Chứng Khoán 13/03/2020 08:10

Tháo chạy khỏi chứng khoán: Gần 24 tỷ USD bị “cuốn trôi” trong 4 ngày!

Thị trường chứng khoán mới trải qua 4 trong 5 phiên giao dịch của tuần này, nhưng đã có những phiên lao dốc trong tâm lý hoảng loạn. Thiệt hại vốn hoá tới gần 24 tỷ USD.

Thị trường chứng khoán đã có một phiên giao dịch rất tồi tệ trong ngày 12/3. Các chỉ số lao dốc với chiều rơi thẳng đứng ngay đầu phiên, sau đó không thể gượng dậy dù tiền bắt đáy đổ vào khá lớn do áp lực bán ra quá mạnh.

VN-Index chốt phiên giảm 42,1 điểm tương ứng mất 5,19% còn 769,25 điểm; HNX-Index giảm 3,61 điểm tương ứng 3,42% còn 101,92 điểm và UPCoM-Index giảm 1,56 điểm tương ứng 2,96% còn 50,92 điểm.

Thanh khoản được đẩy lên mức 339,23 triệu cổ phiếu tương ứng 5.219,55 tỷ đồng trên HSX. Sàn HNX cũng thu hút được 7883,05 tỷ đồng giải ngân với 74,71 triệu cổ phiếu giao dịch và con số này trên UPCoM là 21 triệu cổ phiếu tương ứng 237,56 tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu lớn giảm giá mạnh thậm chí giảm sàn đã tác động tiêu cực lên VN-Index. VCB giảm sàn, VIC giảm giá 5.200 đồng, VJC cũng giảm 5.500 đồng, VHM giảm 4.500 đồng, GAS và PLX đều giảm sàn, BID, VPB, TCB, HVN, VRE, VCI… đều giảm sàn.

Tháo chạy khỏi chứng khoán: Gần 24 tỷ USD bị “cuốn trôi” trong 4 ngày! - 1

Không chỉ Việt Nam, chứng khoán thế giới cũng đang có những phiên giao dịch tồi tệ nhất

Tại các mã rơi vào tình trạng giảm sàn hầu hết đều trắng bên mua và có dư bán sàn khá lớn. Điều này cho thấy, tâm lý bất ổn của nhà đầu tư. Làn sóng bán tháo đã khiến những người nắm cổ phiếu quyết định bán ra ồ ạt bất chấp chất lượng cổ phiếu ra sao.

Với phiên giảm hôm qua, chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường có diễn biến tồi tệ nhất ở châu Á. Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á khác cũng không mấy khả quan.

Cụ thể, Nikkei 225 của Nhật giảm 4,41%; TOPIX của Hàn Quốc giảm 4,13%; Shenzhen và Shanghai của Trung Quốc lần lượt giảm 2,31% và 1,52%. Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm 4,04%: Singapore giảm 3,32%; Philippines giảm 9,71%; Malaysia giảm 1,21%, Thái Lan giảm 10,84%; Indonesia giảm 5,01%...

Riêng vốn hoá của thị trường chứng khoán Việt Nam (tính cả 3 sàn HSX, HNX và UPCoM) tiếp tục bị “cuốn trôi” hơn 173.500 tỷ đồng (khoảng 7,5 tỷ USD) và tổng thiệt hại trong 4 phiên giao dịch kể từ phiên 9/3 đến nay lên tới 552.000 tỷ đồng (khoảng 23,8 tỷ USD). Đó quả là một con số khổng lồ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tiêu cực do tâm lý xấu của nhà đầu tư trước diễn biến phức tạp, khó lường của giới đầu tư. Bên cạnh đó, cũng bị tác động bởi diễn biến bất lợi của thị trường khu vực và thế giới.

Để trấn an nhà đầu tư, chiều qua, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã lên tiếng, kêu gọi nhà đầu tư không nên bán tháo và bình tĩnh, tin vào nội lực doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Trên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Dũng bày tỏ: “Chúng tôi mong rằng, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như sức bền của thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tránh những phiên bán tháo không cần thiết”. 

Lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng khẳng định, trong phạm vi thẩm quyền, Ủy ban sẽ báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành chứng khoán và cho nhà đầu tư, trong đó có giải pháp cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán và nới lỏng một số quy định về giao dịch ký quỹ (margin) áp dụng cho giai đoạn trước mắt.

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích từ BVSC, VN-Index vẫn đang chịu áp lực giảm điểm mạnh sau khi liên tiếp xuyên thủng các vùng hỗ trợ quan trọng. Chỉ số dự báo sẽ tiếp tục kiểm điểm vùng hỗ trợ 700-740 điểm trong một vài phiên kế tiếp.

Tuy nhiên, theo quan sát của BVSC, trạng thái quá bán trên thị trường đang ở xuất hiện trên diện rộng. Điều này cho thấy mức độ hoảng loạn có phần thái quá của nhà đầu tư trong ngắn hạn.

Trên cơ sở đó, BVSC kỳ vọng thị trường sẽ sớm xuất hiện nhịp hồi phục T+ trong tuần tới. Tuy nhiên, kể cả trong kịch bản hồi phục, chỉ số cũng sẽ phải trải qua các nhịp rung giật mạnh tại vùng hỗ trợ đã đề cập ở trên. Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19 và áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *