Chứng Khoán 23/04/2015 08:06

NĐT hết cơ hội thu tiền mặt trước nghỉ lễ, chứng khoán sẽ hồi phục?

FICA - Phiên 22/4 là phiên bán cuối cùng nếu nhà đầu tư cần bán để tiền kịp về tài khoản trước kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Do đó, BSC cho rằng áp lực bán sẽ giảm trong phiên 23/4.

Ảnh minh họa

 

Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), thị trường đang cho thấy sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, trong đó nhóm midcap và VN30 tăng khá ở mức 0,17% và 0,06%; ngược lại nhóm smallcap lại khá trầm lắng với mức giảm 0,78%.

Đặc biệt, sự tích cực được duy trì ổn định của VN30 được xem là trụ đỡ cho sắc xanh của VN-Index. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 22/4, các mã có vốn hóa trong rổ VN30 tăng tốt như PVD (1,8%), VCB (0,8%), HSG (3,5%).

Trên bình diện chung, thanh khoản thị trường không thực sự nổi bật so với trung bình các phiên trước. Theo đó, xu hướng điều chỉnh và tích lũy của thị trường, việc đầu tư sẽ được sàng lọc dựa trên những thông tin về kết quả kinh doanh quý I của từng cổ phiếu riêng lẻ, điển hình trong phiên 22/4 như NBB (7%), PGI (7%), ACB (1,2%), DPM (1%), FMC (0,8%).

Đáng chú ý, NBB tăng trần có lẽ nhờ thông tin về mua thâu tóm của CII được đề cập trong buổi họp ĐHCĐ vào phiên sáng tại CII. Thông tin này thực ra không quá mới, tuy nhiên, VDSC lưu ý về hai vấn đề lớn.

Thứ nhất đó là vấn đề hòa hợp lợi ích giữa CII và NBB. Trước đây, NBB đã có ý định hợp tác lâu dài với Creed Group thông qua việc bán cổ phần và phát hành trái phiếu chuyển đổi cho đối tác Nhật này. Ý định hợp tác này có thể phần nào khiến CII “chùn bước” trong kế hoạch phát triển NBB thành CII Land. Tuy nhiên việc hợp tác giữa NBB và Creed Group không “suôn sẻ” do dự án City Gate Tower chưa có nhiều tiến triển trong kinh doanh. Có lẽ vì lý do này, việc phát hành trái phiếu chuyển đổi vẫn chưa được thực hiện và Creed Group đã có động thái bán ra lượng lớn cổ phiếu NBB thời gian gần đây; trong khi đó, CII đồng thời lại có những động thái mua vào.

Thứ hai, ngoài bất động sản, NBB còn có những khoản đầu tư ngoài ngành khác như khoáng sản, phụ tùng ô tô. Và đây đều là những ngành nghề đầu tư hoàn toàn không hợp khẩu vị đối với CII. Ngoài ra, định giá quỹ đất của NBB cũng là mối quan tâm của CII.

Trong trong phiên 22/4, PGI tăng trần. Theo quan sát của VDSC, từ sau buổi đại hội cổ đông 2015 tổ chức ngày 19/4 vừa qua, PGI giao dịch khá tốt và đã tăng trần hai phiên liên tiếp. Kế hoạch hoạt động trong năm 2015 hầu như không có sự tăng trưởng so với năm 2014. Tuy vậy, động lực tăng trưởng đối với PGI phần nhiều đến từ việc tìm đối tác chiến lược và tăng vốn điều lệ. Vấn đề này đã được trao đổi thẳng thắn hơn tại buổi đại hội. Do vậy, việc tăng giá của cổ phiếu PGI có thể liên quan nhiều đến việc tìm được đối tác chiến lược phù hợp.

Theo thông tin từ ĐHCĐ ACB, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này vào khoảng 359 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ). Năm 2015 đồng thời cũng là thời điểm cuối cùng để ACB tiến hành tái cấu trúc. Do vậy, với việc đẩy mạnh xử lý nợ tồn đọng cũ, nợ xấu trong Q1/2015 đã có sự cải thiện khi giảm từ 3,28% (Q1/2014) còn 2,08%. Mặt khác, sự cải thiện cũng thể hiện tại chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, ghi nhận ở mức 3% so với -0,2% cùng kỳ.

Đối với DPM, thông tin nhận được từ ĐHCĐ cho biết, doanh thu Q1 đạt 2.368 tỷ đồng (-7,3% so cùng kỳ), LNTT đạt 560 tỷ đồng (+29% so cùng kỳ). Nguyên nhân chủ yếu nhờ sự sụt giảm trong giá khí đầu vào, bình quân đạt 4,5 USD (giảm 40% so cùng kỳ). Một yếu tố tích cực khác là cổ tức chi trả trong 2014 khá tốt, ở mức 30% với tỷ suất cổ tức khoảng 9,7%.

Đối với FMC, doanh thu và LNST vừa được công bố đạt lần lượt 504,34 tỷ đồng (-9% yoy) và 11,85 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần). Mặc dù, sản lượng tiêu thụ không như cùng kỳ nhưng với lượng hàng tồn kho có giá trị tốt, biên LN gộp trong Q1/2015 tăng đáng kể, đạt 8,5% so với 4,4 % (Q1/2014). Lượng hàng tồn kho này được sản xuất trong Q4/2014 với biên LN gộp khoảng 12%; nhờ vậy, lợi nhuận quý này cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành khoảng 15% kế hoạch LNTT. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, quý 1 thường không phải quý cao điểm trong tiêu thụ mặt hàng thủy sản. Đồng thời, giá bán tôm trong các tháng đầu năm cũng có sự sụt giảm khi nguồn cung từ Ấn Độ gia tăng. Sự hồi phục về giá có thể xảy ra vào khoảng 2-3 tháng nữa nhờ việc tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho năm trước.

Còn theo đánh giá của CTCK BIDV (BSC), phiên 22/4 là phiên bán cuối cùng nếu nhà đầu tư cần bán để tiền kịp về tài khoản trước kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Do đó, BSC cho rằng áp lực bán sẽ giảm trong phiên 23/4. Bên cạnh đó, khối ngoại dự kiến tiếp tục mua ròng đến hết tuần này. Hiện tại, nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhóm dầu khí đang điều chỉnh nhẹ và đà giảm sẽ không kéo dài lâu do nhóm này đang tiếp tục được khối ngoại mua vào. Hiện tại, áp lực bán từ khối nội khiến thị trường giằng co, tuy nhiên nếu khối ngoại tiếp tục giữ vị thế mua trong thời gian tới, xu hướng thị trường chung sẽ tích cực hơn.

Chứng khoán Bản Việt thì cho rằng hai chỉ số có thể sẽ tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày 23/4 và lực cầu sẽ gia tăng mạnh dần khi chỉ báo xung lượng ngắn hạn đang giảm về mạnh gần vùng quá bán. Đồng thời, Bản Việt vẫn đánh giá thị trường đang trong giai đoạn tích lũy và có thể bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực trong 1 – 2 phiên giao dịch tới.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *