Chứng Khoán 16/05/2020 08:11

Ông Nguyễn Đăng Quang trở lại là “tỷ phú USD”

Tuy không còn góp mặt trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2020, song tài sản ông Nguyễn Đăng Quang hiện đã về ngưỡng “tỷ đô” và ông chủ Masan tiếp tục là "tỷ phú USD" của Việt Nam.

Thị trường chứng khoán đóng cửa phiên cuối tuần với tình trạng giảm điểm trên diện rộng. Các chỉ số chính đều ghi nhận sự thất thoát.

VN-Index mất 5,37 điểm tương ứng 0,65% còn 827,03 điểm; HNX-Index giảm 2,32 điểm tương ứng 2,08% còn 109,02 điểm và UPCoM-Index giảm 0,33 điểm tương ứng 0,62% còn 53,15 điểm.

Thanh khoản đạt 301,89 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 5.253,46 tỷ đồng. HNX có 70,68 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 592,24 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 25,67 triệu cổ phiếu tương ứng 204,81 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đăng Quang trở lại là “tỷ phú USD” - 1

"Ông trùm" ngành hàng tiêu dùng Nguyễn Đăng Quang

Phần lớn cổ phiếu trên thị trường bị nhuốm trong sắc đỏ. Có 438 mã giảm giá, 42 mã giảm sàn trên cả 3 sàn giao dịch, trong khi phía tăng có 273 mã, có 63 mã tăng trần.

Hàng loạt cổ phiếu lớn rớt giá. VNM mất 2.200 đồng còn 110.800 đồng, MSN giảm 1.800 đồng, còn 62.100 đồng, PNJ cũng giảm 1.600 đồng, BID giảm 1.100 đồng, PLX giảm 1.100 đồng, MWG, GAS, CTG, HPG, BHN… đều sụt giảm.

Cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan hôm qua quay đầu giảm 1.800 đồng xuống 62.100 đồng sau khi đạt mức tăng mạnh vào phiên 14/5. Trước đó, trong phiên 14/5, MSN đã được khối nhà đầu tư ngoại mua ròng rất mạnh tới gần 39 triệu cổ phiếu bằng hình thức thỏa thuận, giá trị mua ròng gần 2.500 tỷ đồng.

Tuy rằng cổ phiếu bị giảm giá, song giá trị tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang - ông chủ Masan tính đến 15/5 vẫn đang đạt 1 tỷ USD, giảm khoảng 26 triệu USD (2,46%) so với phiên giao dịch trước đó.

Trong đợt xếp hạng năm nay của Forbes, ông Quang đã lỡ mất dịp góp mặt vào danh sách xếp hạng tỷ phú USD, những người giàu nhất thế giới năm 2020. Tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang từng đạt 1,3 tỷ USD vào hồi tháng 3/2019.

Trở lại với thị trường chứng khoán, hôm qua, BID là mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index với mức thiệt hại gây ra cho chỉ số chính là 1,26 điểm, kế đến là VNM với 1,09 điểm.

Cổ phiếu Vingroup hôm qua lại hỗ trợ đáng kể cho VN-Index, chống đỡ cho chỉ số không bị giảm sâu. VHM tăng 1.000 đồng lên 71.600 đồng; VIC tăng 1.000 đồng lên 97.000 đồng. VRE cũng tăng nhẹ lên 24.100 đồng. Theo đó, VIC đóng góp 0,96 điểm, VHM đóng góp tương tự cho chỉ số chính.

SHB trên sàn Hà Nội hôm qua bị bán sàn mạnh. Cổ phiếu này lùi xuống mức giá 15.500 đồng và khiến cho HNX-Index bị kéo sụt 2,52 điểm.

Tổng kết lại tuần giao dịch này, VN-Index vẫn đạt mức tăng chung là 13,3 điểm, tương đương 1,63% với 2 phiên giao dịch đầu tuần tăng và sau đó giảm điểm trong 3 phiên giao dịch cuối tuần.

Ngược lại, trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm 1 điểm so với giá đóng cửa tuần trước, tương đương 0,91%. Chỉ số này có 3 phiên tăng điểm trong 3 phiên giao dịch đầu tuần nhưng giảm điểm trong 2 phiên giao dịch cuối tuần.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán BVSC, tuần tới, VN-Index dự báo sẽ có diễn biến giằng co với các phiên tăng giảm đan xen trong vùng 798-840 điểm. Chỉ số có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 795-800 điểm trước khi hồi phục tăng điểm trở lại.

Việc khối ngoại mua ròng trở lại trong những phiên gần đây đang hỗ trợ cho tâm lý nhà đầu tư và diễn biến của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp đang có xu hướng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và kết quả kinh doanh quý 2 có thể không như kỳ vọng sẽ là các yếu tố khiến cho các nhóm cổ phiếu có thể rơi vào trạng thái phân hóa mạnh.

Thêm vào đó, trong tuần tới, thị trường có thể có các phiên biến động mạnh khi hoạt động đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 5 sẽ diễn ra vào giữa tuần.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *