Chứng Khoán 04/09/2015 14:36

Phát hành khủng, DN gian nan giải quyết cổ phiếu “ế”

Tận dụng cơ hội thị trường “ấm” lại những tháng đầu năm, nhiều DN niêm yết đưa ra những kế hoạch phát hành thêm đầy tham vọng, ít nhiều gây ra tình trạng bội cung trên thị trường.

Hệ quả tất yếu là có những đơn vị rơi vào tình trạng “ế” sau phát hành để rồi phải nhọc nhằn đi giải quyết số cổ phiếu chưa phân phối hết.

CTCP Tư vấn -Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) mới đây chào bán 63 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhưng chỉ có hơn 1 triệu cổ phiếu được phân phối, tương ứng thu về hơn 10 tỷ đồng. Với gần 62 triệu cổ phiếu chưa bán hết, HĐQT HQC cho biết, Công ty đã thống nhất sẽ tiếp tục phân phối số cổ phần này cho 9 cổ đông cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức là CTCP Quản lý quỹ Thăng Long (TLCF), thời gian nộp tiền mua từ ngày 28/8 đến ngày 15/9.

Tuy vậy, vẫn phải chờ sau thời điểm 15/9 mới xác nhận được Công ty có bán hết 62 triệu cổ phiếu hay không, khi mà giá bán cho các đối tượng trên vẫn là 10.000 đồng/CP, cao hơn nhiều so với giá cổ phiếu HQC dao động quanh mức 5.000 đồng/CP đang giao dịch trên sàn.

Dường như cổ đông lớn cá nhân là đối tượng nhiều DN hướng tới khi “chống ế” các đợt phát hành thêm. HĐQT CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG) vừa thông qua danh sách 10 nhà đầu tư cá nhân sẽ tham gia mua hơn 6,7 triệu cổ phần không chào bán hết trong đợt phát hành thêm gần 21 triệu cổ phiếu trước đó, với giá chào bán 10.000 đồng/CP.

CTCP Đầu tư và Phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương (PPI) thông báo về việc phân phối cổ phiếu không bán hết trong đợt 1 cho 1 nhà đầu tư tổ chức và 1 cá nhân.

Theo đó, trong đợt chào bán hơn 20 triệu cổ phiếu của PPI đã thực hiện từ tháng 6/2015, chỉ có hơn 7,2 triệu cổ phiếu được cổ đông đăng ký và nộp tiền mua, đồng nghĩa với việc còn “ế” hơn 12,8 triệu cổ phiếu. Theo PPI, Công ty sẽ thực hiện phân phối 7 triệu cổ phiếu cho CTCP Quản lý quỹ Thăng Long (TLCF) và 4 triệu cổ phiếu cho một nhà đầu tư cá nhân là ông Phạm Anh Tuấn.

Một điểm chung là giá chào bán của các đợt phân phối sau khi phát hành thêm của hầu hết các DN là 10.000 đồng/CP, trong khi đó, thị giá của các cổ phiếu này đều đang thấp hơn nhiều so với mệnh giá. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều cá nhân vẫn bỏ tiền mua, trong khi có thể mua trên sàn với mức giá rẻ hơn?

Có nhiều lý do đằng sau những thương vụ mua bán, cũng có thể là những ràng buộc về quyền lợi sau này, nhưng rõ ràng, khi các cổ đông hiện hữu từ chối mua cổ phiếu mà DN chuyển sang phân phối cho một vài cổ đông cá nhân thì có thể coi như DN chuyển hướng từ phát hành cho cổ đông hiện hữu sang phát hành riêng lẻ. Đã có những nghi ngại rằng, việc phân phối cho các cá nhân này có thể chỉ là trung gian trong các vụ mua bán cổ phần khối lượng lớn về sau.

Gian nan trong việc giải quyết cổ phiếu “ế”, đã có một số DN phải tính hủy một số lượng cổ phiếu nhất định trong đợt phát hành do không phân phối hết. CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR) là một trường hợp như vậy. Theo HAR, Công ty sẽ chào bán 40 triệu cổ phiếu trong tổng số gần 54,6 triệu cổ phiếu “ế” của đợt chào bán vừa qua. Trong đó, đã có 20 nhà đầu tư tham gia mua 40 triệu cổ phiếu này với giá 10.000 đồng/CP và số cổ phiếu còn lại là 14,6 triệu đơn vị không có nhà đầu tư tham gia mua nên Công ty sẽ hủy bỏ việc phát hành số cổ phiếu này.

Kịch bản tăng vốn ồ ạt đã diễn ra trong hơn 1 năm trở lại đây, khi TTCK bắt đầu khởi sắc trở lại và không ít DN thành công trong việc huy động vốn trong thời gian qua, thậm chí tăng vốn lên 3 - 4 lần chỉ trong một thời gian ngắn như HAI, TSC… Các kế hoạch huy động vốn dễ dàng được DN thông qua, trong khi đa phần nhà đầu tư không có nhiều thông tin để tìm hiểu kỹ mục đích cũng như kế hoạch sử dụng vốn, qua đó đánh giá hiệu quả của việc sử dụng vốn của DN.

Vì vậy, việc nhiều nhà đầu tư e ngại không tham gia các đợt phát hành thêm là có thể hiểu được. Thậm chí, việc tăng vốn quá nhiều và  quá nhanh của các công ty đang khiến nhiều người lo ngại khi dòng tiền vào thị trường sẽ bị ảnh hưởng do bị “hút” vào các đợt phát hành này.

Trên thực tế, việc tăng vốn quá nhanh sẽ gây áp lực cho DN trong việc tạo lợi nhuận tương ứng. Nếu không có chiến lược phát triển và định hướng kinh doanh hiệu quả, DN sẽ “chết chìm” trong đống tiền huy động từ cổ đông.  

Theo Hoàng Anh

ĐTCK

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *