Chứng Khoán 19/03/2014 10:27

Nhiều công ty chứng khoán sẽ vào tầm ngắm giám sát

Theo quy định, trong vòng 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp báo cáo tài chính (BCTC) năm, bán niên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) sẽ thực hiện phân loại công ty chứng khoán (CTCK) theo chuẩn CAMEL để phục vụ công tác cảnh báo sớm. Một đợt rà soát những CTCK yếu kém có thể đang đến rất gần.

Vốn lớn, vay ít, lãi cao… giúp thăng hạng

Đến hết ngày 17/3/2014, 12 CTCK đã công bố BCTC năm 2013 có kiểm toán. Theo dự kiến, muộn nhất đến ngày 31/3/2013, CTCK phải nộp UBCK BCTC năm và báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại ngày 31/12/2013. Như vậy, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, những CTCK bị rơi vào diện “nguy cơ cao” có thể sẽ đối mặt với các đợt thanh - kiểm tra của cơ quan quản lý, nhằm phục vụ công tác cảnh báo sớm, phòng ngừa rủi ro.

Theo quy định tại Quy chế hướng dẫn xếp loại CTCK ban hành kèm theo Quyết định số 617/QĐ-UBCK ngày 9/10/2013, CTCK sẽ được phân loại làm 5 nhóm xếp thứ hạng từ A tới E, trên cơ sở 29 tiêu chí (gồm 10 tiêu chí thuộc nhóm chỉ tiêu tài chính, có trọng số của tổng điểm là 70%; 19 tiêu chí thuộc nhóm chỉ tiêu chất lượng quản trị, có tổng trọng số 30%).

Theo cơ cấu này, một CTCK khỏe mạnh theo tiêu chuẩn của chỉ tiêu an toàn tài chính, tức có tỷ lệ an toàn vốn khả dụng trên 180%, sẽ chỉ đóng góp được 10% trong tổng trọng số nhóm chỉ tiêu tài chính, tương đương 7% của tổng điểm phân loại. Các chỉ tiêu mang tính sàng lọc CTCK hơn, bao gồm quy mô vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản phải cao (tức càng vay nợ, phải trả ít càng tốt); vốn chủ sở hữu càng vượt xa quy mô vốn pháp định càng được coi là an toàn.

Ngoài ra, để được phân hạng cao, CTCK cũng còn phải đảm bảo tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu, tỷ lệ sinh lời trên doanh thu ở mức không được thấp hơn 5%. Điều này dẫn tới tình trạng, theo Thông tư 226/2010/TT-BTC về chỉ tiêu an toàn tài chính các tổ chức kinh doanh chứng khoán và Thông tư 165/2012/TT-BTC sửa đổi bổ sung Thông tư 226, thì nhiều CTCK được coi là an toàn, nhưng theo CAMEL, thì một loạt CTCK có tỷ lệ đòn bẩy lớn, hoặc vốn chủ sở hữu chỉ thấp hơn hoặc bằng vốn pháp định, sẽ có nguy cơ bị xuống hạng mạnh.

Ví dụ, CTCK R có vốn chủ sở hữu hơn 237 tỷ đồng trên tổng tài sản 685 tỷ đồng (chưa tách được có bao gồm hay không tiền gửi khách hàng), vốn pháp định (4 nghiệp vụ) 300 tỷ đồng, lãi cả năm 2013 là 1,537 tỷ đồng.

Theo Thông tư 226, Công ty có tỷ lệ an toàn vốn khả dụng lên tới 253,14%, là mức rất cao trong nhóm các CTCK. Thế nhưng, theo chuẩn CAMEL, công ty này có thể sẽ không được phân hạng ở nhóm cao do bị mất khá nhiều ở chỉ tiêu tài chính, nhóm chiếm tới 70% giá trị trong cơ cấu điểm phân loại CTCK.

Nhiều CTCK sẽ vào tầm ngắm giám sát

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ĐTCK dựa trên BCTC quý IV/2013, hàng chục CTCK có kết quả kinh doanh năm 2013 là con số âm. Trong khi đó, một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp này có vốn chủ sở hữu đã bị thâm hụt đáng kể, khoản phải thu lớn trên cơ cấu tổng tài sản.

Điều này dẫn tới tình trạng, chưa xét đến các yếu tố mềm về chất lượng quản trị, các CTCK nói trên đã có nguy cơ bị xếp ở thứ hạng thấp do mất hoàn toàn điểm ở 2 chỉ tiêu liên quan đến khả năng sinh lời (chiếm 20% trọng số của nhóm chỉ tiêu tài chính), bị điểm thấp (khoảng 20 - 30 điểm) cho các chỉ tiêu về mức độ đủ vốn (chiếm 20% trọng số nhóm chỉ tiêu tài chính).

Ngoài các chỉ tiêu về tài chính, nhóm chỉ tiêu chất lượng quản trị cũng là thách thức không nhỏ cho các CTCK trong việc cải thiện thứ hạng xếp hạng theo CAMEL. Yêu cầu về số năm kinh nghiệm lên tới trên 7 năm cho vị trí chủ tịch HĐQT, 5 năm kinh nghiệp cho lãnh đạo thuộc vị trí ban giám đốc/tổng giám đốc hay tính ổn định cao cho đội ngũ lãnh đạo để đạt điểm tối đa cho 1 số tiêu chí mềm là điều không dễ gì nhiều CTCK đạt được, nhất là trong bối cảnh TTCK còn non trẻ và CTCK vừa trải một giai đoạn khó khăn, thay máu nhân sự cũng như cổ đông.

Trên thực tế, rơi vào nhóm thấp trong phân loại CTCK theo chuẩn CAMEL sẽ không gây sức ép cho các CTCK trong việc giữ chân khách hàng do kết quả phân loại không được công bố, đồng thời cũng như việc phải chịu các chế tài xử lý liên quan đến điều kiện hoạt động liên tục, do chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng là tiêu chí duy nhất để UBCK ra chế tài xử lý CTCK yếu kém về tài chính.

Tuy nhiên, với tiêu chí phân loại CTCK phục vụ cho việc kiểm soát sớm, phòng ngừa rủi ro CTCK, việc bị phân loại vào nhóm thấp, đặc biệt nhóm D, E sẽ khiến CTCK phải đối mặt với việc rà soát, kiểm soát chặt chẽ hơn của cơ quan quản lý.

Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý Kinh doanh, UBCK cho hay: “Các CTCK bị phân loại nhóm thấp chưa hẳn đã là những CTCK xấu, nhưng việc đánh giá theo tiêu chuẩn CAMEL giúp cơ quan quản lý và bản thân CTCK nhìn nhận từ xa rủi ro có thể gặp phải, từ đó có hướng khắc phục, giảm đi các nguy cơ phát sinh sau đó. Với những CTCK nhóm D, E, UBCK sẽ thực hiện rà soát kỹ lưỡng hơn để giảm thiểu rủi ro phát sinh cho CTCK và khách hàng”.

Theo Bùi Sưởng

Đầu tư chứng khoán

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *