Chứng Khoán 10/08/2017 09:18

Tin đồn về ông Trần Bắc Hà “thổi bay” 44.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán

Với việc VN-Index giảm sâu gần 18 điểm trong phiên ngày 9/8, quy mô vốn hóa thị trường của sàn TPHCM đã thu hẹp so với phiên trước đó 43.894 tỷ đồng. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, vốn hóa BID “bốc hơi” hơn 7.400 tỷ đồng, bất chấp tin đồn liên quan tới ông Trần Bắc Hà đã bị bác bỏ trên báo chí.

Tin đồn khiến thị trường chứng khoán chao đảo ngày 9/8 (ảnh minh họa: TBTC).
Tin đồn khiến thị trường chứng khoán chao đảo ngày 9/8 (ảnh minh họa: TBTC).

Trong phiên giao dịch ngày 9/8, dưới áp lực bán mạnh, chỉ số hai sàn chứng khoán đều giảm điểm sâu, đáng kể nhất là VN-Index.

Chỉ số này sau những nỗ lực tăng mạnh và đang trong vùng đỉnh 9 năm thì phiên này bất ngờ mất tới gần 18 điểm (2,26%) còn 773,66 điểm. “Thủ phạm” chính được cho là do BID bị “đo sàn” sau tin đồn ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT BIDV bị bắt, từ đó khiến tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn, lây lan sang các mã khác trên thị trường.

Đáng nói là ngay từ trong buổi sáng, ông Hà đã lên tiếng trên báo chí, cho biết ông vẫn “bình thường”. Sau đó, trước phiên giao dịch chiều diễn ra, một lãnh đạo của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cũng đã phủ nhận thông tin nói trên.

Dù vậy, BID sau những “gắng gượng” bất thành đã giảm kịch sàn cho đến khi đóng cửa với mức giá 20.400 đồng, cuối phiên “trắng bên mua”.

Có một chi tiết cần lưu ý là, trong phiên lao dốc hôm qua vẫn có tới gần 10 triệu cổ phiếu BID được giao dịch - khối lượng chuyển nhượng cao nhất tại mã này trong 1 tháng qua. Nói cách khác, với những nhà đầu tư “tỉnh táo” và có mục đích gom mua cổ phiếu BID thì đây là một phiên giao dịch khá thuận lợi.

Hiệu ứng “bán” lây lan trên thị trường khiến tất cả các nhóm ngành đều giảm điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng mất tổng cộng 3,43%; bất động sản mất 2,39%; khai khoáng mất 2,35%; chứng khoán mất 2,14% và thậm chí nhóm ngành thủy sản còn mất tới 5,36%...

Theo thống kê, trên sàn TPHCM (HSX) có tới 201 mã cổ phiếu giảm giá trong phiên này trong khi chỉ có 82 mã tăng. Trên sàn HNX cũng có 149 mã giảm so với 79 mã tăng.

Diễn biến bất lợi nói trên khiến vốn hóa thị trường của sàn HSX “bốc hơi” 43.894 tỷ đồng chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Riêng vốn hóa thị trường của BID cũng sụt giảm tới 7.421 tỷ đồng, về mức 69.742 tỷ đồng. Một số mã cổ phiếu ngân hàng khác như CTG cũng mất hơn 3.100 tỷ đồng vốn hóa, MBB mất gần 1.500 tỷ đồng và VCB mất hơn 2.100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cổ phiếu SAB của Sabeco dù có một số thông tin tích cực liên quan đến tiến độ thoái vốn Nhà nước, song vẫn bị giảm tới 11.000 đồng, tức giảm 4,35% còn 242.000 đồng. Vốn hóa thị trường của mã này cũng giảm tới 7.054 tỷ đồng còn 155.190 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán hôm qua “đỏ lửa” ngay trước thời điểm mở cửa thị trường phái sinh đúng 1 ngày. Thông tin mới nhất từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán đưa ra chiều ngày 9/8 cho thấy, đã có 2.450 tài khoản phái sinh sẵn sàng giao dịch.

Thị trường phái sinh sẽ mở cửa trước thị trường cơ sở 15 phút để phản ánh các thông tin mới qua đêm. Sản phẩm giao dịch đầu tiên sẽ là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index. Hình thức giao dịch cũng tương tự như với cổ phiếu với các phiên mở cửa, khớp lệnh liên tục, đóng cửa cũng như các lệnh hiện tại đang áp dụng.

Trong ngày 9/8, các chỉ số thị trường chứng khoán châu Á cũng đồng loạt giảm. Tuy nhiên, nguyên nhân được cho là đến từ những mối lo ngại của giới đầu tư về tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 giảm 257,3 điểm tương ứng giảm 1,29%; Topix Index giảm 17,42 điểm tương ứng 1,07%; Hang Seng Index giảm 97,82 điểm tương ứng 0,35%...

Bích Diệp

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *