Chứng Khoán 11/03/2014 10:06

Khớp lệnh “khủng” tại PVX, bluechips kéo điểm VN-Index

FICA – Với sự hồi phục tại các bluechips: MSN tăng 500 đồng, GAS tăng 1.000 đồng, BVH, VCB, HSG, HAG đều xanh điểm... đã giúp VN-Index giữ được đà tăng, tuy nhiên, với 103 mã giảm, sàn HSX đang rơi vào trạng thái "xanh vỏ đỏ lòng".

 

Khép lại phiên giao dịch sáng với 103 mã giảm và 102 mã tăng, sàn HSX rơi vào trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” khi VN-Index vẫn tăng 2,8 điểm tương ứng 0,48% lên 586,49 điểm. HNX-Index duy trì sắc xanh, tăng 0,58 điểm tương ứng 0,7% lên 883,38 điểm với 117 mã tăng và 96 mã giảm.

Trong phiên có lúc VN-Index đã phải hoạt động dưới đường tham chiếu, tuy nhiên, nỗ lực tại các bluechips đã kéo chỉ số này trở lại đà tăng.

MSN tăng 500 đồng, GAS tăng 1.000 đồng, BVH, VCB, HSG, HAG đều xanh điểm. Ngoại trừ HAG và VCB thì các mã còn lại đều có thanh khoản thấp, thậm chí MSN chỉ được khớp lệnh xấp xỉ 30 nghìn cổ phiếu.

STB giảm giá 300 đồng và lực cầu khá khiêm tốn, khớp lệnh đạt 590 nghìn cổ phiếu và khối ngoại mua vào 109,18 nghìn đơn vị. Đồng thời, khối ngoại cũng mua 736,5 nghìn cổ phiếu HAG trong khi cổ phiếu này tăng điểm 300 đồng với 2,7 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.

ITA giao dịch với khối lượng khá lớn, đạt gần 7 triệu cổ phiếu khớp lệnh và dẫn đầu thanh khoản HSX. OGC, FLC, HQC, PXL, HAG… nằm trong nhóm các cổ phiếu được mua mạnh, song trong số này, HQC giảm điểm và FLC đứng giá.

Khối ngoại cũng dành sự quan tâm tới ITA khi mua vào 143 nghìn cổ phiếu, mua 121 nghìn cổ phiếu BGM, mua 121 nghìn cổ phiếu VSH. Các bluechips như PVD, HPG, STB cũng được mua khá mạnh.

Thanh khoản tiếp tục bùng nổ tại PVX khi khớp lệnh tại mã này đã gần 16 triệu cổ phiếu, chủ yếu là lực mua từ nhà đầu tư nội. Nguồn cung giá trần còn 2,1 triệu cổ phiếu.

Nhà đầu tư ngoại tranh thủ nhịp giảm tại KLS, SHB, PHH đã mua ròng khá mạnh nhóm cổ phiếu này. Mua 140 nghìn cổ phiếu KLS, mua 113 nghìn cổ phiếu SHB và mua 100 nghìn cổ phiếu PHH.

10 giờ sáng ngày 11/3, hai sàn vẫn đang duy trì đà tăng với mức tăng 1,93 điểm tương ứng 0,33% tại VN-Index đưa chỉ số này lên 585,62 điểm với 108 mã tăng. HNX-Index tăng 0,72 điểm tương ứng 0,87% đạt 83,53 điểm.

Khối lượng giao dịch trên HSX xấp xỉ 40 triệu cổ phiếu tương ứng 500 tỷ đồng và HNX với khối lượng tương tự, đạt trên 350 tỷ đồng.

Đáng lưu ý là nhịp tăng tại nhóm vốn hóa lớn đã chậm lại. BID, MSN, STB, VNM đứng giá tham chiếu, GAS chỉ tăng 500 đồng, BVH tăng 200 đồng và VIC giảm giá.

ITA, OGC được giao dịch mạnh, khối lượng khớp tại ITA thời điểm này đạt 2,65 triệu cổ phiếu còn tại OGC là 2,48 triệu đơn vị. VOS, LCM, KTB, PXL, AGR tăng trần ồ ạt và khớp lệnh mạnh. Các mã này đều có thị giá thấp. Trong đó VOS chỉ có thị giá dưới 5.000 đồng, các mã còn lại giao dịch dưới mệnh giá.

Trên HNX, cổ phiếu PVX có sự bứt phá về thanh khoản khi khối lượng khớp sau hơn 1 giờ giao dịch đã lên tới 11,6 triệu cổ phiếu, gần gấp 4 lần mã có thanh khoản cao thứ hai thị trường là SCR (3,3 triệu cổ phiếu).

Khối ngoại đang mua ròng 100 nghìn cổ phiếu PHH trong khi lực bán tại mã này rất lớn, khớp lệnh chưa tới 30 nghìn đơn vị và đang bị giảm điểm 200 đồng.

Theo báo cáo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), hai tuần giao dịch giữa tháng 3 này là hai tuần cơ cấu lại danh mục của các quỹ ETFs (VNM và FTSE). Theo tính toán của nhóm phân tích, hoạt động cơ cấu này sẽ khó có thể tạo tác động tích cực lên thị trường do (1) nếu một cổ phiếu được mua mạnh thì ngược lại quỹ cũng sẽ bán ra một hoặc một số cổ phiếu khác, hiệu ứng lên thị trường chung vì vậy

là cân bằng; và (2) hiện tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong quỹ VNM đang ở mức 72,64%, cao hơn so với mức tiêu chuẩn 70%, vì vậy nhiều khả năng quỹ VNM sẽ phải giảm tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam với tổng giá trị khoảng hơn 250 tỷ đồng.

Về việc thu hút vốn, nếu như quỹ VNM vẫn đều đặn phát hành thêm 100.000 chứng chỉ quỹ (ccq) mỗi phiên từ đầu tháng 2 thì quỹ FTSE đã có dấu hiệu bị rút vốn trong tuần đầu của tháng 3 khi số ccq sụt giảm lên tới 520.000.

Như vậy, có thể thấy dòng vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại, khi mà chu kỳ giải ngân mạnh của khối ngoại, thường là vào Quý 1, đã gần trôi qua. Hơn thế nữa, những diễn biến trên thế giới vào thời điểm hiện tại cũng có ít nhiều tác động không tích cực lên động thái của các nhà đầu tư nước ngoài như (1) căng thẳng Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu và (2) xuất khẩu Trung Quốc giảm tới 18,1% (yoy) trong tháng 2, mạnh nhất kể từ năm 2009, thay vì con số tăng 6,8% như kỳ vọng trước đó.

Mặc dù vậy, dựa trên quan điểm ngắn hạn, VCBS vẫn cho rằng, diễn biến cung cầu của khối nội vẫn khá tích cực và ổn định là cơ sở để nhà đầu tư, có khả năng chấp nhận rủi ro cao, có thể xem xét mua vào một số cổ phiếu nhận được thông tin hỗ trợ mạnh như chia cổ tức cao, kế hoạch kinh doanh 2014 lạc quan, hoặc nằm trong danh mục dự kiến được ETFs mua mạnh trong kỳ cơ cấu danh mục.

Tuy nhiên, rủi ro thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn khi VN Index tiệm cận vùng 590 và nhiều khả năng tích lũy dài trong trung hạn, cộng với rủi ro diễn biến thế giới cũng như động thái của khối ngoại có thể tiếp tục xấu đi là đáng kể. Do đó, tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ vẫn chỉ nên ở mức thấp với lợi nhuận kỳ vọng không nên đặt quá cao, VCBS khuyến nghị.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *