Chứng Khoán 09/03/2014 09:00

Quản lý trên 390 triệu USD vẫn lỗ, vì sao?

Không chỉ các công ty quản lý quỹ nhỏ, mà một loạt công ty có thâm niên trong ngành cũng đang báo cáo những khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh. Theo báo cáo của Manulife AM, tại thời điểm 31/12/2013, Công ty lỗ lũy kế 28,8 tỷ đồng trên vốn điều lệ 53 tỷ đồng, riêng năm 2013 lỗ trước thuế 11,8 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Vũ Ngọc Trinh

Bà Nguyễn Vũ Ngọc Trinh, Tổng giám đốc Manulife Asset Management Việt Nam đã có những chia sẻ của mình về về tình hình kinh doanh của Công ty cũng như của ngành.

Hoạt động hơn 6 năm trong ngành quản lý quỹ (QLQ), nhưng Manulife Asset Management Việt Nam vẫn chưa kinh doanh có lãi. Xin bà cho biết nguyên nhân của việc này?

Doanh thu của công ty QLQ đến từ phí quản lý quỹ trên khối tài sản được ủy thác quản lý. Do đó, quy mô tổng tài sản quản lý và phân bổ loại hình tài sản quản lý (ví dụ, phí quản lý trái phiếu thấp hơn so với phí quản lý cổ phiếu) có ảnh hưởng lớn đến doanh thu phí quản lý quỹ.

Đối với Manulife Asset Management Việt Nam, chúng tôi đang quản lý trên 390 triệu USD và đầu tư chủ yếu vào các loại tài sản truyền thống là trái phiếu và cổ phiếu. Tổng tài sản chúng tôi quản lý trong năm 2013 tăng hơn 17% và doanh thu phí quản lý quỹ tăng gần 24% so với năm 2012. Xét về mặt doanh thu và tăng trưởng tổng tài sản quản lý, đây là một kết quả tốt. Xét về mặt chi phí, lớn nhất là ở sự đầu tư vào con người và hệ thống giao dịch, quản lý tài sản và đây là quan tâm hàng đầu của chúng tôi. Đồng thời, quy định của cơ quan quản lý ngày càng khắt khe, nhằm nâng cao chất lượng của ngành quản lý quỹ, cũng dẫn đến chi phí cao hơn. Trực thuộc một tập đoàn quản lý tài sản quy mô toàn cầu, chúng tôi sẵn sàng đầu tư để giữ vững và duy trì tiêu chuẩn quốc tế do tập đoàn đặt ra. Do đó, mặt bằng chi phí tương đối cao của chúng tôi thể hiện rõ quan điểm đầu tư theo tiêu chí trên.

Công ty chưa có lãi là do doanh thu chưa đủ lớn để bù đắp chi phí đầu tư cao. Một phần là do tổng tài sản quản lý chưa đủ lớn và tỷ trọng các loại tài sản quản lý còn thiên về trái phiếu. Quan trọng hơn, trong giai đoạn xây dựng nền tảng cho các loại hình quỹ mới như quỹ mở, quỹ hưu trí, việc đầu tư lớn trong năm vừa qua cũng như năm nay đối với chúng tôi là tất yếu, với một cam kết đầu tư lâu dài.

Công ty có định hướng phát triển như thế nào trong thời gian tới để hoạt động hiệu quả hơn?

Phát huy thế mạnh của Tập đoàn Manulife Asset Management trên toàn cầu, chúng tôi tiếp tục tập trung vào việc phát triển các sản phẩm quỹ đầu tư vào các loại hình tài sản truyền thống và các danh mục hỗn hợp. Quỹ mở, quỹ hưu trí sẽ là trọng tâm phát triển tại thị trường Việt Nam. Bước đi của chúng tôi tuy có chậm, nhưng có sự đầu tư vững chắc và tầm nhìn dài hạn. So sánh với các nước trong khu vực, ngành quản lý quỹ đại chúng tại Việt Nam vẫn còn đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, tiềm năng của ngành là rất lớn trong tương lai.

TTCK đã có dấu hiệu hồi phục, nhưng các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức vẫn chưa ủy thác tiền cho các công ty QLQ để đầu tư. Có phải kết quả hoạt động của các công ty QLQ chưa đủ thuyết phục?

Mấu chốt của việc phát triển các sản phẩm quỹ đại chúng (sản phẩm chủ yếu dành cho nhà đầu tư cá nhân) không chỉ ở việc TTCK có sự tăng trưởng đều đặn, ổn định và hoạt động quản lý danh mục của công ty QLQ hiệu quả, mà quan trọng nhất là nhận thức và khả năng tiếp cận của quần chúng đối với các sản phẩm đầu tư này.

Chúng ta cần trả lời những câu hỏi sau: thu nhập bình quân của người dân (đặc biệt tại các thành phố lớn) đã đạt tới mức tối thiểu để mỗi người có thể thực hiện tích lũy hàng tháng từ tiền nhàn rỗi hay chưa? Nếu rồi, người dân đã có hiểu biết rõ về việc phân bổ tiền nhàn rỗi vào hoạt động đầu tư và hoạch định tài chính cá nhân một cách hiệu quả hay chưa? (ví dụ, nếu đầu tư tích lũy dài hạn vào 100% tiền gửi ngân hàng thì hiệu quả đầu tư dài hạn sẽ không cao). Nhà đầu tư đã hiểu rõ về sản phẩm đầu tư cũng như công ty QLQ để họ có đủ niềm tin giao phó tiền của mình hay chưa? Nhà đầu tư đã có thể dễ dàng tiếp cận các sản phẩm đầu tư (như quỹ mở) hay chưa, chẳng hạn qua kênh ngân hàng thương mại?

Những câu hỏi này cũng là đề bài cho chúng tôi, cho các công ty QLQ khác, cũng như cơ quan quản lý thị trường trong việc phát triển các sản phẩm đầu tư mới.

Đối với mảng nhà đầu tư tổ chức, ngoài các doanh nghiệp bảo hiểm là những đơn vị có danh mục đầu tư lớn có tiêu chí đầu tư rõ ràng và dài hạn, thì hiện tại, thị trường Việt Nam không có nhiều nhà đầu tư tổ chức thực sự. Trong năm 2007, rất nhiều doanh nghiệp có tiền nhàn rỗi và tích cực tham gia đầu tư vào TTCK bằng cách thành lập các quỹ thành viên. Tuy nhiên, sau nhiều năm thị trường khó khăn, xu thế này suy giảm dần.

Theo Hải Linh

Đầu tư chứng khoán

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *