Chứng Khoán 31/08/2014 19:39

Thị trường cổ phiếu: "Bất thường" với 700 công ty niêm yết

FICA - WB và IMF cho rằng, thị trường cổ phiếu có đặc trưng là số lượng các công ty niêm yết lớn nhưng giá trị vốn hóa bình quân thấp.

Chứng khoán Việt Nam năm 2014 đang cực kỳ hấp dẫn các nhà đầu tư lớn

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố báo cáo về kết quả Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam.

Đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam, WB và IMF cho rằng, thị trường cổ phiếu có đặc trưng là số lượng các công ty niêm yết lớn nhưng giá trị vốn hóa bình quân thấp. 

Hai sở giao dịch chứng khoán TPHCM và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội bắt đầu hoạt động từ năm 2000 và 2005, hiện đã có khoảng 700 công ty niêm yết. Theo đánh giá của WB và IMF, đây là một con số lớn bất thường đối với các thị trường vốn non trẻ và mức thu nhập như Việt Nam. 

Số lượng công ty niêm yết tăng nhanh chóng chủ yếu do "cổ phần hóa" các doanh nghiệp nhà nước trước đây thông qua chào bán ra công chúng lần đầu. Khoảng một phần ba số công ty niêm yết là công ty do nhà nước nắm cổ phần  chi phối. 

Trong đó, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) là thị trường cổ phiếu chính cho các công ty lớn, niêm yết 302 công ty và 6 quỹ đóng tính tới cuối năm 2011. Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) là thị trường trái phiếu sơ cấp, vận hành thị trường cổ phiếu niêm yết 396 công ty (có quy mô nhỏ hơn so với các công ty niêm yết trên HSX), đồng thời bao gồm sàn giao dịch Upcom, nơi diễn ra giao dịch của 135 công ty đại chúng chưa niêm yết. Dù Upcom đã đi vào hoạt động, cổ phiếu của rất nhiều công ty đại chúng khác vẫn tiếp tục được giao dịch ngoài thị trường chính thức.

Theo đánh giá của WB và IMF, trong khi thị trường cổ phiếu từ trước đến nay được xem như một kênh phục vụ cho quá trình "cổ phần hóa", thị trường này còn có tiềm năng thực hiện vai trò có ý nghĩa hơn. Tổng giá trị vốn hóa thị trường vào khoảng 20% GDP trong năm 2011, khá gần với mức dự đoán cho Việt Nam nhưng thấp hơn nhiều so với các thị trường Đông Á khác. 

Thực tế là dù có một số lượng lớn các công ty niêm yết nhưng mức vốn hóa thị trường tương đối nhỏ cho thấy hầu hết các công ty niêm yết có quy mô nhỏ. Nhiều doanh nghiệp nhà nước có triển vọng tốt hơn chưa được niêm yết trên thị trường, trong khi các công ty gia đình vẫn còn lưỡng lự khi cân nhắc liệu có nên tuân thủ các yêu cầu về tăng cường công bố thông tin khi tham gia thị trường niêm yết.

WB và IMF cho rằng, chất lượng và tính đa dạng của các công ty niêm yết có thể được cải thiện bằng cách cổ phần hóa một số công ty lớn, có tiềm năng hoạt động tốt hơn và đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để cải thiện việc quản trị và hiệu quả hoạt động. 

Chiều sâu thị trường, tính thanh khoản và phương pháp xác định giá cũng có thể được cải thiện bằng cách xây dựng cơ sở nhà đầu tư tổ chức và tăng cường yêu cầu phải niêm yết trên thị trường đại chúng đối với các đợt phát hành ra công chúng. 

Bản báo cáo cũng đưa ra nhận định, cơ sở nhà đầu tư tổ chức tại Việt Nam rất mỏng, và việc chỉ có đa số các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia dẫn tới câu hỏi về chất lượng của quá trình xác định giá. 

Về bảo vệ khách hàng, những vấn đề đáng quan tâm là công tác công bố thông tin đáng tin cậy, kiểm soát giao dịch có liên quan, bảo vệ vốn của khách hàng và khả năng bảo toàn tài chính của các công ty cung cấp dịch vụ môi giới giao dịch.

Phương Dung

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *