Chứng Khoán 23/11/2014 16:44

Người thầy vĩ đại của huyền thoại Warren Buffett

FICA - “Đối với tôi, Ben Graham còn hơn cả một tác giả hay một thầy giáo. Ông đã gây ảnh hưởng đối với tôi nhiều hơn bất cứ người đàn ông nào khác ngoại trừ bố tôi.” - Warren Buffett nói về người thầy của mình.

Trong báo cáo phân tích cuối tuần vừa phát hành cho nhà đầu tư, Chứng khoán BIDV (BSC) đã trích đoạn phần giới thiệu của Warren Buffett về chính người thầy của mình trong cuốn sách “Nhà đầu tư thông minh”.

Theo đó, Benjamin Graham đã chứng minh việc đầu tư thành công trong cuộc đời không đòi hỏi một chỉ số IQ cao chót vót, tầm hiểu biết kinh doanh sâu sắc khác thường, hay thông tin nội bộ. Những gì cần có là một trí tuệ sáng suốt để đưa ra quyết định, và khả năng khiến cho cảm xúc không phá hủy nền tảng đó.

Warran Buffett nói về Ben

“Đối với tôi, Ben Graham còn hơn cả một tác giả hay một thầy giáo. Ông đã gây ảnh hưởng đối với tôi nhiều hơn bất cứ người đàn ông nào khác ngoại trừ bố tôi.”

“Tôi đọc bản in lần đầu tiên của cuốn sách này vào năm 1950, khi tôi mười chín tuổi. Khi đó tôi đã nghĩ đó là cuốn sách về đầu tư hay nhất từng được viết. Bây giờ tôi vẫn nghĩ thế.”

“Rất hiếm khi một người sáng lập ra một môn học lại không thấy công trình của mình bị những người đi sau vượt qua trong thời gian khá ngắn. Nhưng hơn bốn mươi năm sau sự công bố của một cuốn sách đã tạo ra cấu trúc và sự hợp lý cho một hoạt động vốn lộn xộn và vô tổ chức, thật khó có thể nghĩ ra những ứng cử viên khác, kể cả cho vị trí thứ hai, trong lĩnh vực phân tích chứng khoán. Trong lĩnh vực nơi nhiều thứ sẽ trở nên ngớ ngẩn chỉ trong một vài tuần hay một vài tháng sau khi công bố, những nguyên tắc của Ben vẫn bền vững - giá trị của chúng thường được nâng cao và hiểu rõ hơn trong thời kỳ của những cơn bão tài chính, những cơn bão phá tan các nền tảng trí tuệ mỏng manh hơn. Những lời khuyên của ông về sự bền vững đã đem tới những phần thưởng không bao giờ cạn cho những "môn đệ" của ông - kể cả những người với khả năng bẩm sinh kém những người năng khiếu hơn, những người đã vấp váp khi làm theo những lời dạy tuyệt vời.”

“Thật sự tôi chưa bao giờ gặp được ai khác có một trí óc tầm cỡ như vậy. Khả năng nhớ hầu như mọi thứ, sự say mê không dứt với những kiến thức mới, khả năng đúc kết chúng thành dạng áp dụng được cho các vấn đề có vẻ không liên quan, đã khiến tư tưởng của ông có thể áp dụng trong mọi lĩnh vực một cách tuyệt vời. Nếu cần có sự thông suốt về suy nghĩ, thì không còn chỗ nào tốt hơn để tới. Và nếu cần sự động viên hay khuyên bảo, luôn có Ben ở đó.”

Tác phẩm để đời

Hai cuốn sách: Phân tích chứng khoán (Security Analysis, xuất bản năm 1934, viết cùng David Dodd) và Nhà đầu tư thông minh (The intelligent investor, xuất bản năm 1949, tái bản lần 4 của Jason Zweig vào năm 2003).

Phân tích chứng khoán được coi như một cuốn kinh thánh cho mọi nhà đầu tư nghiêm túc kể từ lúc nó được phát hành. Còn quyển Nhà đầu tư thông minh được Warren Buffet miêu tả: "Cuốn sách hay nhất về đầu tư từng được viết cho đến nay".

Benjamin Graham kêu gọi bất cứ ai tham gia thị trường chứng khoán, trước tiên, phải phân biệt rõ ràng giữa đầu tư và đầu cơ (investment và speculation).

Trong cuốn Phân tích chứng khoán, ông đã định nghĩa rõ ràng đầu tư và đầu cơ như sau: "Hoạt động đầu tư là một quá trình, thông qua phân tích kỹ lưỡng và cẩn trọng, có thể đảm bảo an toàn vốn và thu lời thỏa đáng. Tất cả những hoạt động không đáp ứng được những yêu cầu trên là đầu cơ.”

Con đường gian khổ của Benjamin Graham trở thành Nhà đầu tư giá trị

Graham có được những hiểu biết của mình qua một con đường gian khổ: ông phải tự mình cảm nhận nỗi đau của sự mất mát tài chính và bằng cách nghiên cứu, trong nhiều thập kỷ, về lịch sử và tâm lý của thị trường. Ông sinh ngày 9 tháng 5 năm 1894, tại London, với họ tên là Benjamin Grossbaum; gia đình ban đầu thuộc tầng lớp trung lưu nhưng tụt dần vào sự nghèo đói. Mẹ của Ben vay tiền để kinh doanh cổ phiếu theo kiểu bảo chứng ("on margin"), và bà bị mất trắng trong vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1907. Suốt cuộc đời mình, Ben vẫn nhớ lại nỗi xấu hổ khi mà ông đi lĩnh tiền từ Séc cho mẹ, và nghe nhân viên ngân hàng hỏi rằng:

“Dorothy Grossbaum có được nổi năm đôla không?”

May mắn thay, Graham giành được học bổng ở Đại học Columbia, nơi sự xuất chúng của ông nở rộ. Ông tốt nghiệp vào năm 1914, đứng thứ hai trong lớp. Trước khi học kỳ cuối cùng của Graham kết thúc, ba khoa của trường - Anh ngữ, Triết, và Toán - đã mời ông làm giảng viên, ông mới có 20 tuổi.

Thay vì theo đuổi sự nghiệp học thuật, Graham quyết định thử sức với Phố Wall, ông khởi đầu làm nhân viên của một công ty kinh doanh trái phiếu, rồi nhanh chóng trở thành một nhà phân tích, rồi một đối tác, và chẳng bao lâu sau đã tự điều hành công ty đầu tư của riêng mình.

Không có ghi chép chính xác nào về lợi nhuận sớm nhất của Graham, nhưng từ năm 1936 cho tới khi ông nghỉ hưu vào năm 1956, Công ty Graham-Newman của ông nhận được lãi ít nhất 14,7% mỗi năm, so với 12,2% của toàn bộ thị trường cổ phiếu - một trong những kết quả dài hạn tốt nhất trong lịch sử Phố Wall.

Trong cuộc đời mình, Ben Graham cũng đã có lúc gần như trắng tay. Đó là vào những năm thập niên 30 của thế kỷ trước. Nhờ tính cẩn thận, Graham đã tránh được cơn bão trên thị trường tài chính vào năm 1929 khi công ty Benjamin Graham Joint Account - một công ty của Graham - chỉ mất 20% giá trị - một con số tương đối khiêm tốn. Tuy nhiên, đến năm 1930, như nhiều người khác, Ben tin rằng điều tồi tệ nhất đã qua đi. Ông quyết định vay tiền từ các công ty chứng khoán (Borrow on margin) để đầu tư vào cổ phiếu. Kết quả, những đồng tiền thông minh – những đồng tiền đã đứng ngoài cơn bão tài chính năm 1929 – cuối cùng cũng đã bị cuốn trôi hết. Năm 1932, công ty Joint Account giảm 70% giá trị. Ben Graham gần như phá sản.

Mặc dù vậy, điều đáng khâm phục là, trong vài năm sau đó, mặc dù phải sống trong điều kiện tồi tàn hơn và phải chịu nhiều sức ép về mặt tài chính, Graham đã cho ra đời một tác phẩm kinh điển – cuốn sách “Phân tích chứng khoán” - xứng đáng là cuốn sách giáo khoa về đầu tư giá trị mà cho đến nay, chưa có ứng viên nào đủ khả năng với vị trí thay thế.

Tư tưởng chủ đạo của Benjamin Graham trong đầu tư

-Một cổ phiếu không chỉ là ký hiệu bảng điện hay chấm sáng điện tử; nó là quyền lợi sở hữu chủ trong một doanh nghiệp thực sự, có một giá trị cơ sở (underlying value) không phụ thuộc vào giá cổ phiếu của nó.

- Thị trường là một con lắc không ngừng đung đưa giữa sự lạc quan không bền vững (khiến cổ phiếu quá đắt) và sự bi quan vô cớ (khiến cổ phiếu quá rẻ). Nhà đầu tư thông minh là người biết bán cho người lạc quan và mua từ kẻ bi quan. Giá trị tương lai của mỗi đầu tư là một hàm của giá hiện tại của nó. Giá mua càng cao, phần lời càng thấp.

- Cho dù bạn có cẩn thận tới đâu, một nguy cơ không nhà đầu tư nào loại bỏ được là nguy cơ bị sai lầm. Chỉ có cách theo sát cái mà Graham gọi là "Biên độ an toàn" ("margin of safety") – không bao giờ mua quá đắt, cho dù sự đầu tư có hấp dẫn thế nào chăng nữa - bạn mới có thể giảm thiểu tỷ lệ rủi ro.

- Bí mật về thành công tài chính nằm ở trong chính bạn. Nếu bạn trở thành một người suy nghĩ có phê phán, là người không bao giờ tin vào những "thông tin thực" của Phố Wall, và đầu tư với sự bình tĩnh tự tin thì bạn có thể lợi dụng cả những thị trường giá xuống xấu nhất. Bằng cách phát triển kỷ luật và lòng can đảm của mình, bạn có thể không để cho tính khí thất thường của kẻ khác điều khiển vận mệnh tài chính của mình. Cuối cùng thì các vụ đầu tư của bạn hoạt động thế nào còn ít quan trọng hơn nhiều so với việc bạn hành động thế nào.

- Thị trường chứng khoán thường sai lầm rất nhiều, và đôi lúc một nhà đầu tư sắc sảo và can đảm có thể lợi dụng những sai sót rõ rệt của nó. Và hầu hết các công ty thay đổi về tính chất và chất lượng qua các năm, đôi lúc là tốt hơn, song có lẽ thường xuyên hơn là xấu đi. Nhà đầu tư không cần phải theo dõi hoạt động của công ty mình như một con diều hâu, nhưng anh ta nên thỉnh thoảng nhìn nó một cách kỹ càng và cẩn thận.

Cuối cùng, đoạn văn có thể nói là đáng đọc nhất trong cuốn “Nhà đầu tư thông minh”, là lời khuyên của Ben với những nhà đầu tư khi giao dịch với Ngài Thị Trường: “Nhà đầu tư thật sự ít khi bị buộc phải bán những cổ phần của mình, và vào tất cả các thời điểm khác thì anh ta hoàn toàn không cần phải quan tâm tới giá niêm yết hiện tại. Anh ta chỉ cần quan tâm đến nó và hành động chỉ đến chừng mực phù hợp với sổ sách của anh ta, và không cần hơn. Do đó, nhà đầu tư nào mà để mình bị bấn loạn hoặc lo lắng quá đáng vì những lần giảm giá thị trường một cách vô lý với những cổ phần của mình, thì anh ta đang biến lợi thế cơ bản của mình thành bất lợi cơ bản một cách tai hại. Sẽ tốt hơn đối với người đó nếu chứng khoán của anh ta không hề có báo giá thị trường, vì lúc đó anh ta sẽ thoát khỏi sự đau khổ tâm lý gây ra bởi những sai lầm trong đánh giá của người khác”.

Ben Graham, khi đó đã gần 80 tuổi, bày tỏ với một người bạn ý nghĩ của ông rằng ngày nào ông cũng hy vọng làm được “một điều gì đó ngốc nghếch, một điều gì đó sáng tạo và một điều gì đó hào phóng”.

Walter Lippmann đã nói về những người trồng cây mà sau này những người khác sẽ ngồi dưới tán của nó. Ben Graham là một người như vậy.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *