Chứng Khoán 12/12/2013 19:19

Thắng, thua nhờ may rủi?

Thị trường chứng khoán (TTCK) đã có đợt phục hồi khá bền vững, khiến dòng tiền tham gia mạnh mẽ, đẩy giá cổ phiếu tăng cao.


Qua đó, có rất nhiều cổ phiếu đã tăng liên tục suốt thời gian dài đạt mức tăng từ vài chục, đến vài trăm phần trăm. Với khối lượng thanh khoản ổn định ở mức cao, niềm tin nhà đầu tư (NĐT) vẫn được duy trì, nên thị trường không bị biến động mạnh, đột ngột giảm sâu như trước. Tuy nhiên, dù sóng tăng, nhưng không phải NĐT nào cũng thắng, nếu không vào đúng sóng, thậm chí vẫn thua lỗ khi thị trường điều chỉnh.

Trên thực tế, những NĐT thành công trên thị trường phải thường xuyên theo dõi, phân tích mới có thể nhận biết những chỉ báo tăng giá của những cổ phiếu tăng mạnh. Còn những NĐT thấy sóng lao vào, nếu không thoát nhanh thì đôi khi phải nhận trái đắng thua lỗ rất lớn.

Cho nên, NĐT cần phải nhận biết được những biến động giá cổ phiếu, dòng tiền dịch chuyển ra sao, mua vào, bán ra như thế nào, nếu không dù thị trường có tăng thì cũng vẫn thất bại.

Phó mặc thị trường

Thị trường luôn biến động không ngừng, buộc NĐT phải theo dõi liên tục. Thời gian qua, chứng khoán đã cho NĐT nhiều trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn, thành công lớn, nhưng thất bại cũng không ít. Trong đó, chiến lược đầu tư của cá nhân nhỏ lẻ, vốn yếu phải hứng chịu nhiều rủi ro nhất.

Một số NĐT mới tham gia thị trường gần như chẳng có chiến lược, chiến thuật gì. Khi được môi giới mời bỏ vốn tham gia vào TTCK với những lời ngọt ngào sóng sắp tăng, chỉ cần vài phiên là lãi hơn gửi ngân hàng. Với những lời "mật ngọt" bùi tai, ai mà chẳng rút tiền đổ vào chứng khoán.

Sau khi đầu tư vào cổ phiếu được tư vấn, nhiều người chẳng có chiến lược gì chỉ chờ sóng tăng thì bán kiếm lời. Nếu giá giảm họ không biết cách phòng ngừa rủi ro, thậm chí bài học đơn giản là cắt lỗ cũng chẳng thể nào làm được.

Chị Hạnh, một NĐT trên sàn chứng khoán, từng tâm sự: "Mình nghe theo mấy người môi giới bỏ tiền vào những cổ phiếu đang tăng giá, nhưng giờ đã quay đầu giảm mà không biết phải xử lý như thế nào. Nếu bán ra thì lỗ, còn cứ nắm giữ cũng chưa biết khi nào tăng trở lại".

Thông thường, NĐT mới rất ít khi xác định ngưỡng cắt lỗ khi tham gia đầu tư chứng khoán. Trong suy nghĩ của họ, nếu cứ bán là bị thua lỗ và xem như mất vốn, vậy cứ nắm giữ trở thành NĐT dài hạn để kiếm cổ tức, khi nào có lời thì bán.

Thị trường đôi khi không chiều lòng người, có khi bị sụt giảm liên tục kéo dài từ năm này sang năm khác, như thời gian qua, thì chẳng biết khi nào mới lấy lại vốn. Cổ tức cũng không vì doanh nghiệp bị thua lỗ, phá sản thì lấy gì mà chia.

Cho nên đúng lúc nhiều người chán nản, từ bỏ đầu tư chứng khoán, cắt lỗ bằng mọi giá thì chứng khoán lại sôi động, bật tăng trở lại. Cảm giác như bị đánh cắp khi cổ phiếu mình vừa bán ra thì lại tăng giá trở lại khiến lòng tham, sự tiếc nuối, buộc NĐT lại phải kiếm tiền đổ vào cổ phiếu.

Chứng khoán luôn có biến động lớn, nên những NĐT nhỏ lẻ thường bị thua lỗ khá nặng trước những đợt giảm giá mạnh bất ngờ (thrust down). Họ khó chọn đúng thời điểm, chọn đúng vùng giá tốt mua vào nắm giữ để chờ tăng giá.

Thành bại, không chỉ "tại trời"

Vì vậy, nhiều khi giảm mạnh cũng chẳng biết đường mà cắt lỗ, chấp nhận ôm cổ phiếu và chịu sụt giảm vài chục phần trăm cũng là điều bình thường. Việc phòng ngừa rủi ro, cách tốt nhất là một chiến lược cắt lỗ hợp lý khi những dự đoán, xu hướng mua bán bị đảo lộn là hết sức cần thiết.

Một chỉ báo mà NĐT cổ phiếu nên quan tâm, đó là mua/bán theo xu hướng (breakout) khi khối lượng và khả năng bùng nổ theo chiều hướng tăng. Khối lượng giao dịch cổ phiếu luôn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phân tích và đầu tư.

Giá và khối lượng biến động cùng chiều thì xu hướng sẽ được duy trì tốt và mạnh mẽ. Nếu giữa chúng có biểu hiện ngược chiều nhau thì xu hướng hiện hành sẽ dễ bị đảo ngược.

Điều này lại càng mang ý nghĩa quan trọng tại các điểm breakout. Nếu giá phá vỡ một ngưỡng kháng cự để đi lên nhưng khối lượng lại sụt giảm mạnh thì nguy cơ thất bại của điểm breakout đó là rất lớn. Mặt khác, nếu hướng breakout của giá ngược với xu hướng dài hạn thì nên thận trọng.

Thời gian qua, hầu hết những cổ phiếu nhận được sự ủng hộ của khối lượng và xu hướng, đều biến động theo hướng của breakout. Ví dụ, trong tháng 8/2013, cổ phiếu PVT đã phá vỡ được vùng đỉnh cũ 6.000 - 6.300. Giá cũng đang nằm bên trên SMA 100 vào thời điểm này chứng tỏ xu hướng dài hạn đang là tăng trưởng mạnh. Mặt khác, khối lượng cũng duy trì khá ổn định và tăng trưởng tốt, nên mua vào và chờ đợi theo breakout khá an toàn. Sau đó, PVT tiếp tục bứt phá rất mạnh và tăng hơn 50%.

Ngược lại, cổ phiếu HAP có thời điểm cho tín hiệu phá vỡ kháng cự đi lên, nhưng ở mức độ tin cậy chưa cao. Sau đó, cổ phiếu này sụt giảm trở lại và tiếp tục giảm hơn 50%.

Như vậy, chiến lược mua/bán khi breakout cũng có những lúc bị thất bại nên NĐT cần thận trọng khi áp dụng chiến lược này trong thời gian tới nếu xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo như phân tích ở trên.

Nói chung, NĐT phải tự quyết định dòng tiền của mình để tạo ra lợi nhuận hoặc chấp nhận thua lỗ. Vì vậy, khả năng thành công hay thất bại trên thị trường phụ thuộc rất nhiều yếu tố, kể cả may mắn, chứ không phải chiến lược đúng là có thể kiếm được tiền.

Theo Sơn Long

Thời báo kinh doanh

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *