Chứng Khoán 31/12/2013 15:17

Kỳ vọng nâng room khối ngoại tại một vài doanh nghiệp trong vài ngày tới

FICA - Một quan chức của Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho Reuters biết dự thảo nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 60% đã được Bộ Tài chính trình lên Thủ tướng tuần trước và kì vọng sớm được thông qua.

Hãng tin Reuters kỳ vọng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ ký thông qua luật sửa đổi tỷ lệ sở hữu tối đa (room) với nhà đầu tư nước ngoài tại một số doanh nghiệp niêm yết lên 60%. Đây được xem là động thái mới nhất trong việc nới lỏng quyền kiểm soát của Nhà nước với nền kinh tế.

Dự thảo sẽ tăng giới hạn sở hữu và quyền được biểu quyết của nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 60%, nhưng chỉ đối với một số lĩnh vực và doanh nghiệp nhất định, sau khi được cổ đông và Thủ tướng cho phép. Việc tăng room không được áp dụng với các ngành mà Nhà nước cần kiểm soát vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, dự thảo không nêu tên cụ thể các ngành này.

Dự thảo cũng đề cập việc tăng tỷ lệ biểu quyết của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty chưa niêm yết lên mức 49%, để phù hợp với giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 49%.

Một quan chức của Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho Reuters biết dự thảo đã được Bộ Tài chính trình lên Thủ tướng tuần trước và được kì vọng thông qua sớm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay khi chỉ số VN-Index tăng 21% so với đầu năm, mức tăng tốt nhất đối với các thị trường Đông Nam Á và xếp thứ 4 tại châu Á, theo số liệu của Thomson Reuters.

Tuy nhiên, chỉ số này vẫn giảm 57% từ mức đỉnh thiết lập tháng 3/2007 và là thị trường có quy mô vốn hóa nhỏ so với các nước trong khu vực với chỉ 40 tỷ USD, bằng 1/8 của Thái Lan và 1/10 của Singapore.

Nhà đầu tư hưởng ứng việc tăng room khối ngoại như một bước tiến tích cực trong việc thu hút thêm vốn cho hai Sở giao dịch chứng khoán của Việt Nam, nhưng cho rằng các nhà làm luật cần nới lỏng hơn nữa để thu hút thêm vốn đầu tư và thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp.

Chính phủ đã hứa sẽ tái cấu trúc nền kinh tế như một phần trong kế hoạch tổng thể nhằm phục hồi nền kinh tế vốn từng được xếp là ngôi sao mói nổi tiếp theo của châu Á nhưng bị ảnh hưởng bởi nợ xấu cao, chi tiêu tiêu dùng thấp và hàng loạt các doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản. Các nhà đầu tư và các nhà kinh tế cho rằng Chính phủ cần hành động nhiều hơn nữa bởi những cải cách cho tới thời điểm này chưa mang lại nhiều thay đổi.

Ông Trần Tài, nhà quản lỹ quỹ tại Asiavantage nói rằng thị trường sẽ tăng sau khi luật mới có hiệu lực nhưng cần thời gian để thấy được những tác động thực sự. "Đó là tín hiệu tích cực từ Chính phủ, nhưng tín hiệu này chưa tốt như nhà đầu tư kì vọng", ông Tài nói.

Chủ tịch Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX), ông Trần Đắc Sinh cho biết, tính trung bình, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 24% cổ phần các công ty niêm yết tại HSX trong năm này.  Ông Sinh cho rằng còn rất nhiều "room" cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào độ hấp dẫn của từng công ty.

Ông Dominic Scriven, CEO của quỹ Dragon Capital, nói một vấn đề lớn là nhiều doanh nghiệp lớn nhất đã hết room cho khối ngoại, với 12 công ty trong top 30  đã kín room. "Việc thực sự cần thiết là nhanh chóng bỏ giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài", ông Scriven nói.

Lam Thanh

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *