Chứng Khoán 13/08/2020 08:48

Thoát tình trạng “lỗ nghìn tỷ”, Petrolimex lại sắp thu tiền lớn từ cổ phiếu

Lãi của Petrolimex trong quý 2 “bốc hơi” phân nửa so với cùng kỳ nhưng đã cải thiện mạnh so với lỗ kỷ lục gần 1.900 tỷ đồng hồi quý 1. Tập đoàn này liên tục bán cổ phiếu quỹ, thu hàng trăm tỷ đồng.

Cổ phiếu PLX liên tục tăng giá

Trong phiên giao dịch ngày 12/8, cổ phiếu PLX và Petrolimex tiếp tục tăng phiên thứ 3 liên tiếp, tăng 1,75% lên 46.500 đồng/cổ phiếu. Mã này đã tăng gần 4,5% trong 1 tuần giao dịch và không hề giảm giá trong vòng 5 phiên liền.

Thoát tình trạng “lỗ nghìn tỷ”, Petrolimex lại sắp thu tiền lớn từ cổ phiếu - 1

Petrolimex có thể thu về cả nghìn tỷ đồng nhờ bán cổ phiếu quỹ (ảnh: VGP)

Tập đoàn xăng dầu lớn nhất nước vừa công bố thông tin về kế hoạch bán tiếp 13 triệu cổ phiếu quỹ để giảm lượng cổ phiếu quỹ nắm giữ xuống 75 triệu đơn vị. Tạm tính theo thị giá PLX hiện tại thì Petrolimex có thể thu về 600 tỷ đồng tiền mặt.

Trước đó, tập đoàn này cũng đã bán ra 15 triệu cổ phiếu quỹ và thu về 680 tỷ đồng trong khoảng thời gian 16/6 đến 15/7 để bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh, đầu tư phát triển.

Theo báo cáo tài chính được Petrolimex cung cấp, trong quý 2/2020, Petrolimex không tránh khỏi ảnh hưởng của Petrolimex khiến doanh thu thuần giảm tới 46,3% so với cùng kỳ, đạt 26.709 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế đạt 791 tỷ đồng, giảm 51,3% so với cùng kỳ và lãi ròng (lãi sau thuế thuộc về công ty mẹ) đạt 677 tỷ đồng, giảm 42,7%.

Luỹ kế 6 tháng, Petrolimex đạt doanh thu thuần 65.187 tỷ đồng, giảm 28,9% so với nửa đầu năm 2019 và ghi nhận lỗ trước thuế 911 tỷ đồng, lỗ ròng 1.216 tỷ đồng so với các con số của cùng kỳ là 3.191 tỷ đồng lãi trước thuế và lãi ròng 2.382 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, nhìn ở khía cạnh tích cực thì Petrolimex đã cải thiện đáng kể hoạt động kinh doanh so với 3 tháng đầu năm. Tập đoàn này đã có lãi trở lại dù quý đầu năm lỗ kỷ lục 1.893 tỷ đồng.

Thoát tình trạng “lỗ nghìn tỷ”, Petrolimex lại sắp thu tiền lớn từ cổ phiếu - 2

(Đơn vị: tỷ đồng / Nguồn: BCTC)

Chứng khoán bật nhẹ cuối phiên

Rung lắc, giằng co vẫn là trạng thái chủ đạo của thị trường chứng khoán trong phiên 12/8. Mặc dù vậy, điểm tích cực là cuối phiên chiều, cả 3 chỉ số đều có xu hướng hồi phục.

Trong khi VN-Index tăng 3,84 điểm tương ứng 0,46% lên 846,92 điểm thì HNX-Index lại thu hẹp đà giảm, ấn định thiệt hại 0,19 điểm tương ứng 0,17% còn 116,1 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 0,26 điểm tương ứng 0,47% lên 56,78 điểm.

Thanh khoản đạt 272,49 triệu cổ phiếu tương ứng 4.513,21 tỷ đồng trên HSX và đạt 37,54 triệu cổ phiếu tương ứng 454,11 tỷ đồng. Trên thị trường UPCoM, khối lượng giao dịch đạt 18,17 triệu đơn vị tương ứng 240,77 tỷ đồng.

Độ rộng thị trường đã nghiêng nhẹ về phía các mã tăng giá với 377 mã tăng, 43 mã tăng trần so với 332 mã giảm, 36 mã giảm sàn.

Riêng rổ VN30, số lượng mã tăng đã cải thiện lên 18 mã. Cụ thể, GAS tăng 1.200 đồng lên 71.200 đồng, VNM tăng 1.100 đồng lên 115.600 đồng; VJC tăng 1.000 đồng lên 100.500 đồng…

Theo đó, BID, GAS, VNM, PLX, MBB, CTG…là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index, trong đó, BID mang lại cho chỉ số 0,8 điểm; tác động của GAS là 0,65 điểm và VNM là 0,55 điểm.

Chiều ngược lại, tình trạng giảm giá tại MSN, VIC cũng đã phần nào ảnh hưởng tới tới VN-Index, tuy vậy vẫn không cản trở được diễn biến tăng của chỉ số.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán SHS, VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi ngang và rung lắc với biên độ trong khoảng 835-850 điểm.

Do vậy, những nhà đầu tư đã giải ngân bắt đáy quanh ngưỡng 800 điểm trong đợt giảm trước đó và đã chốt lời cổ phiếu trong các phiên gần đây nên tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường trong các phiên tới, chờ cho xu hướng trở nên rõ ràng hơn.

Công ty chứng khoán VDSC cũng lưu ý nhà đầu tư, sau chuỗi ngày gần như đi ngang của thị trường chứng khoán Việt Nam và dấu hiệu tích cực gần như đang bão hòa, các nhà đầu tư hãy cảnh giác cao và hạn chế giao dịch, có thể hạ tỉ trọng danh mục đầu tư để phòng chống các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai gần.

Còn BVCS cũng dự báo rằng, VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm trong phiên kế tiếp. Chỉ số sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự 852-858 điểm.

Mặc dù vậy, nhóm phân tích này lưu ý, nếu để mất vùng hỗ trợ 835-840 điểm thì kịch bản chỉ số sẽ hình thành nhịp điều chỉnh về ngắn về vùng 810- 820 điểm cần được tính đến.

Diễn biến thị trường vẫn sẽ có sự phân hóa mạnh theo từng câu chuyện riêng lẻ của các doanh nghiệp niêm yết.

Dòng tiền sẽ có sự luân phiên dịch chuyển vào các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận. Mặt khác, các thông tin về khả năng sản xuất thành công vắc-xin chống Covid-19 của các nước sẽ là các yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong ngắn hạn.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *