Chứng Khoán 23/10/2018 18:36

Rung lắc mạnh, VN-Index có lúc mất 27 điểm trong phiên 23/10

Có tới 232 mã giảm giá (16 mã giảm sàn) trên HSX trong khi chỉ có 80 mã tăng. HNX có 125 mã giảm so với 63 mã tăng giá.

BVSC lo ngại thị trường có thể sẽ xuất hiện “bulltrap” (bẫy tăng giá) vào đầu phiên giao dịch​​​​​​​ ngày 24/10

Sau cú rung lắc mạnh diễn ra ngay đầu giờ chiều khiến VN-Index có lúc mất tới 27 điểm, chỉ số đã dần phục hồi lại cuối phiên và thu hẹp biên độ giảm còn 13,83 điểm tương ứng 1,45%, VN-Index kết phiên tại mức 939,68 điểm. Trong khi đó, HNX-Index mất 2,48 điểm tương ứng 2,3% còn 105,07 điểm.

Có tới 232 mã giảm giá (16 mã giảm sàn) trên HSX trong khi chỉ có 80 mã tăng. HNX có 125 mã giảm so với 63 mã tăng giá.

Bên cạnh nguyên nhân thị trường nghiêng hẳn về bên giảm giá thì chỉ số còn bị tác động tiêu cực bởi mức giảm của các mã có vốn hoá lớn như GAS, VCB, VNM, TCB. Những mã này góp vào mức giảm chung tổng cộng hơn 5,4 điểm.

Ngược lại, mặc dù có sự hỗ trợ của một số mã như MBB, SAB, BVH, SBT… nhưng mức tăng tại những mã này chưa đủ để có tác động mạnh lên chỉ số.

Dù vậy, trong nhịp giảm sâu, dòng tiền vào bắt đáy vẫn khá tích cực. Có 202,93 triệu cổ phiếu đã được giao dịch trên HSX hôm nay, tương ứng 5.019,27 tỷ đồng được giải ngân. Còn tại HNX, con số này là 53,36 triệu cổ phiếu và 635,69 tỷ đồng.

Thanh khoản đạt 182 triệu cổ phiếu, tăng so với phiên trước đó và xấp xỉ mức trung bình. Độ rộng thị trường tiêu cực khi số mã giảm điểm chiếm ưu thế hoàn toàn. BVSC nhận xét, nhà đầu tư đang tỏ ra lo sợ về khả năng sụt giảm sâu của thị trường trong ngắn hạn.

Trong phiên kế tiếp, BVSC lo ngại thị trường có thể sẽ xuất hiện “bulltrap” (bẫy tăng giá) vào đầu phiên giao dịch. Tuy nhiên, áp lực giảm có thể sẽ quay trở lại sau đó và nhiều khả năng sẽ đẩy chỉ số giảm về vùng hỗ trợ 917-922 điểm. Theo quan sát của BVSC, nhiều nhóm cổ phiếu đang chịu áp lực bán quá đà trong khi các tín hiệu phân kỳ dương giữa giá và các chỉ báo kỹ thuật đang nhen nhóm xuất hiện ở chỉ số và các cổ phiếu. Điều này khiến BVSC kỳ vọng thị trường sẽ có phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại tại vùng hỗ trợ này.

Các nhịp hồi phục của thị trường tiếp tục được xem là cơ hội bán giảm tỷ trọng cho các tài khoản còn nhiều cổ phiếu. Tỷ trọng danh mục tổng nên được khống chế ở mức tối đa 20-25% cổ phiếu trong giai đoạn này. Đối với các tài khoản có tỷ trọng tiền mặt lớn, có thể thực hiện các hoạt động trading với tỷ trọng thấp mang tính do đáy nếu thị trường xuất hiện “washout” (rung lắc) trong các phiên tới.

Không chỉ riêng thị trường Việt Nam mà các thị trường chứng khoán châu Á khác cũng bị bao phủ bởi “sắc đỏ”. Cụ thể, theo cập nhật của BVSC, chỉ số Topix và Nikkei 500 của Nhật Bản đã mất lần lượt 44,59 và 60,92 điểm tương đương với 2,63% và 2,92%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc và Hang Sheng của Hồng Kông giảm 55,61 và 806,60 điểm tương đương với 2,57% và 3,08%.

Trong khi đó, mặc dù đã có một phiên hồi phục lớn nhất kể từ tháng 3/2016 vào hôm qua, sắc đỏ lại phủ kín thị trường chứng khoán Trung Quốc: Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 giảm 60,05 và 86,84 điểm tương đương với 2,26% và 2,66%. Theo BVSC, điều này phản ánh thái độ quan ngại của các nhà đầu tư cho dù trước đó các quan chức chính quyền nước này đã tuyên bố quyết tâm của mình trong việc hỗ trợ nền kinh tế.

Một trong những nguyên nhân chính của việc mất điểm trên các TTCK châu Á – Thái Bình Dương là do sự giảm điểm trên thị trường chứng khoán Mỹ: Dow Jones Industrials mất 126,93 điểml S&P500 mất 11,9 điểm và NYSE Composite mất 82,51 điểm.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *