rất ít thời gian dành cho đầu tư. Việc đua theo các quỹ ETF cũng là 1 chiến lược hiệu quả bởi bản thân những người quản lý quỹ ETF cũng đã phải sàng lọc trước khi họ đưa ra quyết định.

Tuy nhiên thực tế cho thấy khi chiến lược này trở thành phổ biến theo số đông thì nó cũng không khác gì chiến lược đua theo các đội lái trước đây nghĩa là cơ hội có thể lớn nhưng rủi ro thì rất cao. Nếu bạn thực sự là người có kinh nghiệm bám thị trường hằng ngày thì bạn sẽ cảm nhận rõ khi nào nên vào và khi nào nên ra. Không có chiến lược tồi chỉ có thời điểm tồi mà thôi.

Thị trường tiếp tục thanh lọc người chơi và theo ông xu hướng thanh lọc này đối với các công ty chứng khoán thời gian tới là như thế nào?

Thực ra nói thị trường thanh lọc nhà đầu tư vừa đúng vừa không đúng vì thị trường luôn luôn có các nhà đầu tư mới tham gia thị trường và những nhà đầu tư cũ rời bỏ thị trường. Nhưng có một điều tôi cảm nhận được là trình độ các nhà đầu tư nói chung khác xa so với năm 2007 khi tôi mới về nước làm việc.

Nói như thế để thấy rằng nhà đầu tư của chúng ta đang ngày càng chuyên nghiệp hơn và kinh nghiệm của họ chính là tài sản lớn nhất để họ tham gia vào thị trường một cách thành công hay là không.

Tuy nhiên tôi vẫn nhấn mạnh rằng dù trình độ phát triển đến đâu thì thị trường chứng khoán vẫn luôn là một thị trường của các quyết định dựa trên tâm lý và cảm xúc. Các nhà đầu tư luôn rút ra các bài học nhưng họ cũng sẵn sàng quên các  bài học đó ngay khi cảm xúc xâm lần lí trí.

Cao Minh ghi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *